Bỏ 50 triệu đồng làm nhà trọ kiểu mới, ngồi chơi không cũng thu lãi đều tay
(Dân trí) - Với số vốn bỏ ra chỉ khoảng 30 - 50 triệu đồng, có thể thu hồi trong vòng 3 tháng đã khiến mô hình homestay cho sinh viên nở rộ ở Hà Nội.
Trên thực tế, mô hình homestay sinh viên (nhà trọ tiện ích) đã phát triển từ 5 năm trước, nhưng trong 2 năm gần đây mới thực sự nở rộ ở Hà Nội.
Đặc biệt, tại một số khu dân cư gần các trường đại học lớn như: Nguyễn Trãi, Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, Trương Định, Tân Mai, Cầu Giấy,... số lượng homestay sinh viên gần như áp đảo.
Chị Thu Giang (SN 1987), thường trú tại Hoàng Mai (Hà Nội) là một trong những nhà đầu tư đầu tiên xây dựng mô hình nhà trọ tiện ích tại Hà Nội.
Theo chị Giang, mô hình nhà trọ tiện ích là một dạng “lai” giữa nhà trọ truyền thống và ký túc xá truyền thống.
Với một nhà trọ tiện ích, không gian phòng ngủ sẽ bố trí hệ thống giường tầng, tủ đồ cá nhân giống như trong ký túc. Mỗi phòng sẽ có 2 - 3 giường tầng (có nơi giường 2 tầng, có nơi giường 3 tầng), tùy thuộc vào diện tích. Trung bình, 1 phòng khoảng 20m2 - 30m3 có thể có sức chứa từ 4-12 người/ phòng.
Điểm nổi bật của nhà trọ tiện ích là người thuê có thể dùng chung phòng khách, bếp và nhiều tiện ích khác như: nóng lạnh, điều hoà, máy giặt, tủ lạnh, lò vi sóng, internet tốc độ cao,..
Giá thuê sẽ gói gọn trong khoảng 1,7 - 2,2 triệu đồng/người/tháng, tùy vị trí, trong đó đã bao gồm cả tiền điện và nước.
Được biết, số vốn ban đầu để làm nhà trọ tiện ích tương đối thấp, chỉ khoảng 30 - 50 triệu đồng. Trong đó, chi phí nặng nhất là tiền thuê nhà, chiếm khoảng 60% tổng số vốn, 40% số vốn còn lại được dùng để mua đồ dùng trong nhà như giường tầng, đệm, chăn, ga, tủ lạnh, điều hòa,...
“Chỉ có duy nhất giường tầng, đệm là phải mua mới, còn các đồ dùng khác trong nhà tôi tận dụng mua đồ thanh lý giá rẻ hoặc săn trên các chợ online. Nếu so với các mô hình đầu tư BĐS khác như: xây nhà trọ cho thuê, mua đất... thì làm homestay sinh viên số vốn phải bỏ ra ban đầu thấp hơn nhiều", chị Giang nói.
Theo chị Giang, khi đầu tư vào nhà trọ tiện ích, điều quan trọng là phải tìm được mặt bằng đẹp với chi phí vừa phải. Trong đó, ưu tiên cho các căn hộ có từ 3 phòng ngủ trở lên.
Chị Tuyết Nhung (Cầu Giấy, Hà Nội) bắt đầu đầu tư kinh doanh cho thuê homestay sinh viên từ cuối năm 2016. Nhà đầu tư này nhẩm tính, với một nhà trọ tiện ích 3 phòng ngủ, mỗi phòng ngủ có khoảng 3 giường 2 tầng thì một căn hộ có thể cho khoảng 18 người cùng thuê.
Như vậy, chi phí một tháng, chủ homestay có thể thu về dao động trong khoảng 31 triệu - 40 triệu đồng.
"Nếu trừ các chi phí phát sinh như tiền điện, tiền nước, tiền nhà, một nhà trọ tiện ích 3 phòng ngủ, chỉ cần khoảng 3 tháng là chủ nhà hoàn vốn", chị Nhung khẳng định.
Thời gian gần đây, nhiều chủ nhà trọ tiện ích chịu chi, khi sẵn sàng bỏ ra vài trăm triệu đồng để đầu tư vào hình ảnh, cảnh quan và không gian sống nhắm vào đối tượng khách có tiền.
“Mô hình nhà trọ tiện ích hạng sang thường có giá thuê đắt hơn bình quân khoảng 50 - 80% và thường hướng tới người đi làm, hoặc người có thu nhập ổn định. Trong khi đó, một số nhà trọ giá rẻ dưới 2 triệu đồng/tháng thì đa phần là sinh viên, hoặc người có thu nhập thấp”, chị Nhung nói.
Tuy nhiên, nhiều chủ nhà cho thuê homestay cho biết, nếu như 2 năm trước, doanh thu hàng tháng của một nhà trọ tiện ích, 3 phòng ngủ có thể đạt mức tối đa, công suất sử dụng phòng luôn kín thì hiện nay việc làm ăn đã khó khăn hơn nhiều.
Ngày càng có nhiều nhà đầu tư bỏ vốn thực hiện mô hình này, người thuê trọ vì thế cũng có nhiều lựa chọn với các mức giá rẻ, nhiều ưu đãi.
“Ví dụ như đợt dịch Covid-19 vừa qua, sinh viên về quê trả phòng, người đi làm bỗng dưng thất nghiệp cũng trả phòng, nên kinh doanh bị lỗ, doanh thu lần đầu tiên bị âm và tôi phải tự bỏ tiền túi để bù vào”, chị Nhung nói.
Trao đổi với PV báo Dân trí, ông Phạm Văn Vĩnh, chuyên gia BĐS tại Hà Nội cho rằng, mô hình làm nhà trọ tiện ích mang lại nhiều lợi nhuận cho nhà đầu tư ít vốn, đồng thời cũng giúp người đi thuê trọ có thể tìm được chỗ ở giá rẻ, đi kèm với nhiều tiện ích.
Tuy nhiên, mô hình này cũng có nhiều nhược điểm. Trong đó, số lượng người thuê quá đông, lên tới 20 - 30 người có thể khiến công tác quản lý, an ninh trở nên khó khăn. Không ít trường hợp, xảy ra hiện tượng mất cắp, mất trộm ở trong những căn homestay.
Vì vậy, chủ homestay bắt buộc phải tăng cường công tác quản lý, giám sát người ở chung: “Bất kỳ môi trường nào cũng vậy, càng ở nhiều người càng nảy sinh ra nhiều vấn đề, Vì vậy, chủ nhà trọ bắt buộc phải tăng cường công tác quản lý, giám sát người ở chung để đảm bảo an ninh cho mọi người”, ông Vĩnh nói.
Việt Vũ