1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Chung cư dính “phốt” nước bẩn, tranh chấp: Dân quay sang lo… giá nhà giảm

(Dân trí) - Rất nhiều người bày tỏ lo ngại giá nhà sẽ giảm khi chung cư dính “phốt” nước bẩn kéo dài. Tương tự, nỗi lo giá nhà giảm cũng xuất hiện tại một số dự án chung cư có tranh chấp...

Chung cư dính “phốt” nước bẩn, tranh chấp: Dân quay sang lo… giá nhà giảm - 1
Chung cư "dính" tranh chấp sẽ khiến người có ý định mua nhà nghi ngại hơn.

Như Dân trí đã đưa tin, liên tục gần đây cư dân tại nhiều chung cư trên địa bàn Hà Nội phản ánh về tình trạng nước bẩn, nước có mùi lạ gây hoang mang.

Tại một số chung cư, cư dân đã nhiều lần phản ánh cũng như chất vấn ban quản lý toà nhà và đơn vị cung cấp nước nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Bất an, lo ngại trước tình hình nước bẩn, có mùi lạ gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, cư dân tự “kêu gọi” nhau đồng lòng lên tiếng để gây sức ép với phía ban quản trị, nhà máy nước trong việc xử lý thoả đáng quyền lợi của cư dân.

Thậm chí tại cụm chung cư The Sparks Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội), một số cư dân còn lên tiếng kêu gọi mọi người chung sức lập "Chiến dịch đòi lại nước sạch cho bản Dương Nội”.

Kế hoạch cụ thể đưa ra là họp toàn bộ dân cư tại phòng sinh hoạt chung, lấy ý kiến của toàn bộ cư dân, sau đó viết đơn lên thành phố, các cấp có thẩm quyền khác…

Lời kêu gọi của cư dân này không quên kèm theo một nội dung đáng chú ý, đó là: “Một số bác đừng nghĩ là làm to sẽ ảnh hưởng giá nhà, bởi nếu không hành động ngay thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người thân”.

Nội dung kèm theo của cư dân này không thừa vì trước đó đã có rất nhiều người bày tỏ lo ngại giá nhà sẽ giảm khi chung cư dính “phốt” nước bẩn kéo dài. Không ít nhận định cho rằng, nước bẩn là do hạ tầng không đảm bảo, bể ngầm không được thau rửa định kỳ, đường ống xuống cấp…

Chung cư dính “phốt” nước bẩn, tranh chấp: Dân quay sang lo… giá nhà giảm - 2
Cư dân lo giá nhà giảm khi báo chí đưa tin chung cư bị "dính" nước bẩn...

Tương tự, nỗi lo giá nhà giảm cũng xuất hiện tại một số dự án chung cư có tranh chấp. Nhiều ý kiến cho rằng, với những dự án đang có tranh chấp, cần có đối thoại minh bạch giữa cư dân và chủ đầu tư để giải quyết vấn đề.

Nếu không thể tìm được tiếng nói chung thì mới tính tới việc kiện tụng, căng băng rôn bởi những việc này cũng có thêm “tác dụng phụ” là góp phần đẩy giá nhà giảm xuống.

Hơn một năm rao bán, thậm chí chấp nhận “cắt lỗ” tới trăm triệu nhưng chị Nhật Anh (Đan Phượng, Hà Nội) vẫn chưa bán được căn hộ chung cư để chuyển đi nơi khác.

“Tôi muốn tìm một căn hộ gần chỗ làm hơn, nhưng có lẽ do tranh chấp liên miên, băng rôn đỏ hầu như quanh năm nên nhiều khách đến xem nhà cảm thấy lo ngại”, chị Nhật Anh ngậm ngùi chia sẻ.

Trong vài năm trở lại đây, tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư tại các dự án bất động sản ngày càng có xu hướng gia tăng.

Bất động sản vốn những hàng hóa tương đối nhạy cảm, vì thế khi những tranh chấp này xảy ra ngay lập tức sẽ có nguy cơ tác động đến giá nhà, thậm chí dù bán rẻ hơn với thị trường cũng vẫn khiến người mua nhà nghi ngại.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc công ty tư vấn, quản lý bất động sản CBRE Hà Nội từng cho biết: Giá thứ cấp, đặc biệt ở những dự án đi vào sử dụng hiện đang có xu hướng chững lại, thậm chí giảm giá do nhiều yếu tố như thiết kế, hạ tầng, chất lượng... không đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó còn do tranh chấp chung cư xảy ra phổ biến, ảnh hưởng đến đời sống cư dân, cũng như đến giá trị sản phẩm và gây mất niềm tin của người mua nhà.

Tại một cuộc hội thảo về tranh chấp chung cư, lãnh đạo Hiệp hội bất động sản Việt Nam cũng đã cho rằng, ở góc độ thị trường, giá bán căn hộ tại những dự án có tranh chấp, kiện cáo có thể bị giảm 5-10%, thậm chí nhiều hơn và điều đó đồng nghĩa chủ sở hữu phải bán cắt lỗ.

Năm 2018, Bộ Xây dựng đã có báo cáo gửi Chính phủ về tình trạng cư dân khiếu nại, phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản. Theo cơ quan này, báo cáo của 43 địa phương và số lượng đơn thư gửi về Bộ Xây dựng cho thấy có 215 dự án có khiếu nại, tranh chấp. Trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân hoặc giữa các chủ thể liên quan trong phạm vi dự án và còn 107 dự án có khiếu nại, tranh chấp không thuộc phạm vi báo cáo như về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và những nội dung dân sự khác...

Trong báo cáo mới nhất về thực trạng tranh chấp nhà chung cư, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cũng cho biết, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về nguồn cung nhà chung cư là thực trạng tranh chấp diễn ra thường xuyên, khó tìm ra hướng xử lý dứt điểm và kéo dài. Theo thống kê sơ bộ của HoREA, toàn thành phố có khoảng 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau và diễn biến theo chiều hướng tiêu cực.

Hiệp hội chia ra làm 7 nhóm tranh chấp điển hình thường phát sinh trong quá trình sử dụng nhà ở cao tầng và diễn biến này đang làm xấu bộ mặt của thị trường căn hộ tại đô thị này, ảnh hưởng tới tâm lý người mua nhà.

Các chuyên gia cho rằng, cần có những biện pháp xử lý kịp thời để đảm bảo chất lượng sống, quyền lợi của cư dân, tránh những tranh chấp kéo dài gây bức xúc, ngăn chặn những hành vi cố tình làm sai của chủ đầu tư để trục lợi...

Nguyễn Mạnh

Chung cư dính “phốt” nước bẩn, tranh chấp: Dân quay sang lo… giá nhà giảm - 3