Căn hộ ở Hà Nội trong quý đầu năm: Giá bán tăng, giao dịch giảm
(Dân trí) - Trong quý I, thị trường bất động sản Hà Nội không có dự án căn hộ mới. Toàn bộ nguồn cung mới đến từ giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện tại. Số lượng giao dịch giảm, trong khi giá bán vẫn tăng.
Phân khúc căn hộ để bán trầm lắng trong quý đầu năm
Savills vừa họp báo công bố tổng quan thị trường bất động sản Hà Nội quý I năm nay với nhiều thông tin đáng chú ý.
Cụ thể, đối với phân khúc căn hộ để bán, báo cáo cho thấy, thị trường trong quý I không có dự án mới. Toàn bộ nguồn cung mới đến từ giai đoạn tiếp theo của 6 dự án hiện tại. Số lượng giao dịch giảm, giá bán tăng trong khi đó thị trường nhà ở Hà Nội vẫn duy trì tích cực với nguồn cầu cao.
Theo đơn vị nghiên cứu thị trường này, tỷ lệ đô thị hóa, tốc độ tăng trưởng dân số tự nhiên và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu sẽ là những động lực chính thúc đẩy nguồn cầu về căn hộ trong thời gian tới.
Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Savills Hà Nội - cho biết: "Sau một quý trầm lắng, thị trường căn hộ Hà Nội dự kiến sẽ phục hồi nhanh chóng. Cơ sở hạ tầng ngoài trung tâm cải thiện sẽ góp phần thúc đẩy phát triển bất động sản".
Không chỉ giá bán, thống kê cho thấy giá thuê phân khúc căn hộ vẫn tiếp tục trên đà gia tăng kể từ quý I năm 2019. Trong đó, các dự án hạng B dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng của mức giá sơ cấp, theo sau là hạng C và hạng A. Điều này khiến thị trường rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung căn hộ giá rẻ.
Với quỹ đất lớn, 5 huyện sắp lên quận bao gồm Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm và Đan Phượng sẽ trở thành điểm nóng phát triển bất động sản nhà ở, chiếm tỷ lệ 24% nguồn cung trong tương lai.
Trước đó, trong quý IV/2021, thị trường Hà Nội có 11 dự án mới và những giai đoạn tiếp theo của 2 dự án sẽ cung cấp khoảng 7.900 căn hộ. Bà Đỗ Thị Thu Hằng cho biết, chủ đầu tư cần có chiến lược bán hàng cùng giá mở bán hợp lý khi bung hàng ở thời điểm hiện tại.
"Nguồn cung có giá hợp lý vẫn được nhiều người mua quan tâm, trong khi đó nguồn cung giá cao trong thời gian vừa qua có lượng giao dịch khá hạn chế. Chủ đầu tư cũng nên đưa ra các chính sách bán hàng hấp dẫn và tiến độ thanh toán linh hoạt để giảm áp lực tài chính cũng như thu hút thêm nhiều đối tượng khách hàng", bà Hằng nói.
Giao dịch biệt thự liền kề tăng nhưng vẫn thấp hơn năm ngoái
Còn đối với phân khúc biệt thự, nhà liền kề, báo cáo cho thấy, so với quý IV/2021, tình hình hoạt động đã được cải thiện, thị trường ghi nhận mức tăng trưởng nhất định về nguồn cung mới, phân bổ đều khắp địa bàn thành phố Hà Nội.
Dù lượng giao dịch tăng theo quý nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nhà liền kề và nhà phố là hai sản phẩm có mức tiêu thụ mạnh nhất trong thị trường.
Đáng chú ý, kể từ quý III/2021, giá bán sơ cấp phân khúc này liên tục ghi nhận mức giá cao nhất từ trước tới nay. Trong phần còn lại của năm, thị trường sẽ chào đón hơn 1.600 căn đến từ 10 dự án.
Ông Matthew Powell, Giám đốc, Savills Hà Nội, cho biết áp lực tăng giá cùng tỷ lệ lạm phát tăng cao trong khi tín dụng bị thắt chặt có thể sẽ khiến hoạt động thị trường bất động sản chậm lại trong ngắn hạn.
Trước đó, trong báo cáo quý IV/2021, đơn vị này cho biết hiện nay, thị trường nhà ở thấp tầng chịu ảnh hưởng bởi nguồn cung mới hạn chế đến từ các hoạt động mở bán bị trì hoãn và vấn đề pháp lý của một số dự án vẫn chưa được giải quyết. Sự thận trọng của người mua trong thời kỳ đại dịch và hàng tồn kho giá cao cũng là lý do khiến lượng giao dịch sụt giảm mạnh. Song đây là lĩnh vực được đánh giá có triển vọng phục hồi nhanh chóng và đạt mức giao dịch như trước đại dịch.
Đối với thị trường thấp tầng, lượng giao dịch trong 6 tháng đầu năm 2021 trước khi giãn cách xã hội đạt ngưỡng khá tốt, cho thấy nguồn cầu của thị trường vẫn ở mức lớn. Trong quý cuối năm, giá bán dự kiến không có nhiều sự thay đổi do thị trường cũng đã tăng trưởng khá mạnh trong thời gian đầu năm.