Chuyên gia: Nên “xóa sổ" hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng trong Luật PPP

(Dân trí) - Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, dự án BT cũng là dự án thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư, bằng hình thức hợp đồng BT, nhưng hoàn toàn khác biệt với các loại hợp đồng PPP khác.

Chuyên gia: Nên “xóa sổ hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng trong Luật PPP - 1
Tiền làm đường chỉ một đồng, được đổi phần đất giá trị 4 đồng tại khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh, Khánh Hòa.

Hàng loạt vi phạm tại các dự án đổi đất lấy hạ tầng (BT) được cơ quan chức năng công bố thời gian qua làm “nóng" dư luận.

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra tình trạng nhiều dự án BT đều chỉ định nhà đầu tư, trong đó có dự án chỉ định nhà đầu tư sau khi triển khai thi công dự án.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy nhiều dự án xác định tổng mức đầu tư ban đầu không chính xác. Nhiều dự án lập và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công – dự toán còn nhiều sai sót, qua kiểm toán giảm hàng trăm tỷ đồng.

Việc xác định đơn giá đất cũng được Kiểm toán Nhà nước chỉ là là “chưa phù hợp”, rẻ hơn rất nhiều so với giá trị thực. Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết có tình trạng giao đất khi đã có ý kiến chỉ đạo tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án.

Theo dự kiến, phiên thảo luận Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sẽ được thảo luận tại nghị trường Quốc hội sáng thứ Năm tới (ngày 28/5).

Nhiều chuyên gia cho rằng, với những bất cập phát sinh từ hình thức đổi đất lấy hạ tầng theo hợp đồng BT, cần có những sửa đổi phù hợp.

Một số ý kiến thậm chí còn cho rằng hình thức đổi đất lấy hạ tầng (BT) là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, do vậy đề xuất dự thảo luật PPP nên “khai tử” loại hợp đồng này.

Theo quan điểm của ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng dự án BT là vấn đề cần được quan tâm xem xét trong dự thảo luật này. Theo đó, “Dự án Xây dựng-Chuyển giao” (Dự án BT) có thể không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật PPP, mà chịu sự điều chỉnh của Luật Quản lý sử dụng tài sản công.

Cụ thể theo ông Châu, Khoản 3 Điều 13 và Khoản 4 Điều 44 Luật Quản lý sử dụng tài sản công, quy định: “sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao” (Hợp đồng BT) và “Việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu”.

“Hiệp hội nhận thấy, Dự án BT cũng là dự án thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư, bằng hình thức Hợp đồng BT, nhưng hoàn toàn khác biệt với các loại hợp đồng PPP khác. Dự án PPP được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân”, ông Lê Hoàng Châu cho biết.

Theo ông Châu, dự án BT được thực hiện trên cơ sở nhà đầu tư xây dựng công trình hạ tầng. Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan ký kết hợp đồng và được cơ quan ký kết hợp đồng thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ để thực hiện dự án khác.

Trong dự án BT, nhà đầu tư bỏ tiền ra trước để thực hiện công trình BT và được Nhà nước thanh toán lại sau, khi công trình BT được nghiệm thu bàn giao, tương tự như kiểu “Hợp đồng nhận thầu trọn gói; Hợp đồng nhận thầu khoán gọn”.

Như vậy theo lãnh đạo HoREA, trong dự án BT chỉ có yếu tố “thanh toán”, mà không có yếu tố “hợp tác” như trong dự án PPP. Nhà nước thanh toán giá trị Hợp đồng BT cho nhà đầu tư theo nguyên tắc “ngang giá”, theo kiểu “mua đứt bán đoạn”. Nhà đầu tư dự án BT bán công trình BT cho Nhà nước; Nhà nước mua công trình BT và thanh toán cho nhà đầu tư bằng tài sản công, theo phương thức trao đổi hàng hóa thô sơ “vật đổi vật, hàng đổi hàng”.

Trong khi đó ông Châu cho biết, tại dự án PPP, Nhà nước và nhà đầu tư là hai đối tác bình đẳng, hợp tác có thời hạn để thực hiện dự án PPP, theo nguyên tắc “bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng”, cùng chia lợi nhuận, cùng chia sẻ rủi ro, nhất là trong trường hợp dự án bị giảm doanh thu trong quá trình khai thác, quản lý vận hành. Nhà nước và nhà đầu tư cùng thống nhất thành lập công ty dự án để thực hiện và quản lý vận hành dự án PPP, hoàn toàn khác với cơ chế thực hiện và quản lý vận hành dự án BT.

Do vậy, lãnh đạo Hiệp hội HoREA đã đề nghị Quốc hội xem xét bỏ Khoản 3 Điều 45 quy định về loại “Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT)” trong Dự thảo Luật PPP. Việc điều chỉnh “Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT)” thực hiện theo quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai…

Nguyễn Mạnh