Đại gia bất động sản CEO lỗ đậm

Bảo Anh

(Dân trí) - Đặt mục tiêu lãi 80 tỷ đồng năm nay song sau 6 tháng, Công ty Cổ phần Tập đoàn CEO báo lỗ sau thuế gần 165 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Tập đoàn CEO (CEO, mã chứng khoán: CEO), vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021.

Lỗ gần 165 tỷ đồng sau 6 tháng 

Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý II của CEO đạt 140,6 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2020, song tính lũy kế 6 tháng vẫn giảm hơn 32%.

Doanh thu tăng nhưng do giá vốn hàng bán cũng tăng, quý II năm nay, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của CEO là - 28,8 tỷ đồng. Hay nói cách khác, quý II, CEO lỗ gộp 28,8 tỷ đồng, tăng so với mức lỗ 20,2 tỷ đồng cùng kỳ 2020. Sau 6 tháng, CEO lỗ gộp hơn 12,4 tỷ đồng về bán hàng và cung cấp dịch vụ.

Chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp quý II và 6 tháng đều giảm song quý II năm nay, CEO vẫn lỗ sau thuế hơn 126,7 tỷ đồng, tăng so với mức lỗ 112 tỷ đồng cùng kỳ 2020. Trong đó, công ty mẹ chịu lỗ 76 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, CEO lỗ 164,7 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 110 tỷ đồng cùng kỳ 2020. Trong đó, công ty mẹ chịu lỗ hơn 94 tỷ đồng.

Đại gia bất động sản CEO lỗ đậm - 1

Tập đoàn CEO có nửa năm làm ăn không mấy hiệu quả (Ảnh minh họa: CEO).

Năm 2021 này, CEO đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 1.600 tỷ đồng, tăng gần 21%, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 80 tỷ đồng. Song thực tế, một nửa chặng đường đã trôi qua, công ty vẫn lỗ.

Trước đó, năm 2020, doanh nghiệp sở hữu hàng loạt dự án lớn, chủ yếu là bất động sản nghỉ dưỡng, trải dài khắp các tỉnh thành cả nước như Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Quốc… đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến cho kế hoạch này không thể hoàn thành khi mà năm 2020, công ty chỉ đạt 1.324 tỷ đồng doanh thu, giảm mạnh 70% so với 2019, lỗ 103 tỷ đồng.

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm

Đáng chú ý trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II của CEO là lưu chuyển tiền thuần trong kỳ đến 30/6 là - 144,4 tỷ đồng với việc lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh - 91,1 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư - 37 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính - 16,1 tỷ đồng. Cùng kỳ năm 2020, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của CEO vẫn là hơn 31 tỷ đồng.

Trong nghiệp vụ kế toán, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm phản ánh dòng tiền thu vào nhỏ hơn tổng dòng tiền chi ra, thể hiện quy mô vốn bằng tiền của doanh nghiệp đang giảm sút. 

Theo giới phân tích, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm thể hiện sự khó khăn của doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, thu tiền bán hàng, cung cấp dịch vụ... Còn ngược lại, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính không bắt buộc cần dương. Bởi lẽ, trong một số trường hợp, việc các chỉ số này âm còn thể hiện năng lực, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang có xu hướng phát triển hoặc doanh nghiệp tăng được nguồn tài trợ bên trong hoặc không có nhu cầu cần tài trợ nên huy động vốn từ nhà cung cấp giảm xuống. 

Tiền và các khoản tương đương tiền, một trong những chỉ số quan trọng trên bảng cân đối kế toán, phản ánh toàn bộ số tiền, tương đương tiền của doanh nghiệp, sau 6 tháng cũng giảm mạnh.

Cụ thể, đến 30/6, tiền mặt tại quỹ của CEO tăng từ 19,6 tỷ đồng lên 24,9 tỷ đồng (tăng 27%). Tuy nhiên, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn lại giảm từ 194,6 tỷ đồng thời điểm 1/1 năm nay về còn 44,8 tỷ đồng đến 30/6, tương đương giảm gần 77%. Tính chung lại, tiền và các khoản tương đương tiền của CEO sau 6 tháng đạt gần 84,2 tỷ đồng, giảm 63% so với mức 228,6 tỷ đồng thời điểm 1/1/2021.

Về hàng tồn kho, một trong những chỉ số quan trọng đối với doanh nghiệp ngành bất động sản, tính đến 30/6, tồn kho của CEO giảm 5,8% về 625,8 tỷ đồng. Tại CEO, sau 6 tháng, tồn kho hàng hóa và tồn kho chi phí xây dựng dở dang - 2 cấu phần chiếm tỷ trọng lớn nhất trong khoản mục hàng tồn kho, lần lượt là 3,9 tỷ đồng và 574,2 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. 

Theo giới phân tích, trong bất động sản, tồn kho bao gồm nhiều cấu phần song quan trọng nhất vẫn là tồn kho thành phẩm (hàng hóa, thành phẩm đã hoàn thiện), bán thành phẩm (bất động sản, sản xuất kinh doanh dở dang). Tồn kho thành phẩm tăng sẽ tiềm ẩn nỗi lo và nguy cơ. Song nếu tồn kho bán thành phẩm giảm cũng chưa hẳn đã tốt.

Về tình hình vay nợ, đến hết 30/6, CEO đang vay ngắn hạn 721,8 tỷ đồng, tăng so với mức 532,6 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, dư nợ tại BIDV là 328 tỷ đồng (đầu năm 174,5 tỷ đồng), VietinBank 252 tỷ đồng (đầu năm 181 tỷ đồng)… 

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu CEO đóng cửa phiên 30/7 với giá 8.600 đồng/cổ phiếu. So với mức đỉnh 14.300 đồng/cổ phiếu đạt được hồi tháng 1, giá CEO đã giảm gần 40%.