Các dự án đổi đất lấy hạ tầng sẽ là trọng tâm kiểm toán năm 2019
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý hàng nghìn tỷ đồng sau kiểm toán 35 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 27% tổng giá trị dự án được kiểm toán. Vấn đề được chỉ ra là một số cá nhân, đơn vị và địa phương chấp hành không nghiêm các quy định hiện hành, cố tình “lách” luật để thu lợi bất chính.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành để hiểu sâu hơn về câu chuyện còn nhiều nhức nhối này.
- Những kết quả nổi bật Kiểm toán Nhà nước đã đạt được năm 2018 là gì và đâu là hoạt động có dấu ấn nhất, thưa ông?
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành: Năm 2018, hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện cả về năng lực, hiệu lực và hiệu quả. Đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thành 253/253 cuộc kiểm toán theo kế hoạch kiểm toán và phát hành báo cáo đúng tiến độ trước 31/12/2018. Các cuộc kiểm toán đã kết thúc đều thực hiện đúng mục tiêu, nội dung kiểm toán và tiến độ đề ra; chấp hành tốt quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Kiểm toán Nhà nước, Quy tắc ứng xử của kiểm toán viên Nhà nước.
Tính đến ngày 31/12/2018, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý 89.600 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi chi ngân sách Nhà nước 44.466 tỷ đồng, tăng 18,39% so với năm 2017 (37.556 tỷ đồng), cao nhất từ trước đến nay.
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung và thay thế 115 văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách và việc tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước tránh thất thoát, lãng phí, nhất là những thiếu sót, bất cập trong việc: Quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản; quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng; quản lý các dự án trọng điểm quốc gia; thực hiện hợp đồng BT, BOT; quản lý hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghệ cao; Công tác cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.
Đặc biệt các dự án, chuyên đề có kết quả tốt như dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở Thành phố Hồ Chí Minh, dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên, Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, chuyên đề hoàn thuế VAT,...
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua kết quả kiểm toán sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Về hợp tác quốc tế, năm 2018 đánh dấu sự phát triển lớn mạnh và nỗ lực nâng cao vị thế của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong cộng đồng các Cơ quan Kiểm toán tối cao quốc tế và khu vực. Nổi bật là sự kiện Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã tổ chức rất thành công Đại hội các cơ quan kiểm toán tối cao Châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14) diễn ra từ ngày 19 - 22/9/2018 tại Hà Nội với với sự tham gia của các đoàn đại biểu quốc tế đại diện cho các cơ quan kiểm toán tối cao đến từ 46 quốc gia thuộc khu vực châu Á.
Tại Đại hội, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 - 2021. Đây là cơ hội để Kiểm toán Nhà nước khẳng định vị trí và vai trò của mình đối với các cơ quan kiểm toán tối cao thành viên và các tổ chức quốc tế.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Ông có nhắc tới việc kiểm toán các dự án BT. Cụ thể, xin ông cho biết, những năm qua, Kiểm toán nhà nước đã phát hiện những sai phạm gì trong các dự án đổi đất lấy hạ tầng?
Trong những vừa năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán 35 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), trong đó có các dự án thực hiện theo cơ chế đổi đất lấy hạ tầng.
Qua kiểm toán cho thấy, thực tế thời gian qua ở nước ta, các dự án đầu tư theo hình thức này đã góp phần vào việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng, làm thay đổi bộ mặt của nhiều địa phương, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, do đây là một chính sách mới đối với Việt Nam nên quá trình thực hiện đã bộc lộ khá nhiều hạn chế, bất cập.
Các dự án BT suy cho cùng, bản chất là đầu tư bằng nguồn lực Nhà nước nhưng nhiều dự án không thực sự cần thiết, cấp bách được đề xuất đầu tư. Hầu hết dự án BT đều có tình trạng lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định, làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực; giao cho nhà đầu tư lập, phê duyệt dự án và hồ sơ thiết kế, dự toán.
Có dự án việc chỉ định nhà đầu tư đàm phán hợp đồng cùng lúc với quyết định chấp thuận thông qua đề xuất dự án, đây là khe hở làm đẩy giá trị công trình lên cao. Nhiều dự án thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất qua đấu giá là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai năm 2013 và giá đất quá thấp so với giá trị trường đang là kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách Nhà nước.
Cũng có tình trạng chấp thuận tỷ lệ thanh toán bằng quỹ đất cao hơn so với báo cáo nghiên cứu khả thi, tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư; nhà đầu tư không lập phương án tài chính và hồ sơ hợp đồng BT, không thỏa thuận các nội dung liên quan đến xác định chi phí lãi vay; có dự án tính lãi vay trên cả phần vốn không phải đi vay để đưa vào quyết toán không theo quy định hợp đồng...
Bên cạnh đó, cơ chế quản lý của Nhà nước cũng còn một số bất cập, kẽ hở như: Chưa quy định rõ về việc giám sát, giải ngân, thanh toán đối với các khoản chi phí được chi từ nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, cách tính lợi nhuận, tỷ suất lợi nhận nhà đầu tư, tỷ lệ vốn chủ sở hữu, vốn vay và tỷ lệ chi phí quản lý dự án…
Ngoài ra, quy định về thời điểm giao đất (dự án đối ứng) còn thiếu rõ ràng, dẫn đến có dự án được giao đất trước khi thực hiện dự án BT, có dự án được giao đất trong khi thực hiện dự án BT và có dự án BT đã hoàn thành nhưng chưa được giao đất.
Kết quả kiểm toán 35 dự án BT thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 7.453 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 27% tổng giá trị dự án được kiểm toán.
Thưa ông, đâu là nguyên nhân tình trạng trên và phía Kiểm toán Nhà nước có kiến nghị giải pháp nào để khắc phục?
Nguyên nhân dẫn đến các sai phạm nêu trên rất đa dạng, phụ thuộc vào từng đơn vị, dự án được kiểm toán, song có thể kể đến ba nguyên nhân chính.
Một là, do cơ chế, chính sách về đổi đất lấy hạ tầng và quản lý dự án BT nói còn có bất cập, sơ hở có thể bị lợi dụng gây lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước.
Hai là, một số cá nhân, đơn vị và địa phương chấp hành không nghiêm các quy định hiện hành về quản lý tài chính công, tài sản công và quản lý dự án BT; có hiện tượng “lách” luật để thu lợi bất chính.
Ba là, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các dự án đổi đất lấy hạ tầng, trong đó có dự án BT có lúc, có nơi bị buông lỏng; tạo môi trường cho các cá nhân tổ chức vi phạm gây thất thoát, lãng phí ngân sách.
Để khắc phục tình trạng này, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Chính phủ cần phải hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo hình thức BT và việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư như: Sửa đổi, bổ sung các quy định về việc thanh toán đối với các dự án BT, cách tính lợi nhuận, tỷ suất lợi nhận nhà đầu tư, tỷ lệ vốn chủ sở hữu, vốn vay và tỷ lệ chi phí quản lý dự án… Đặc biệt, cần quy định trường hợp thanh toán bằng giá trị tài sản công (quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản công khác) nhằm đảm bảo nguyên tắc ngang giá và tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Trong năm 2019, Kiểm toán Nhà nước có tiếp tục kiểm toán các dự án BT không, thưa ông?
Kế thừa và phát huy những kinh nghiệm, kết quả đã đạt được thời gian qua, năm 2019, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục đưa nội dung kiểm toán dự án BT, trong đó có các dự án đổi đất lấy hạ tầng là một trọng tâm trong kế hoạch kiểm toán.
Theo đó, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán chuyên đề “Việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BT” với quy mô và phạm vi rộng tại 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Thanh Hóa) và lồng ghép kiểm toán trong các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương tại tất cả các tỉnh, thành phố được kiểm toán trong năm 2019.
Kiểm toán Nhà nước sẽ đánh giá toàn diện hơn việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao, sự cần thiết và lợi thế của việc thực hiện dự án theo hình thức BT so với các loại hình đầu tư khác. Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước cũng đánh giá việc tuân thủ các quy định của Luật đất đai 2013 về sử dụng quỹ đất để tạo nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện hợp đồng BT, việc chấp hành các quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho dự án.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Xuân Dũng
Vietnam+