Bóc mẽ thêm các chiêu trò "cò" bất động sản "móc túi" người mua nhà

Thế Hưng

(Dân trí) - Người mua nhà thường ít thông tin nên dễ dàng bị các đối tượng "cò" bất động sản làm ăn gian dối "móc túi" số tiền lớn.

Đang có nhu cầu mua nhà, anh Đỗ Quang Huy (Thanh Xuân, Hà Nội) đã tìm kiếm rất nhiều hội nhóm bất động sản trên mạng xã hội. Không khó để anh tìm kiếm được thông tin về những căn nhà đúng các tiêu chí mà gia đình anh mong muốn. Thậm chí, nhà rẻ hơn so với giá thị trường cũng có nhiều trên các hội nhóm này.

Thế nhưng, khi đến xem nhà, anh Huy mới "ngã ngửa" bởi tình trạng công trình hoàn toàn khác xa so với mô tả trên mạng.

"Các bài đăng miêu tả nhà có 4 tầng, đẹp, ngõ to, ô tô tránh nhau, giá chỉ 70 triệu đồng/m2. Song thực tế, nhà nằm sâu trong một ngõ nhỏ. Diện tích và chất lượng hoàn toàn khác trên mạng", anh Huy nói và cho biết, sau khi tìm hiểu, anh mới biết đây là chiêu trò dụ khách của đội "cò" bất động sản. Thậm chí, số điện thoại của anh bị lưu vào tệp dữ liệu khách hàng và liên tục gọi điện cho anh Huy giới thiệu mua nhà khác.

Đây là chiêu trò đầu tiên, cũng là nhẹ nhàng nhất của giới "cò" bất động sản. Tuy chưa lừa tiền của người mua, nhưng khiến cho khách hàng mất thời gian, ảnh hưởng công việc và gây không ít phiền toái, khó chịu.

Bóc mẽ thêm các chiêu trò cò bất động sản móc túi người mua nhà - 1

Những môi giới bất động sản có tâm không hiếm, nhưng người mua cần cẩn trọng và kiểm chứng thông tin trước khi mua (Ảnh minh họa).

Một chiêu thức tinh vi hơn được anh N.V. Ngọc Minh (Xã Đàn, Hà Nội), một nhân viên môi giới bất động sản chia sẻ, đó là các đối tượng "cò" hay sử dụng trò tạo sức ép. Cụ thể, khi người mua gặp chủ nhà, những người này sẽ cho người quen đến đóng giả khách mua để xin đặt cọc.

Theo anh Minh, mục đích của chiêu trò này là khiến khách mua nóng lòng chốt giá căn nhà. Người mua khi đã ưng căn nhà thì dễ bị phân tâm, hơn nữa khi có người mua tranh thì tâm lý dễ xao động mà xuống tiền cọc sớm.

"Việc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng bây giờ khá tiện lợi. Khách chuyển tiền và làm hợp đồng đặt cọc rất nhanh chóng. Nhưng khi về nhà mới thấy "hớ" thì đã quá muộn, vì nếu bỏ thì mất tiền cọc mà mua thì đắt", anh Minh cho hay.

Cũng theo người môi giới này, rất nhiều người tư vấn bất động sản có tâm, mục đích của họ giúp các bên đều tối đa hóa lợi ích, nhưng không ít người lợi dụng việc mua bán để hưởng khoản tiền chênh "khủng".

Theo chia sẻ của anh Minh, anh từng gặp trường hợp bên "cò" nhận bán một căn nhà có giá 1,7 tỷ đồng. Sau khi tìm được khách mua với giá thỏa thuận là 1,9 tỷ đồng, phía "cò" đã cho người khác đóng làm khách mua đến làm việc với chủ nhà để mua với giá 1,7 tỷ đồng và đặt cọc 200 triệu đồng.

Sau đó, "cò" dẫn người mua đến gặp chủ thì hai bên mới biết nhà được bán với giá chỉ 1,7 tỷ đồng. Nếu chủ nhà muốn bán trực tiếp cho khách thì phải đền số tiền cọc 200 triệu đồng, đúng bằng số tiền chênh. Như vậy theo anh Minh, đội "cò" nắm chắc khoản tiền chênh 200 triệu đồng.

Hoạt động cùng lĩnh vực với anh Minh, anh Phạm Thế Hùng (Lạc Long Quân, Hà Nội) cũng cảnh báo người mua nhà cẩn trọng với một số chiêu trò của "cò" bất động sản. Theo đó, anh Hùng cho biết, khách mua nếu được "cò" dẫn đi mua chung cư mini, nhà tái định cư cần hết sức lưu ý về giấy tờ.

Với chung cư mini, anh Hùng chia sẻ, khách mua không nên tin vào lời hứa hẹn thời gian trả giấy tờ nhà. Bởi loại hình nhà này rất khó làm sổ hồng như chung cư thông thường. Nếu chủ đầu tư hứa hẹn thời gian trả giấy tờ, người mua nên đàm phán để giữ lại một khoản tiền, khi nào cầm giấy tờ sẽ giao đủ tiền.

"Còn với nhà tái định cư, không ít nhà phải bỏ thêm tiền để rút được sổ đỏ. Nếu chủ nhà không có tiền, khách mua phải ứng trước để làm sổ thì cần có giấy tờ biên nhận đầy đủ, tránh rủi ro về tài chính", anh Hùng cho hay.

Bóc mẽ thêm các chiêu trò cò bất động sản móc túi người mua nhà - 2

Người mua cần cẩn trọng với các dự án (Ảnh minh họa).

Ngoài ra, anh Hùng cũng vạch trần chiêu trò lừa đảo của "cò" khi dụ khách mua đất các dự án. Cụ thể, môi giới này cho biết, "cò" dự án sẽ dẫn khách tới mua một suất ở dự án. Song, ngay sau đó 1-2 ngày, suất dự án đó đã có người đặt cọc 10-20 triệu đồng để mua với giá cao.

Lúc này, theo anh Hùng, khách mua bỗng thấy dự án có tính thanh khoản cao và có lãi ngay lập tức nên sẽ nhờ cò đưa đi mua thêm vài suất. Vì tham nên khách mua thậm chí đi vay để "ôm" thêm hàng.

"Nhưng đây chính là rủi ro, bởi người đặt cọc kia chính là đội "cò". Họ chấp nhận mất số tiền nhỏ để bán thêm vài suất. Hơn nữa với một số dự án, khi các cá mập (nhà đầu tư lớn) đã thoát hàng đi hết, thì dự án đã vào vòng cuối. Khách mua sẽ phải chờ đợi rất lâu mới có thể bán được đất. Nếu vay ngân hàng, khách mua sẽ phải chịu thêm áp lực trả lãi vô cùng lớn", anh Hùng khẳng định.

Bên cạnh các chiêu trò trên, theo tìm hiểu của phóng viên, chiêu dụ khách mua thứ 6 chính là việc, các "cò" bất động sản mạo danh chủ đầu tư để đi bán dự án. Rủi ro của người mua khi gặp các đối tượng này chính là chênh lệch giá và thông tin không minh bạch. Vì thế, người mua khi gặp các "cò" dạng này thì nên đến trực tiếp sàn giao dịch để kiểm chứng.

Chiêu trò thứ 7 chính là việc vẽ ra các quy hoạch ảo, dự án ảo để lừa người mua. Để tăng tính xác thực, các đối tượng này còn bỏ tiền ra thuê các trang tin không chính thống viết bài "thổi" quy hoạch. Các nhà đầu tư không tỉnh táo sẽ dễ bị sa bẫy tương tự như vụ việc Alibaba.

Môi giới nhà đất rất nhiều người làm nghề có tâm, có kiến thức thực tế. Song, không ít đối tượng lợi dụng lòng tin của người mua để trục lợi. Do đó, khách mua nhà đất cần hết sức tỉnh táo và tự kiếm chứng thông tin trước khi giao dịch.