Bỏ 600 triệu đồng đầu tư đất vùng ven, sau 5 năm 8x Hà Nội thu lãi bạc tỷ

(Dân trí) - Sau gần 5 năm đi “săn” đất ngoại thành rồi “mua đi, bán lại” anh Ngọc Cương (Gia Lâm, Hà Nội) đã sở hữu 2 mảnh đất tiền tỷ, ngoài ra còn có thêm một khoản tiết kiệm 500 triệu đồng gửi ngân hàng.

Trong khi bạn bè, đồng nghiệp cùng cơ quan an phận với công việc hành chính, văn phòng ngày 8 tiếng, tối về nghỉ ngơi thảnh thơi thì anh Ngọc Cương (34 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) lại luôn suy nghĩ tìm cách tăng thêm thu nhập.

Hai vợ chồng anh Cương đều làm trong lĩnh vực truyền thông, với thu nhập khoảng 30-40 triệu đồng/tháng. Thu nhập không quá cao nhưng theo anh Cương là ổn định, đủ trang trải các nhu cầu cơ bản của cuộc sống.

“Hai vợ chồng mình ở cùng bố mẹ nên hàng tháng không phải mất tiền thuê nhà. Mỗi tháng vợ mình góp thêm 6 triệu đồng tiền sinh hoạt cho ông bà, tính thêm chi phí tiền xăng xe, điện thoại, hai vợ chồng cùng 1 con gái 4 tuổi chỉ tiêu hết khoảng 10-15 triệu đồng. Số tiền còn lại bọn mình gửi tiết kiệm”, anh Cương nhẩm tính.

Bỏ 600 triệu đồng đầu tư đất vùng ven, sau 5 năm 8x Hà Nội thu lãi bạc tỷ - 1

Công việc hành chính bận rộn nên anh Cương đã quyết định đầu tư vào bất động sản, trong đó chọn các khu vực vùng ven ngoại thành Hà Nội. Ảnh: NVCC

Công việc hành chính bận rộn từ sáng tới chiều khiến anh Cương dù rất muốn kinh doanh thêm nhưng không có đủ thời gian. Số tiền nhàn rỗi, anh Cương nảy ra ý định đầu tư vào bất động sản.

Năm 2015, cưới nhau được 3 năm, hai vợ chồng anh Cương tích lũy được khoảng 600 triệu đồng. Đây vừa là số tiền mừng cưới hai bên gia đình cho, vừa là tiền lương hai vợ chồng dành dụm. Với số tiền này anh Cương tìm hiểu các khu đất vùng ven Hà Nội.

“Ban đầu, tôi thử khảo sát đất khu vực Đông Anh (Hà Nội) nhưng năm 2015, hàng loạt các dự án, công trình giao thông trọng điểm như: Cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù, nhà ga T2 sân bay Nội Bài đi vào hoạt động... khiến giá đất ở đây phi mã, tăng 20-30%. Giá đất trong làng đã lên tới 20- 30 triệu đồng/m2.

Nhận thấy giá đất cao chủ yếu là do cơn sốt đất nóng, gần như đã chạm đỉnh, khó có thể cao hơn được nữa nên tôi đã quyết định chuyển hướng, tìm hiểu sang khu vực Gia Lâm”, anh Cương kể.

Theo anh Cương, thời điểm đó đất Gia Lâm đã đi qua những cơn “sốt” nóng và có tính ổn định. Giá đất ở các khu vực như: Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Dương Xá, Châu Quỳ... chỉ dao động từ 8 – 15 triệu đồng/ m2, tùy vị trí. Đây là mức giá theo anh Cương có thể tham gia đầu tư được, bởi lẽ giá đất chưa “chạm đỉnh”, khi hoàn thiện về hạ tầng, kết nối giao thông chắc chắn khu vực này sẽ có tiềm năng sinh lời lớn.

Tháng 4/2015, sau khi cân nhắc và khảo sát nhiều nơi, vợ chồng anh Cương quyết định đầu tư mảnh đất hơn 70m2 ở Châu Quỳ với giá là 11 triệu đồng/ m2.

“Đây là mảnh đất tuy nằm trong làng nhưng mặt ngõ khá thoáng, rộng, ô tô đi vào được. Dân cư xung quanh ở ổn định, đông đúc. Từ đó đi ra mặt đường chính cũng không quá xa, nên tôi nghĩ cứ mua nếu không bán được thì cùng lắm là xây nhà để ở”, anh Cương nói.

Mảnh đất anh Cương có tổng giá trị là 770 triệu đồng. Trong 2 năm đầu, giá đất ở đây gần như tăng không đáng kể, giao dịch cũng không quá sôi động. Thế nhưng cuối năm 2018 và đặc biệt là sang năm 2019, giá đất bắt đầu phi mã, sốt nóng bởi loạt đại dự án của các ông lớn trong ngành bất động sản đồng loạt triển khai ở đây.

Chỉ trong một thời gian ngắn, đất Gia Lâm đặc biệt là khu vực Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Đông Dư, Châu Quỳ... tăng gấp 2-3 lần.

Mảnh đất của gia đình anh Cương nhờ thế cũng tăng vọt lên, thậm chí có thời điểm giá lên theo ngày. “Ban đầu có người trả giá 19 triệu đồng/ m2, sau đó là 24 triệu đồng/ m2 và đến khi tăng lên là 35 triệu đồng/ m2 tôi đã quyết định bán để rút vốn đầu tư chỗ khác”, anh Cương nói.

Mảnh đất của anh Cương được giao dịch thành công là 2,5 tỷ đồng, như vậy sau 4 năm người đàn ông này thu lời được hơn 1,6 tỷ đồng. Có tiền trong tay, anh Cương gửi tiết kiệm ngân hàng hơn 500 triệu đồng, số tiền còn lại anh tiếp tục tìm cơ hội đầu tư đất ở ngoại thành Hà Nội.

Đầu năm 2020, thị trường BĐS bước vào cơn đại khủng hoảng chưa từng có do ảnh hưởng của Covid-19, giao dịch trầm lắng, nhiều chủ đầu tư phải phải bán tháo, cắt lỗ. Nhận thấy đây là “cơ hội vàng” để tham gia thị trường, anh Cương quyết định tìm hiểu, đầu tư mua đất.

Bỏ 600 triệu đồng đầu tư đất vùng ven, sau 5 năm 8x Hà Nội thu lãi bạc tỷ - 2

 Đất vùng ven Hà Nội, diện tích lớn có thể làm nhà vườn đang là xu hướng đầu tư "hot". Ảnh: NVCC

Vẫn ưu tiên khu vực đất ven đô, song anh Cương đã chuyển hướng tìm kiếm các mảnh đất với diện tích lớn, có thể làm nhà vườn.

“Tôi nhận thấy, xu hướng căn nhà thứ 2 ở ven đô là rất lớn, nhiều gia đình ở Hà Nội ngày thường ở nội đô, cuối tuần về nghỉ ngơi ở ngoại thành. Thêm vào đó, giao thông, hạ tầng kết nối các khu vực vùng ven cũng được đầu tư, việc đi lại, di chuyển rất thuận lợi, kiểu gì trong tương lai cũng rất tiềm năng”, anh Cương khẳng định.

Tháng 4/2020, anh Cương quyết định bỏ 700 triệu đồng mua mảnh đất rộng 90m2 với 2 mặt tiền ở khu vực Sóc Sơn. Đến tháng 6/2020, anh lại tiếp tục đầu tư mua 1.000m2 đất ở Tân Tiến - Chương Mỹ (Hà Nội) với giá 750 triệu đồng, trong số này có 200m2 đất thổ cư còn lại là đất trồng cây.

Đầu tư mua 2 mảnh đất, vẫn còn dư khoảng 400 triệu đồng, anh Cương lại bỏ thêm tiền tiền kiệm mua một chiếc ô tô lấy phương tiện đi lại.

 “Mảnh đất ở Chương Mỹ hiện vẫn có 1 căn nhà cấp 4, hai vợ chồng tôi dự tính sẽ đầu tư xây tường rào, cải tạo lại căn nhà, xung quanh trồng thêm hoa hồng, cây ăn trái. Có xe ô tô, cuối tuần hai vợ chồng sẽ về đấy nghỉ ngơi, thay đổi không khí và cũng là để lấy thực phẩm sạch”, anh Cương hào hứng nói.

Như vậy chỉ sau 5 năm, từ số vốn ban đầu 600 triệu đồng, nhờ biết tính toán, tìm hiểu thị trường khi tham gia đầu tư bất động sản, gia đình anh Cương không chỉ thu hồi vốn mà còn “lãi” thêm được hai mảnh đất.

“Kinh nghiệm của tôi là không tham gia thị trường khi giá đất đã quá cao, khó có thể sinh lời được nữa. Ngoài ra, nên chọn những mảnh đất pháp lý rõ ràng, không vướng tranh chấp và phù hợp với giới hạn chi phí của gia đình. Tuyệt đối không đi vay lãi để đầu tư đất”, anh Cương khẳng định.

Hiệp Nguyễn