Cần sớm hoàn thiện hệ thống đô thị biển bền vững để tiến ra biển lớn

Công Bính

(Dân trí) - Ven biển các tỉnh, thành của miền Trung đang dần mất đi bản sắc bởi các dự án, khách sạn, khu nghỉ dưỡng... án ngữ. Tình trạng xây dựng ồ ạt dẫn đến quá tải hạ tầng, mất không gian biển.

Đây là những băn khoăn của các nhà khoa học, lãnh đạo, chuyên gia… tại hội thảo "Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới" do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 3/8 tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Cần sớm hoàn thiện hệ thống đô thị biển bền vững để tiến ra biển lớn - 1

Hội thảo "Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới" do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức chiều 3/8 tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Tại hội thảo, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - hy vọng được ghi nhận những giải pháp phù hợp, giúp làm rõ hơn một số vấn đề mang tính cốt lõi, chiến lược trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đô thị biển tại Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng.

Cần sớm hoàn thiện hệ thống đô thị biển bền vững để tiến ra biển lớn - 2

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - hy vọng được ghi nhận những giải pháp phù hợp, giúp làm rõ hơn một số vấn đề mang tính cốt lõi, chiến lược trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đô thị biển tại Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng.

Theo đó, Quảng Nam kỳ vọng tiếp thu ý kiến chuyên gia về giải pháp mô hình hệ thống đô thị ven sông, ven biển sử dụng hiệu quả tài nguyên; ứng phó với các nguy cơ môi trường trong quá trình đô thị hóa, đặc biệt đối với khu vực nhạy cảm sông - biển; biến các đô thị thực sự là nơi đáng sống, tạo được nguồn thu lớn, khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.

Xu hướng tiến biển và tầm nhìn đô thị biển

KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam - cho hay Việt Nam có trên 50% dân số sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển và khoảng 50% các đô thị lớn của Việt Nam tập trung ở khu vực ven biển và trên đảo.

Cần sớm hoàn thiện hệ thống đô thị biển bền vững để tiến ra biển lớn - 3

KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam - phát biểu tại hội thảo.

Vùng ven biển là vùng có cơ hội phát triển kinh tế rất lớn do không gian biển rộng lớn và giàu tài nguyên. Nhiều ngành kinh tế biển như hàng hải, du lịch, giao thương quốc tế, ngư nghiệp, khai thác tài nguyên, sản xuất năng lượng tái tạo từ biển đã và đang mang lại nguồn thu cho nền kinh tế quốc dân và địa phương.

Sự kết nối giữa kinh tế biển và chuỗi đô thị biển sẽ thúc đẩy sự hình thành các cực kinh tế mũi nhọn của mỗi quốc gia trong xu hướng "tiến biển" để phát triển lãnh thổ và bảo đảm an ninh quốc phòng. 

"Miền Trung và một phần vùng Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu lộ diện những dải đô thị ven biển như Thanh Hoá, Vinh, Huế - Đà Nẵng - Hội An, Tam Kỳ - Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Tuy Hòa (Phú Yên), Nha Trang - Cam Ranh, Ninh Thuận, Phan Thiết, Rạch Giá - Hà Tiên. Các dải đô thị ven biển miền Trung có tiềm năng tự nhiên thuận lợi cho du lịch cao cấp và cảng nước sâu. Nhiều đô thị biển miền Trung đã tạo dựng được thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang", KTS. Trần Ngọc Chính phát biểu.

Cần sớm hoàn thiện hệ thống đô thị biển bền vững để tiến ra biển lớn - 4

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi - nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam - chia sẻ tại hội thảo.

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi - nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng đánh giá, xây dựng và phát triển hệ thống đô thị biển là một phương án định cư, một cách tích tụ dân số nhanh nhất và cũng dễ quy hoạch, quản lý nhất, cũng là góp phần giải bài toán quá tải đô thị trong tương lai.

Đặc biệt, phát triển các đô thị biển để kết nối không gian biển với bờ, bờ với đảo và đảo với biển, đánh thức tiềm năng không gian kinh tế biển, tăng cường và mở rộng hội nhập kinh tế, cũng như hình thành các "đối trọng" trên biển cần thiết trong bối cảnh mới ở Biển Đông và khu vực như nói trên.

"Do đó, rõ ràng, cần phải "mạo hiểm" tiến ra biển lớn bằng việc sớm hoàn thiện hệ thống đô thị biển, đô thị ven biển và đô thị đảo bền vững, để góp phần khẳng định thế đứng của một "Quốc gia biển", PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi trình bày. 

Còn nhiều thách thức

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh đổi mới và hội nhập, tư duy hướng biển đang dần thay đổi, nhưng vẫn còn một số vấn đề.

Theo đó, hiện có khoảng 20 khu kinh tế ven biển đang phát triển nhưng chưa thể trở thành nền tảng phát triển đô thị biển chiến lược.

Cần sớm hoàn thiện hệ thống đô thị biển bền vững để tiến ra biển lớn - 5

PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng việc phát triển khu kinh tế ven biển hiện nay chưa được ưu tiên xứng tầm.

"Việc phát triển khu kinh tế ven biển hiện nay chưa được ưu tiên xứng tầm, còn những xung đột lớn trong cách thức phát triển đô thị biển. Do đó, cần phải nhìn lại và đánh giá các khu kinh tế ven biển gắn với đô thị biển một cách rõ ràng hơn", PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam- cũng đánh giá hiện nay, việc lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu vực ven biển và thực hiện theo quy chế chưa nghiêm túc.

Thực tế đã có nhiều dự án chậm hoặc không triển khai được do vướng mắc trong thủ tục cấp phép xây dựng, giao đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Điều này đang gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan kiến trúc quy hoạch đô thị và đời sống của người dân ở địa phương, đặc biệt là các đô thị du lịch ven biển.

Ông Chính cho rằng, một thực tế hiện nay đã xảy ra trong nhiều dự án du lịch, đó là đề xuất mật độ dân cư tương đối cao tại những khu vực ven biển hoặc có nhiều diện tích cây xanh được chuyển đổi thành những tòa nhà cao tầng tại nhiều vị trí không hợp lý.

Sự bùng nổ các loại hình bất động sản mới như căn hộ du lịch (condotel), biệt thự nghỉ dưỡng/biệt thự du lịch (resort villa), song chưa tính toán cụ thể về dân số của loại hình lưu trú này đã gây áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực này. 

Cần sớm hoàn thiện hệ thống đô thị biển bền vững để tiến ra biển lớn - 6

Một khu đô thị hướng biển đang hình thành tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

"Có thể thấy quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, đất đai dự án ven biển hiện đã không còn là chuyện riêng của địa phương. Để khắc phục tình trạng này rất cần có sự chung tay của các Bộ, ngành và sự chỉ đạo chặt chẽ từ Chính phủ", ông Chính khẳng định.

Phát biểu kết luận hội thảo, TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - đánh giá đô thị ven biển là các mũi nhọn phát triển kinh tế biển, như khai thác không gian biển, thiên nhiên biển; khai thác vùng bờ biển, cảnh quan ven biển (cảng biển, bãi biển, khu kinh tế ven biển….); các lĩnh vực hậu cần, kết nối, thị trường các kinh tế biển (dịch vụ biển, vận tải biển…).

"Phát triển đô thị biển - tầm nhìn định hướng cho tương lai, nhưng không làm ảnh hưởng tới môi trường, do đó phải hiểu đô thị biển không chỉ là đô thị thông thường mà thực sự là cực đô thị tăng trưởng kinh tế (không gian biển, đảo, ven biển) nhưng phát triển đô thị kinh tế biển xanh - bền vững", TS. Nguyễn Văn Khôi khẳng định.