Căn hộ cao cấp áp đảo thị trường, người dân tìm nhà ở đâu?

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Căn hộ tại TPHCM tăng giá đều mỗi năm và ở ngưỡng cao. Chuyên gia khuyến nghị cần bàn giải pháp giãn dân, mở rộng vùng đô thị TPHCM bằng cách đầu tư cơ sở hạ tầng.

Gần một năm nay, vợ chồng anh Trần Văn Chiến (trọ tại TP Thủ Đức, TPHCM) kiên nhẫn tìm mua một căn hộ mở bán mới trong tầm giá 3 tỷ đồng nhưng gần như bất lực.

Khu vực anh Chiến sinh sống là "điểm sáng" nguồn cung căn hộ mới tại TPHCM năm qua, với một số dự án được chào bán quanh khu vực nút giao An Phú, trục đường Đỗ Xuân Hợp và Liên Phường, đường Nguyễn Xiển.

Tuy nhiên, hầu hết dự án được công bố mức giá đều trên 100 triệu đồng/m2 trở lên, muốn mua phải chi từ 6-7 tỷ đồng/căn, gấp đôi so với khả năng tài chính của gia đình anh Chiến. "Kiên nhẫn tìm nhà cả năm trời, vợ chồng tôi hy vọng rồi thất vọng. Nhiều đêm thức trắng khi nghĩ về nhà cửa", anh nói.

Theo số liệu từ Sở Xây dựng TPHCM, trong 11 tháng, thành phố chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại, tương đương hơn 1.600 căn, đủ điều kiện huy động vốn đưa sản phẩm ra thị trường và tất cả đều là sản phẩm cao cấp. Xét trong 5 năm, số lượng này thấp nhất.

Tổng giá trị cần huy động vốn của hơn 1.600 căn này là 15.142 tỷ đồng, bình quân giá nhà lên đến 9,39 tỷ đồng/căn.

Căn hộ cao cấp áp đảo thị trường, người dân tìm nhà ở đâu? - 1

Số lượng dự án huy động vốn và chuyển nhượng dự án tại TPHCM, giai đoạn 2020 - 11T/2024 (Nguồn: HoREA).

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - nói lần đầu tiên, nhà ở cao cấp chiếm lĩnh toàn bộ thị trường bất động sản TPHCM, không còn nguồn cung nhà ở trung cấp, nhà ở bình dân mới có giá vừa túi tiền trong các dự án thương mại.

Cơ cấu sản phẩm nhà ở trên thị trường "méo mó", chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở thực của người có thu nhập trung bình, người thu nhập thấp đô thị. Thị trường phát triển thiếu bền vững, thiếu an toàn và chưa lành mạnh.

Hiệp hội nhận thấy, giá nhà bình quân của nguồn cung mới là 9,39 tỷ đồng/căn. Đây mới chỉ là giá nhà sơ cấp do chủ đầu tư đăng ký giá nhà với Sở Xây dựng khi lập dự án đầu tư, nên chắc chắn giá bán nhà thực tế trên thị trường sẽ còn cao hơn.

Hiệp hội phân tích, giá nhà tăng liên tục trong các năm qua là do nguồn cung dự án nhà ở thương mại quá ít dẫn đến nguồn cung sản phẩm tiếp tục khan hiếm. Theo quy luật cung - cầu, mức tăng giá căn hộ chung cư vào khoảng 15-20% trong giai đoạn 2015-2023 và theo Bộ Xây dựng nhận định, với bảng giá đất điều chỉnh năm 2024 thì giá nhà còn có thể tăng 15-20% trong năm 2025.

Căn hộ cao cấp áp đảo thị trường, người dân tìm nhà ở đâu? - 2

Giá căn hộ tại TPHCM được dự báo tăng 8-10%/năm (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Tại một sự kiện gần đây, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam - cho rằng trong năm 2025, nguồn cung tại TPHCM sẽ tiếp tục khan hiếm, chỉ khoảng 8.000-9.000 căn. Tình trạng này sẽ còn kéo dài đến năm 2026 khi thành phố chỉ có thêm khoảng 11.000 căn nhà mở bán mới.

Cùng với khan hiếm nguồn cung, 80% rổ hàng mở bán ở TPHCM cũng sẽ thuộc phân khúc cao cấp, hạng sang, giá trên 60 triệu đồng/m2. Thị trường gần như không còn nhà bình dân (dưới 25 triệu đồng mỗi m2), thậm chí cũng không còn dự án tầm trung (dưới 40 triệu đồng mỗi m2). Thực trạng này sẽ kéo giá căn hộ tại TPHCM tiếp tục tăng, với biên độ trung bình 8-10%/năm.

Để giá bất động sản giảm, chuyên gia của đơn vị trên khuyến nghị cần đẩy mạnh giãn dân, mở rộng vùng đô thị. Tại TPHCM, nhà đầu tư có thể nhìn thấy nhiều khu vực trung tâm có giá 150-200 triệu đồng/m2 căn hộ, nhưng khu vực vùng ven chỉ 40-50 triệu đồng/m2. Do đó, nếu người dân có thể đi xa hơn thì giá sẽ giảm, nhưng đó là câu chuyện của 5-10 năm nữa.

Nói với phóng viên báo Dân trí, bà Dung giải thích khi người dân chấp nhận đi xa hơn để sở hữu nhà thì điều kiện cần là kết nối giao thông phải thuận tiện hơn. Ngoài ra, không nên đặt vấn đề giảm giá nhà ở những khu vực trung tâm, đang có đất hiện hữu, mà cần tăng quỹ đất ở khu vực mới, nằm ngoài trung tâm.

Trong năm nay, nguồn cung căn hộ ở Hà Nội áp đảo TPHCM, khoảng 30.000 căn thì có tới 70-80% nằm ngoài khu trung tâm (Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Tây Mỗ). Sản phẩm được hấp thụ tốt nhờ khả năng kết nối hạ tầng tốt, người dân di chuyển từ vùng ven vào trung tâm chỉ dưới 1 tiếng.

Ngược lại, TPHCM chưa làm được điều đó, nhiều đại đô thị ở vùng ven như Củ Chi, 10 năm chưa phát triển vì không có kết nối hạ tầng. Chuyên gia của CBRE Việt Nam cho rằng kết nối giao thông là yếu tố quan trọng giúp giảm giá nhà tại TPHCM, để người dân có thể sở hữu nhà ở với giá vừa phải.

Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng người dân muốn sở hữu nhà sẽ phải tìm kiếm ở những khu vực giáp ranh các đô thị lớn của TPHCM như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.