1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Bộ trưởng Xây dựng: Sẽ "xong" quy chuẩn pháp lý cho condotel, officetel trong năm 2019

(Dân trí) - Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng có trách nhiệm sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan, ban hành quy chế quản lý vận hành đến các loại hình bất động sản mới (condotel, officetel...).

Bộ trưởng Xây dựng: Sẽ xong quy chuẩn pháp lý cho condotel, officetel trong năm 2019 - 1

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà. (Ảnh: Minh Thu)

Đặt câu hỏi tại phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà chiều nay (4/6), đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, hiện nay vẫn chưa có quy định pháp lý nào điều chỉnh về đầu tư, xây dựng, cấp giấy chứng nhận đối với các loại hình căn hộ du lịch (condotel).

Bà Hạnh đề nghị Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong việc tham mưu ban hành quy chuẩn.

"Hiện Bộ đang nghiên cứu, tham mưu nhưng như vậy có chậm so với thực tiễn không? Bao giờ sẽ xong? Thêm vào đó, việc cấp giấy chứng nhận sở hữu lâu dài vẫn diễn ra nhưng không phù hợp với quy định hiện hành", bà Hạnh nói và bày tỏ mong muốn có hướng giải quyết nhanh và phù hợp với thực tiễn.

Trả lời đại biểu đoàn Bình Định, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng có trách nhiệm sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan, ban hành quy chế quản lý vận hành đến các loại hình bất động sản mới (condotel, officetel...).

Người đứng đầu ngành xây dựng khẳng định, bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn này sẽ được "xong" trong năm 2019. Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có hướng dẫn về chế độ sử dụng đất với các công trình xây dựng condotel hoặc condotel kết hợp nhà ở. Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch hoàn thành quy chế quản lý vận hành cơ sở lưu trú với loại hình condotel, cơ sở du lịch.

Ngay sau phần trả lời của Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận ngắn gọn: "Tóm lại, 2 Bộ sẽ cố gắng trình bộ quy chuẩn, quy chế liên quan tới loại hình này trong năm 2019".

Đặt câu hỏi chất vấn tới lãnh đạo Bộ Xây dựng, một số đại biểu cũng cho rằng, hiện nay giá nhà ở đang ở mức cao hơn nhiều so với mặt bằng thu nhập của người dân, nguồn cung nhà ở giá rẻ còn thiếu, thị trường còn nhiều rủi ro.

Trả lời về nguy cơ rủi ro của thị trường, ông Phạm Hồng Hà lý giải, hiện nay chưa có sự chưa đồng bộ của thể chế, mâu thuẫn giữa pháp luật bất động sản với pháp luật của các lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm của bất động sản chuyển dịch tích cực nhưng chưa cân đối với nhu cầu thị trường, chỉ phát triển một số phân khúc trung cao cấp, thiếu gay gắt nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp. Hiện nhà thu nhập thấp mới đạt 4,8 triệu so với mục tiêu 12,5 triệu m2 năm 2020. Do thiếu nguồn vốn cho vay nên 226 dự án thu nhập thấp còn chậm tiến độ.

Theo Bộ trưởng Xây dựng, nguồn lực tài chính cho thị trường bất động sản cũng thấp, chủ yếu dùng vốn ngân hàng và tiền ứng trước của khách, tiền chủ đầu tư chỉ khoảng 15%. Có nhiều loại thuế được đánh giá là bất hợp lý, chưa khuyến khích, thu hút nguồn lực cho bất động sản và hạn chế tình trạng đầu cơ.

"Những hạn chế nêu trên gây rủi ro cho hoạt động bất động sản", ông Hà nói. Ông cũng cho biết, hiện có nghị định của Chính phủ về xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường nhà ở, nhưng thực tiễn thực hiện chậm, hệ thống thông tin chưa đồng bộ.

"Để đảm bảo thị trưởng bất động sản phát triển lành mạnh, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đảm bảo đồng bộ từ quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng; đồng thời tăng cường quản lý nhà nước; đẩy mạnh nhà ở xã hội, nhà thương mại quy mô nhỏ và vừa", ông Hà nói.

Về giá bất động sản, Bộ trưởng thừa nhận, vẫn còn đang ở mức cao, cao hơn giá trị thực. "Giải pháp thời gian tới khắc phục sẽ là tăng nguồn cung bởi cung tăng sẽ có tác dụng giảm giá bất động sản. Thứ 2, ngăn chặn kịp thời thổi giá, đẩy giá, đầu cơ của một số đối tượng trục lợi", ông nói.

Phương Dung