Chìa khóa quan trọng để gói 110.000-120.000 tỷ đồng có thể triển khai

Trần Kháng

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia đánh giá, gói tín dụng 110.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước vừa được đề xuất là giải pháp tốt, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động hiện nay.

Sự hỗ trợ kịp thời về dòng tiền

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra vừa qua đã mang đến nhiều kỳ vọng khởi sắc cho thị trường.

Đáng chú ý, tại hội nghị này, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ bố trí gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng theo phương thức tái cấp vốn cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay. Gói này sẽ tương tự gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, gói 110.000 tỷ đồng đã được Thủ tướng đồng ý đưa vào nghị quyết sắp tới cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Dự kiến, 55.000 tỷ đồng sẽ được phân định rõ cho chủ đầu tư vay, người dân sẽ được vay 55.000 tỷ đồng còn lại.  

Cùng đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5% đến 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ. 

Chìa khóa quan trọng để gói 110.000-120.000 tỷ đồng có thể triển khai - 1

Thị trường bất động sản đang chờ đợi những gói tín dụng được triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng vốn hiện nay (Ảnh minh họa: Trần Kháng).

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, gói tín dụng 110.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước trong thời điểm này là giải pháp có thể làm được. Tuy nhiên, ngân hàng cũng cần đảm bảo dòng tiền để vận hành. Bên cạnh đó, các yêu cầu về điều kiện cho vay, hệ số rủi ro, chuyển nhóm nợ..., đều phải được thực hiện nghiêm ngặt. Bởi nếu người vay mua nhà không trả nợ đúng hạn, ngân hàng sẽ rơi vào áp lực nợ xấu, gây bất ổn và ảnh hưởng đến cả nền kinh tế nói chung.

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, về bản chất, 2 gói tín dụng đề xuất trên đều chung mục đích là hỗ trợ thị trường bất động sản. Trong quá khứ, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được thực hiện năm 20213 nhằm phát triển nhà ở xã hội và cho người mua nhà được vay với mức lãi suất ưu đãi đã vực lại thị trường bất động sản thành công.

Còn hiện nay, với quy mô thị trường đã lớn hơn trước nên Bộ Xây dựng đề xuất gói 110.000 tỷ đồng với mục đích tương tự như trước đó nhằm kích thích lại thanh khoản, khơi thông nguồn vốn cho thị trường, cụ thể là phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ. Với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước dự kiến đưa ra thị trường cho các dự án có nhu cầu cấp thiết và người mua nhà, áp dụng với đối tượng có thể rộng hơn.

Cũng theo ông Đính, thời gian qua, lãi suất neo cao khiến chi phí đầu vào tăng kéo theo nhà ở lên giá. Do đó, những động thái từ vĩ mô đang cho thấy sự hỗ trợ kịp thời về dòng tiền cho thị trường bất động sản.

"Vấn đề về nguồn vốn và lãi suất hạ chắc chắn sẽ kích thích được thị trường phát triển tốt trở lại nhưng theo hướng bền vững, lành mạnh. Các doanh nghiệp muốn được hỗ trợ phải chọn đúng dòng sản phẩm trọng tâm và có pháp lý rõ ràng", ông Đính nêu và nhấn mạnh, gói tín dụng đưa vào thị trường sẽ có sự kiểm soát chặt, nhắm đúng phân khúc và phân nhóm đối tượng chứ không bơm ra một cách tràn lan.

Giải quyết nhu cầu cho người ở thực

Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, gói 110.000 tỷ đồng là một điểm sáng đáng hoan nghênh và cần được ủng hộ trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn như hiện nay. Song cần phải nói rõ hơn về gói hỗ trợ này, cụ thể về thời gian, mục tiêu, phương thức giải ngân…

Ngoài ra, theo ông Thịnh, đây là gói tín dụng mà người dân rất mong mỏi để có thể tiếp tục giấc mơ an cư, do đó, cần giải ngân đúng đối tượng, và có giải pháp để người dân có thể tiếp cận được. Theo đó, các thông tin về mua bán, cho thuê nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phải được cập nhật một cách minh bạch, rõ ràng.

"Thực tế, có nhiều người vượt điều kiện mua nhà ở xã hội vẫn được duyệt hồ sơ và tình trạng mua đi bán lại nhà ở xã hội vẫn diễn ra. Dẫn tới người có nhu cầu thực lại không tiếp cận được. Câu chuyện trục lợi chính sách tiếp diễn sẽ làm giảm đi hiệu quả cũng như mục tiêu nhân văn của gói tín dụng", ông Thịnh nhấn mạnh.

Chìa khóa quan trọng để gói 110.000-120.000 tỷ đồng có thể triển khai - 2

Theo chuyên gia, các gói tín dụng sẽ hỗ trợ người mua có nhu cầu ở thực, giải quyết khó khăn mất cân đối nguồn cung của thị trường bất động sản hiện nay (Ảnh minh họa: Trần Kháng).

Còn theo ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property), để giải quyết các vấn đề khó khăn của thị trường, đầu tiên phải đưa được gói tín dụng ra, đây là tín hiệu rất tích cực cho thị trường. Bởi, hiện nay khó khăn nhất đối với doanh nghiệp là vấn đề kẹt dòng vốn, lãi suất rất cao. Bên cạnh đó là vướng mắc về pháp lý, gần như không có dự án mới.

Nhu cầu thực chính là bước đệm để thị trường bất động sản phát triển ổn định.

2 gói tín dụng được đề xuất sẽ là tiền đề tháo gỡ cho thị trường, cùng đó là niềm hy vọng của doanh nghiệp có thể tiếp cận. Đặc biệt là đối tượng có nhu cầu mua nhà ở thực.

Đáng chú ý, theo vị này, gói tín dụng 110.000 tỷ đồng rất quan trọng, tương tự với gói 30.000 tỷ đồng ở giai đoạn 2013 đã tạo ra cú huých trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nếu vay được ưu đãi thì mọi thủ tục liên quan rất chặt chẽ, kể cả doanh nghiệp được vay cũng bị kiểm soát chặt.

"Tôi kỳ vọng các gói tín dụng 110.000 tỷ đồng hay 120.000 tỷ đồng sẽ được triển khai tương tự gói tín dụng 30.000 tỷ đồng trước đó - gói này rất hữu ích, gần như cứu thị trường trong một thời gian dài và cũng là bệ đỡ để thị trường phát triển một cách ổn định và phát triển mạnh như giai đoạn vừa qua", ông Toản nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm