Cao tốc, cầu, sân bay... đẩy giá bất động sản

(Dân trí) - Nhiều nguyên nhân khiến bất động sản tăng giá, trong đó, có yếu tố hạ tầng đồng bộ. Nơi nào xuất hiện thông tin xây cầu, cao tốc, thậm chí làm sân bay... nơi đó bất động sản hưởng lợi tức thì.

"Ăn theo" cầu và sân bay

Bất động sản luôn gắn chặt và đi theo các hoạt động về hạ tầng giao thông. Nhờ các thông tin về hạ tầng giao thông, các doanh nghiệp nhà đất cũng tận dụng cơ hội để thu hút nhà đầu tư. Hậu quả, nhiều khu vực giá đất được đẩy lên cao. Thậm chí ở một số khu vực vùng ven giá đất còn ngang và cao hơn cả Sài Gòn.

Đầu tiên, phải kể đến sân bay quốc tế Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Sau khi có thông tin xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, ngay lập tức giá đất tại huyện này liên tục tăng lên.

Cao tốc, cầu, sân bay... đẩy giá bất động sản - 1
Bất động sản quanh khu dự án Sân bay Long Thành (thuộc huyện Long Thành) tăng giá nhiều lần

Sân bay Long Thành cũng trở thành điểm nhấn trong các hoạt động quảng bá buôn bán bất động sản tại khu vực tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo tìm hiểu, trước khi có thông tin xây dựng sân bay, giá đất tại nhiều khu vực huyện Long Thành không quá 10 triệu đồng/m2.

Thế nhưng, kể từ khi kế hoạch xây dựng sân bay Long Thành được thông tin rộng rãi, giá đất đã liên tục biến động.

Văn phòng đăng ký đất đai huyện Long Thành cho biết, chỉ trong 1 tháng, hồ sơ xin chuyển nhượng đất tăng gấp 1,5 lần so với trước đó và tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ.

Theo các môi giới tại khu vực Long Thành, giá đất nền tại khu vực này hiện thấp nhất cũng đã 15 - 16 triệu đồng/m2 nằm trong hẻm nhỏ. Đối với đất dự án dù chưa có sổ nhưng cũng đã được chào bán ở mức 20 - 25 triệu đồng.

Tương tự, cầu Nhơn Trạch (tên gọi khác là cầu Cát Lái) được xem là điểm kết nối giao thông quan trọng giữa TPHCM và tỉnh Đồng Nai. Việc xây dựng cầu Nhơn Trạch vẫn chưa có quyết định cụ thể về thời gian. Thế nhưng, trước những thông tin xây dựng cầu Nhơn Trạch trong năm 2020, giá bất động sản đã được đẩy lên nhanh hơn bao giờ hết.

Từ bến phà Cát Lái đi vào trung tâm huyện Nhơn Trạch, dọc hai bên đường Lý Thái Tổ, xã Phú Hữu người dân có thể dễ dàng thấy được những biển rao bán đất.

Theo anh Trần Xuân Tiên, "cò đất" tại địa phương, giá đất mặt tiền đường Lý Thái Tổ từ 20 - 25 triệu đồng/m2 (năm 2019) nay đã lên 30 - 45 triệu đồng/m2, tuỳ vị trí. Với giá tầm 1,5 tỷ đồng thì rất khó để mua được đất mặt tiền.

Cũng theo anh Tiên, giá đất khu vực phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2, TPHCM) hiện đã 200 triệu đồng/m2, trong khi đó đất Nhơn Trạch chỉ bằng 1/5. Nếu như cầu Cát Lái xây xong thì giá đất nơi đây ít nhất cũng lên 100 triệu đồng/m2.

Cao tốc, cầu, sân bay... đẩy giá bất động sản - 2
Bất động sản nghỉ dưỡng ở các tỉnh như Bình Thuận, Khánh Hoà... hưởng lợi rất lớn từ hạ tầng

“Tăng tốc” nhờ... cao tốc

Không chỉ khu vực TPHCM, Đồng Nai, bất động sản nghỉ dưỡng ở các tỉnh như Bình Thuận, Khánh Hoà... cũng hưởng lợi rất lớn từ hạ tầng.

Điển hình như tại Bình Thuận, địa phương này đang đón đầu xu hướng second-home và lượng du khách “khổng lồ” đến từ TPHCM cũng như các vùng lân cận nhờ sự tiện lợi từ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.

Bình Thuận nổi tiếng có ngọn hải đăng Kê Gà, điểm “check-in” lý tưởng. Từ Kê Gà trong bán kính khoảng 30km có thể trải nghiệm hàng loạt danh thắng như khu du lịch Đồi Sứ, khu du lịch Vườn Đá, khu du lịch Thuận Quý - Khe Gà, khu du lịch Hòn Lan, suối nước nóng Bưng Thị, Suối Nhum…

Với thế mạnh về du lịch và vị trí, cách đây gần 20 năm, hàng chục nhà đầu tư đã đổ xô về Kê Gà nhằm biến nơi đây thành “thủ đô resort mới” cạnh TPHCM. Thế nhưng, việc quy hoạch xây dựng cảng Kê Gà đã làm cho hàng loạt khu du lịch, nghỉ dưỡng rơi vào tình trạng dang dở.

Cao tốc, cầu, sân bay... đẩy giá bất động sản - 3
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết chính thức được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khởi công trong tháng 8/2020

Sau gần 20 năm trầm lắng, sau khi được cởi trói khỏi quy hoạch trước đó cũng như sự kết nối từ tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Kê Gà bắt đầu "cất tiếng gáy" trở lại. Nhiều dự án cả mới lẫn cũ rục rịch khởi động.

"Động lực để bất động sản hồi sinh là thông tin cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết chính thức được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khởi công trong tháng 8/2020. Với vị thế cửa ngõ du lịch Bình Thuận, gần TPHCM, Kê Gà là khu vực chiếm ưu thế tuyệt đối. Chúng tôi bắt đầu quay trở lại Bình Thuận vì khoảng cách di chuyển đã rút ngắn chỉ còn 2 giờ chạy ô tô", ông Lê Minh Tuấn, một nhà đầu tư từ TPHCM nói.

Theo thống kê của Bình Thuận, đến đầu năm 2019, toàn Hàm Thuận Nam có 78 dự án phát triển du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, tập trung chủ yếu ở Kê Gà. Ngoài 21 resort đã hoạt động, 30 dự án đang khẩn trương sửa chữa. Với những lực đẩy về hạ tầng, khu vực này được dự báo sẽ trở thành một “thủ phủ resort mới” ngay tại cửa ngõ phía Nam của Bình Thuận.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng phòng Văn hoá Thông tin Hàm Thuận Nam cho biết: “Các nhà đầu tư quay lại đầu tư mạnh và đa ngành hơn, làm cho du lịch phía Nam Bình Thuận sôi động hẳn lên, nhất là khu vực Kê Gà - Hàm Thuận Nam...”.

Quế Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm