“Cò” đất rầm rộ tung chiêu "bẫy" nhà đầu tư thời hậu Covid-19
(Dân trí) - Sau khi thị trường BĐS hoạt động ổn định trở lại, nhiều “cò” đất đã tung ra nhiều chiêu trò để “bẫy cừu”, chính là nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm.
Môi giới liên tục đổi chiêu, cẩn thận sập bẫy!
Đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường BĐS Việt Nam bị “đóng băng” trong nửa năm, hàng trăm sàn giao dịch phải đóng cửa, và giới “cò” đất trong thời điểm này không có đất dụng võ, phải chờ đợi dịch bệnh đi qua.
Chính vì vậy, khi thị trường BĐS được phép hoạt động trở lại, nhiều “cò” đất đã tạo ra nhiều chiêu trò để “bẫy” nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm. Nếu không tỉnh táo, chắc chắn nhà đầu tư sẽ bị sập bẫy.
Trao đổi với PV Dân trí, bà Đỗ Thu Nga, một nhà đầu tư BĐS chuyên nghiệp tại Hà Nội cho biết, một trong những chiêu thức của dân môi giới BĐS dễ gặp ở thời hậu Covid-19 là trò “mưa dầm thấm lâu”.
Bà Nga tiết lộ, với chiêu “mưa dầm thấm lâu”, giới “cò” đất thường xuyên đăng tải các thông tin “sốc” về thị trường lên mạng xã hội để kích thích nhà đầu tư. Ví dụ: cắt lỗ sâu căn hộ bình dân sau đại dịch Covid-19, thanh lý BĐS thế chấp ngân hàng, hay chủ đầu tư thu hồi vốn, giảm giá mạnh tay thời hậu Covid-19,...
Trong trường hợp lỡ để lại thông tin liên lạc trên các bản tin quảng cáo đó, hằng ngày, khách mua hoặc nhà đầu tư sẽ phải nhận hàng trăm cuộc điện thoại tư vấn của “cò” đất.
Chiêu này rất dễ gặp ở ngay trong giai đoạn cách ly dịch bệnh. Bằng việc sử dụng nhiều lời mời gọi dồn dập, hấp dẫn như: "Anh, chị nên đầu tư vào dự án này", "chắc chắn sẽ có lời từ 20 - 30% chỉ sau 1 năm, hoặc nếu không ngay thì mai hết cơ hội làm giàu",...
“Tôi không khẳng định các lời mời tư vấn đó có là lừa đảo hay không. Thế nhưng, mức lợi nhuận mà họ đưa ra từ 20 - 30% sau 1 năm đầu tư là có vấn đề. Bởi vì, sẽ không ai có thể đoán chính xác 100% diễn biến của thị trường trong năm tới”, bà Nga nói.
Cũng theo tiết lộ của bà Nga, trong thời điểm hậu Covid-19, nhiều công ty BĐS đang rơi vào tình trạng khát vốn, nên buộc phải đẩy mạnh bán hàng để tạo ra sự thanh khoản, tạo ra dòng vốn mới.
Chiêu trò của các công ty địa ốc này thường xuyên áp dụng là tạo hiệu ứng đám đông để thuyết phục nhà đầu tư xuống tiền càng nhanh càng tốt.
Bà Nga cho biết, các công ty địa ốc này sẽ dùng lời nói để đưa nhà đầu tư rơi vào thế bị động. Trong đó, nhân viên tư vấn của công ty địa ốc sẽ có nghĩa vụ tư vấn nhà đầu tư phải mua ngay hôm nay để nhận được ưu đãi từ chủ đầu tư, hoặc chỉ còn ít sản phẩm đưa ra thị trường, nếu không mua ngay, ngày mai sẽ hết suất...
“Thực tế, nhiều dự án căn hộ, chung cư đang “ế”, nhưng họ vẫn bảo sản phẩm của mình đang “cháy hàng”. Tôi cho rằng, nhà đầu tư không nên tin tưởng hoàn toàn vào dân môi giới, vì rất dễ bị dắt mũi”, bà Nga nói thêm.
Thậm chí, nhiều công ty địa ốc thường xuyên tổ chức các chuyến thăm quan tìm hiểu dự án, tổ chức hội thảo, sự kiện và mời các nhà đầu tư nhỏ lẻ tới tham dự.
Trong các sự kiện này, các công ty này sẽ cài cắm “người nhà”, để tạo ra hiệu ứng đám đông. Khi bắt đầu diễn ra giai đoạn mở bán, “người nhà” của các công ty địa ốc sẽ ồ ạt đăng ký mua nhà để lôi kéo sự chú ý nhà đầu tư nhỏ khác.
Bẫy thổi giá, chiều trò chưa bao giờ cũ!
Trong khi đó, tại TP.HCM, giới đầu nậu, “cò” đất đang vịn vào đề án xây dựng thành phố phía Đông để thổi giá đất lên rất cao.
Trong vai một nhà đầu tư muốn tìm kiếm cơ hội tại quận 9, PV đã nhận được lời tư vấn của một “cò” đất khá có tiếng tại TP.HCM. Theo như lời của “cò” đất này, hiện nay, giá đất tại quận 9 đã tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng thêm 30% sau khi đề án xây dựng thành phố phía Đông được công bố.
Nếu mua bây giờ giá vẫn còn dễ chịu và đợi đến khi nào đề xuất này được UBND TP.HCM thông qua, chắc chắn giá đất sẽ còn tăng nữa.
Thậm chí, “cò” đất này còn khẳng định: “Sáng nay vừa có một cặp vợ chồng ở tận Hà Nội vào đầu tư 50 - 60 tỷ đồng tại quận 9, nếu không mua nhanh bây giờ, ngày mai khu vực này lại tăng lên, lúc đó lại tiếc”.
Phủ nhận điều này, ông Nguyễn Thanh Tuấn, một chuyên gia BĐS cho rằng, sau khi đề xuất thành lập thành phố phía Đông, đất nền tại quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức chỉ tăng khoảng 3 - 5% ở một số khu vực.
“Mức tăng tới 30% là bất hợp lý và đi ngược lại quy luật của thị trường. Tôi cho rằng, mức tăng đó là ảo, chỉ là chiêu trò của dân môi giới để thối giá đất lên cao mà thôi”, ông Tuấn khẳng định.
Để tránh sập bẫy của giới “cò” đất, nhiều chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư phải tìm hiểu thật kỹ BĐS trước khi xuống tiền, tránh tối đa trường hợp xuống tiền theo đám đông.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư khi rót tiền vào dự án, phải tìm hiểu rõ năng lực thi công, năng lực tài chính của chủ đầu tư thông qua các dự án đã hoàn thiện trước đó.
Việt Vũ