Cò đất tung hoả mù, thị trường bất động sản lên cơn sốt đất, giá ảo
(Dân trí) - Môi giới bất động sản lệch chuẩn đạo đức là nguyên nhân chính tạo nên các cơn sốt đất, giá ảo và bong bóng bất động sản. Trong khi đó, chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề môi giới bất động sản khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, chưa đủ sức răn đe.
Đặt câu hỏi trên Nghị trường Quốc hội vừa qua, đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) cho biết, hiện nay công tác quản lý thị trường bất động sản còn có mặt bất cập trong quản lý môi giới bất động sản, cụ thể như quy định cá nhân không bắt buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học mà vẫn được dự thi lấy chứng chỉ môi giới bất động sản.
Theo đại biểu, chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề môi giới bất động sản khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, chưa đủ sức răn đe. Việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản chưa gắn với các quy định về thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động môi giới bất động sản.
"Từ thực trạng trên Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng bất cập trong quản lý môi giới bất động sản góp phần làm ổn định thị trường bất động sản nước ta", ông Hoà nói.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, hiện nay, quy định pháp luật về hành nghề môi giới và xử lý các vi phạm trong hoạt động môi giới bất động sản có quy định: "Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản phải là người đã qua kỳ thi sát hạch về kiến thức môi giới bất động sản".
Theo Thông tư quy định: "Các bài thi sát hạch câu hỏi của thí sinh phải đạt yêu cầu từ 70 điểm trở lên theo thang điểm 100 mới thi đỗ và được cấp chứng chỉ", còn việc có khoa đào tạo hay không là quyền của cá nhân thi sát hạch, miễn là trong quá trình thi đáp ứng được yêu cầu về sát hạch.
Theo quy định, phạt tiền từ 10.000.000 đồng - 15.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản nếu không có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, từ 30.000.000 đồng - 40.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản theo quy định.
Bộ trưởng cho hay, mức phạt trên được phản ánh là chưa đủ sức răn đe do đó, Bộ sẽ nghiên cứu và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
"Về giải pháp trong thời gian tới, đề nghị các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm các trường hợp hoạt động môi giới bất động sản mà không có chứng chỉ theo quy định của pháp luật", người đứng đầu ngành xây dựng nói.
Thực tế, thời gian qua, tại nhiều địa phương diễn ra tình trạng "sốt đất ảo", nghĩa là giá đất thì tăng cao nhưng giao dịch thực lại không có. Nghịch lý này diễn ra trên địa bàn một số huyện tại Hà Nội như Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức Đông Anh hay các địa phương như TPHCM, Vân Đồn, Đà Nẵng, Bình Thuận, Quảng Ninh...
Một trong số nguyên nhân chính là do môi giới (cò đất) tung hô thổi giá. Chiêu thức được các môi giới sử dụng là mua gom đất tại khu vực chưa ai để ý với giá rẻ, sau đó mua bán sang tay cho nhau một vài ô với giá cao hơn rất nhiều để tạo mặt bằng giá mới. Đồng thời, tung tin thị trường bắt đầu nóng lên để lôi kéo nhà đầu tư thứ cấp.
Theo thống kê của Hội Môi giới Việt Nam, lực lượng tham gia hành nghề môi giới bất động sản của Việt Nam đang đạt khoảng 300.000 người, trong đó chỉ 27.000 người có chứng chỉ hành nghề theo luật cũ; 8.000 người đã có chứng chỉ hành nghề theo luật mới. Số còn lại khoảng 265.000 chưa có chứng chỉ hành nghề.
Theo ông Trần Minh Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam thừa nhận, có tình trạng môi giới tung tin thất thiệt, không chính xác tạo sự không minh bạch cho thị trường bất động sản. Các đối tượng này cũng tiếp tay cho chủ đầu tư không tuân thủ pháp luật, phân phối hàng không đảm bảo quy định pháp luật, dẫn đến rủi ro cho khách hàng và khiến thị trường bất động sản khó kiểm soát.
Sở dĩ có thực trạng này là do các môi giới bất động sản của Việt Nam phần lớn đều chưa có trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Phần lớn lực lượng môi giới bất động sản tham gia bán hàng tại các sàn giao dịch bất động sản hiện nay đều không có chứng chỉ hành nghề, không được đào tạo bài bản.
Trao đổi với báo chí trước đó, ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng, vấn đề nóng cần xử lý hiện nay là đạo đức của người làm môi giới bất động sản.
"Môi giới bất động sản lệch chuẩn đạo đức là nguyên nhân chính tạo nên các cơn sốt đất, giá ảo và bong bóng bất động sản. Lực lượng này cũng sẽ khiến thị trường không minh bạch, mang đến nhiều rủi ro cho khách hàng", ông Hà cho biết.
Phương Dung