Chuyên gia vạch nguyên nhân lớn khiến hàng trăm dự án bất động sản "ách tắc"
(Dân trí) - Hà Nội yêu cầu Housinco Tân Triều ngừng thi công, chuyển hồ sơ sang công an; chuyên gia nói về nguyên nhân gây tắc nghẽn trong triển khai các dự án của thị trường bất động sản... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua...
Thời gian gần đây, việc vi phạm trong quản lý, tranh chấp ở các chung cư ngày càng tăng xuất phát từ những sai phạm trong xây dựng, vận hành chung cư. Không chỉ ở TP HCM, tình trạng này còn xảy ra ở nhiều địa phương khác.
Theo khảo sát, tại nhiều chung cư trên địa bàn TP Hà Nội, việc tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư xảy ra rất nhiều, liên tục, căng thẳng. Tại nhiều chung cư, ban quản lý không thể giải quyết được, phải nhờ đến sự can thiệp của chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hà Nội, cho rằng việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém như: Việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư chưa được thực hiện nghiêm túc; công tác tổ chức hội nghị nhà chung cư, việc bầu và công nhận ban quản trị còn chưa được đôn đốc kịp thời và không ít trường hợp bị chậm tổ chức so với quy định…
Khách sạn Movenpick sừng sững đất vàng: Lỗ lũy kế còn cao, kiểm toán đặt nghi vấn
Nằm trên đất vàng Hà Nội, tuy nhiên, nhiều khách sạn cỡ lớn hiện nay đang hoạt động trong tình trạng kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ, trong đó có Movenpick Hanoi.
Khách sạn Movenpick có địa chỉ tại số 83A phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm được thiết kế theo tiêu chuẩn 4 sao, trong khuôn viên khách sạn còn có riêng một khu kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng cho người nước ngoài với 38 máy.
Theo báo cáo tài chính bán niên năm 2019 của Công ty CP Roxy Việt Nam - chủ sở hữu Movenpick, doanh thu thuần trong 6 tháng đầu năm đạt 152,2 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm 2019 của Roxy đạt gần 37,2 tỷ. Mặc dù trong nửa đầu năm nay, Roxy không báo lỗ, song doanh nghiệp này vẫn đang gánh một khoản lỗ lũy kế tính đến cuối tháng 6/2019 là 187 tỷ đồng.
Dùng dằng “món nợ” qua cả thập kỷ của “đại gia” Vinaconex
Theo báo cáo tài chính bán niên 2019 của Vinaconex, nợ phải trả tính đến 30/6/2019 của doanh nghiệp này là 11.777 tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ nợ dù chưa phải quá cao đối với một doanh nghiệp xây dựng như Vinaconex, tuy nhiên phần lớn nợ phải trả là nợ ngắn hạn, với giá trị 8.890 tỷ đồng, chiếm 76% tổng nợ.
Bên cạnh đó, các con số trên bảng cân đối kế toán chưa phản ánh được hết tình trạng công nợ của Vinaconex, bởi còn có khoản công nợ chưa xác định tồn tại từ khi có kết luận thanh tra sau cổ phần hoá. Đều đặn, tại báo cáo tài chính từ năm 2010 đến nay, năm nào kiểm toán cũng nêu ý kiến nhấn mạnh liên quan đến vấn đề này.
Cụ thể, kiểm toán nhấn mạnh: Thông báo số 132/TB-VPCP ngày 16/06/2016 của Văn phòng Chính phủ nêu “ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình tại cuộc họp xử lý sau thanh tra việc cổ phần hoá Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam” có đề cập một số vấn đề đã được nêu trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ.
Kinh doanh khách sạn tại Khu kinh tế Vũng Áng rơi vào cảnh điêu đứng
Những hình ảnh mà nhóm PV Dân trí ghi lại là một thực trạng đầy ảm đạm, khó khăn trong hoạt động kinh doanh khách sạn tại KKT Vũng Áng- nơi được mệnh danh là trái tim kinh tế của không chỉ Hà Tĩnh mà còn của khu vực Bắc Miền Trung.
Tổ hợp khách sạn Mường Thanh với chất lượng 4 sao là một ví dụ điển hình cho tình trạng kinh doanh bi đát, chồng chất khó khăn này.
Từ hơn 2 năm qua tổ hợp khách sạn nằm ngay ở vị trí đẹp bậc nhất của KKT Vũng Áng rơi vào cảnh vắng khách trầm trọng. Theo phụ trách tổ hợp khách sạn này, chỉ 20 % trong tổng số 246 phòng của khách sạn là hoạt động, còn lại là đóng cửa.
Hà Nội yêu cầu Housinco Tân Triều ngừng thi công, chuyển hồ sơ sang công an
UBND TP. Hà Nội cho biết đã nhận được văn bản ngày 8/8/2019 của Sở Quy hoạch – Kiến trúc báo cáo xin ý kiến chỉ đạo về việc cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến dự án Housinco Premium Nguyễn Xiển theo đề nghị của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu – Công an TP Hà Nội.
Về việc này, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội – ông Nguyễn Thế Hùng đã giao Sở Kế hoạch - Đầu tư kiểm tra, rà soát thủ tục đầu tư của dự án, đề xuất báo cáo thành phố, yêu cầu chủ đầu tư dự án tạm dừng thi công công trình.
UBND TP cũng đã giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc cung cấp hồ sơ liên quan đến quy hoạch dự án theo đề nghị của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu – Công an TP Hà Nội.
"Có thể ký nhưng không dám ký": Nguyên nhân khiến hàng trăm dự án BĐS "ách tắc"
Nói về nguyên nhân gây tắc nghẽn trong triển khai các dự án của thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, thị trường bất động sản TPHCM đang khó khăn, không phải do doanh nghiệp, không phải người tiêu dùng, mà khó khăn là do cơ chế, chính sách.
"Khâu thấu hiểu, thực thi pháp luật là vấn đề rất lớn ở TPHCM. Đã có những dự án bị dừng vì chồng chéo luật. Cụ thể, chúng tôi tổng hợp có 170 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa thể triển khai do vướng mắc về quy định pháp luật, trong đó có 120 dự án vướng do liên quan đến đất hỗn hợp", ông nói.
Theo ông Châu, để làm một dự án, doanh nghiệp mất 5 năm giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư 3 năm, thi công 2 năm tổng cộng tất cả là 10 năm. Chưa có doanh thu, áp lực tài chính lớn... chính vì vậy chính sách nên chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Nhà 1 tỷ đồng "mất tích", sa lầy vì đói vốn
Tại hội thảo "Giải pháp an cư cho công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" diễn ra vào sáng 24/9, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ xây dựng Nguyễn Trọng Ninh nhận định với tình trạng số lượng công nhân ngày càng gia tăng như hiện nay, nếu không kịp thời giải quyết nhà ở cho họ thì vô cùng cấp bách. Hiện nay nhà ở cho công nhân mới chỉ đáp ứng được 28% so với nhu cầu.
Theo ông Ninh, một trong những vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn. Trong khi đó, thực tế đang có hàng trăm dự án nhà ở xã hội bị đình trệ do chủ đầu tư không mấy mặn mà.
Lợi nhuận “ông trùm” xây dựng HBC đi xuống, đau đầu vì hai chữ "tiền đâu"
Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã CK: HBC) từng được xem là mã cổ phiếu “hot” đối nhiều đầu tư.
Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, góc nhìn của giới đầu bắt đầu dè chừng đối với HBC ở các khoản phải thu lớn gần 3 lần so với vốn chủ sở hữu, lợi nhuận suy giảm, dòng tiền lưu động âm.
Những khó khăn này cũng đã phản ánh vào giá cổ phiếu HBC. HBC liên tục giảm giá từ đầu năm và hiện đang giao dịch quanh mức 14.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn giá trị sổ sách và giảm 65% so với mức đỉnh điểm cách đây hai năm.
Theo báo cáo tài chính giữa niên độ đã qua kiểm toán vừa được công bố, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Hoà Bình đạt 9.031 tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước. Đi ngược lại với chiều tăng của doanh thu, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 175 tỷ đồng, giảm tới hơn 40% so với cùng kỳ.
Lật tẩy thủ đoạn kinh doanh “ma mãnh” của Công ty Địa ốc Alibaba
Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba và Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Alibaba đã bị bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thế nhưng, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ chiêu thức của hai anh em Luyện, Lĩnh trong suốt những năm tháng kinh doanh bất động sản.
Theo tài liệu mà chúng tôi thu thập, Công ty CP Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) và các công ty thành viên đã thu gom mua một số lượng đất nông nghiệp lớn tại các tỉnh như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận. Trong đó có một số ít là đất ở tại nông thôn và giao cho các cá nhân đứng tên. Sau đó, Công ty Alibaba tự ý “vẽ” ra những dự án “ma” trên giấy.
Hầu hết các dự án do Công ty Alibaba tự vẽ đều không được các cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt và cấp phép cho làm dự án. Thế nhưng, công ty này vẫn quảng cáo, giới thiệu rầm rộ để tiếp cận người mua.
Nguyễn Khánh (Tổng hợp)