Covid-19 trở lại, bất động sản nghỉ dưỡng buồn vì lỡ thời điểm “hốt bạc"

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Theo chuyên gia, các khách sạn và khu resort sẽ bỏ lỡ thời điểm du lịch hè vốn được ghi nhận là mùa du lịch nội địa cao điểm như những năm trước đây khi dịch Covid-19 quay trở lại.

Covid-19 phức tạp, bất động sản nghỉ dưỡng lại dính vận đen

Tin tức về các ca nhiễm Covid-19 mới tại Đà Nẵng trong những ngày qua đã và đang gây ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống khi các biện pháp phòng chống dịch và giãn cách xã hội một lần nữa được áp dụng.

Theo đó, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng lại hứng chịu những tác động tiêu cực. Trong khi phân khúc này trước đó đã có khoảng thời gian vô cùng khó khăn vì dịch Covid-19.

Covid-19 trở lại, bất động sản nghỉ dưỡng buồn vì lỡ thời điểm “hốt bạc - 1

Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng lại hứng chịu những tác động tiêu cực khi dịch Covid-19 quay trở lại với diễn biến phức tạp.

Một doanh nghiệp vận hành khách sạn quy mô lớn ở Đà Nẵng vừa công bố báo cáo tài chính với khoản lỗ ròng sau nửa đầu năm 2020 lên tới 149 tỷ đồng, gần gấp đôi khoản lỗ cùng kỳ năm trước.

Theo ban lãnh đạo doanh nghiệp này, trong quý 2/2020, do ảnh hưởng và diễn biến của dịch Covid-19 ngày càng phức tạp nên tình hình kinh doanh của lĩnh vực dịch vụ lưu trú nói chung và khách sạn Sheraton Grand Đà Nẵng nói riêng đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Từ tháng 5, sự phục hồi đang diễn ra khi du khách nội địa bắt đầu du lịch trở lại khi dịch Covid-19 ở Việt Nam được kiểm soát tốt hơn.

Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 có dấu hiệu phức tạp với số ca mới lây nhiễm từ cộng đồng tăng nhanh tại Đà Nẵng thì ngành du lịch lại bắt đầu nơm nớp với những khó khăn ập đến và phân khúc khách sạn lại thêm tiếng thở dài ngao ngán.

Theo báo cáo thị trường mới nhất của Savills Việt Nam, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng 6 tháng đầu năm 2020 hoạt động kém nhất từ trước đến nay do chính sách phong tỏa. Công suất phòng giảm 36 điểm phần trăm theo năm xuống 32% trong khi giá phòng giảm 1 3% theo năm xuống 74 USD/phòng/đêm.

Sau quý 1 đầy biến động, công suất quý 2 chỉ đạt 12%, giảm 36 điểm phần trăm theo quý. Áp lực từ công suất phòng thấp đã khiến giá phòng trung bình giảm 21% theo quý.

Phân khúc 5 sao chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do phụ thuộc chủ yếu vào khách quốc tế. Theo Sở du lịch TP.HCM, lượng khách quốc tế tại thành phố trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm -69% theo năm xuống 1,3 triệu lượt.

Cũng theo Savills, nhờ vào sự gia tăng của lượt du khách nội địa, thị trường du lịch Việt Nam đang trên đà hồi phục kể từ sau khi bị sụt giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2020.

Trong tháng 7, các địa điểm ven biển đã ghi nhận mức công suất khá cao vào các dịp cuối tuần, các khách sạn và resort thuộc phân khúc cao cấp và hạng sang cũng đã áp dụng các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thu hút nhóm du khách nội địa. Các khách sạn trong thành phố cũng bắt đầu nhận tổ chức các hội nghị, sự kiện.

Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng sẽ ra sao?

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương nhận định, tin tức về các ca nhiễm mới tại Đà Nẵng sẽ có tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của các khách sạn, resort, khu vui chơi giải trí trên cả nước với từng mức độ khác nhau.

Trong đó, thị trường khách sạn và resort tại Đà nẵng sẽ chịu tác động sớm nhất từ việc du khách hủy đặt phòng cho tháng 8 và tháng 9. Một số khách sạn và resort cho phép khách hàng chuyển các đặt phòng đã thực hiện sang cuối năm với hy vọng duy trì nguồn khách. Các đặt phòng mới chỉ có thể được ghi nhận khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn.

“Vì vậy các khách sạn và resort có thể sẽ bỏ lỡ thời điểm du lịch hè vốn được ghi nhận là mùa du lịch nội địa cao điểm như những năm trước đây”, ông Mauro Gasparotti nhận định.

Covid-19 trở lại, bất động sản nghỉ dưỡng buồn vì lỡ thời điểm “hốt bạc - 2

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương.

Nhận xét về ảnh hưởng đối với toàn bộ hoạt động của ngành du lịch Việt Nam, ông Mauro Gasparotti cho rằng: “Sự bùng phát của dịch Covid-19 tại Đà Nẵng sẽ gây hưởng đến các địa điểm du lịch khác của Việt Nam, cả phân khúc khách nghỉ dưỡng lẫn phân khúc khách công vụ vì yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu đối với các du khách. Khi dịch bệnh xảy ra, du khách sẵn sàng hủy hoặc tạm hoãn các kế hoạch du lịch. Mọi người sẽ có xu hướng tránh các khu vực đông người như sân bay hay nhà hàng, quán bar cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn”.

Đại diện Savills cũng dự đoán rằng hoạt động của ngành hàng không nội địa sẽ chững lại trong vài tuần tới đồng thời lượt khách du lịch nội địa cũng sẽ bị sụt giảm đáng kể. Nguồn doanh thu từ việc tổ chức hội nghị, hội thảo sẽ bị ảnh hưởng khi các sự kiện lớn cũng có thể bị hủy hoặc dời lại trong thời gian tới.

Nhận định về các kịch bản sắp tới cho ngành du lịch, ông Mauro cho rằng tình hình sẽ trở nên rõ ràng hơn trong một vài ngày tới.

"Tôi hi vọng sẽ có ít ca nhiễm mới đồng thời các nguồn lây lan sẽ sớm được khoanh vùng. Khi đó du khách nội địa sẽ cảm thấy đủ an toàn để có thể tiếp tục thực hiện các hoạt động kinh doanh và du lịch trở lại", ông Mauro nói.

Tuy nhiên vị này cũng cho rằng sẽ phải mất ít nhất một vài tuần để tình hình dịch bệnh có thể được kiểm soát tốt hơn.