Biệt phủ gỗ 3D chục tỷ đồng: Nhà hoài cổ nét lạ của đại gia Việt

Không đi theo xu thế kiến trúc hiện đại, chàng kiến trúc sư trẻ muốn tạo một phong cách táo bạo: thổi luồng gió mới vào kiến trúc nhà gỗ cổ.

Chàng kiến trúc sư Nguyễn Văn Thắng (Lại Thượng,Thạch Thất - Hà Nội) vừa bước qua tuổi 30, độ tuổi vừa đủ chín chắn cùng sự sáng tạo để hình thành một phong cách riêng. Trong khi các kiến trúc sư trẻ thường theo hướng kiến trúc hiện đại, thì Thắng lại chọn cho mình lối đi riêng, theo truyền thống.

Thắng may mắn được sinh ra, lớn lên trên quê hương có nghề đục chạm khắc gỗ truyền thống, đặc biệt là làm nhà gỗ kẻ truyền - ngôi nhà mang đậm nét đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Biệt phủ gỗ 3D chục tỷ đồng: Nhà hoài cổ nét lạ của đại gia Việt - 2

Nhà gỗ Cẩm sừng, một trong những ngôi nhà gỗ Thắng thiết kế mà anh tâm đắc nhất

Từ khi còn là sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội, Thắng đã được học bộ môn về kiến trúc cổ. Để bổ trợ kiến thức về bộ môn này cho chính mình và các bạn cùng khoa, Thắng có dịp mời bạn bè về quê tham quan chùa Thầy và chùa Tây Phương, hai địa danh làm hoàn toàn bằng gỗ, hội tụ đầy đủ những nét cổ kính, có giá trị kiến trúc văn hóa lịch sử lâu đời. Thắng được các bạn đề nghị giới thiệu về hai ngôi chùa thông qua các bản vẽ.

Anh cố gắng hoàn thành bản vẽ theo đề nghị của các bạn. Những phác thảo đầu tiên về hai ngôi chùa đã chạm đến niềm đam mê nghệ thuật nhà gỗ cổ. Đó cũng là lúc Thắng bắt đầu theo đuổi giấc mơ trở thành nhà thiết kế nhà gỗ kẻ truyền.

"Được chiêm ngưỡng các bức tượng hay hoa văn khắc chạm trong chùa Tây Phương và chùa Thầy từ bé, nhưng khi đó tôi chưa cảm nhận được nhiều về cái đẹp, sự độc đáo của chùa. Sau này đi học, tập trung tìm hiểu, tôi mới thấy sáng ra, mới thấy được hết giá trị nghệ thuật", Thắng nhớ lại.

Biệt phủ gỗ 3D chục tỷ đồng: Nhà hoài cổ nét lạ của đại gia Việt - 3

Không gian nhà khác so với truyền thống nhưng không mất đi vẻ cổ kính

Quan điểm của Thắng là luôn biết kết hợp không gian hiện đại vào các ngôi nhà cổ, đó là yếu tố then chốt mà chàng trai trẻ muốn gửi gắm vào ngôi nhà. Vì thế, anh tìm mọi cách truyền đạt để chủ nhà hiểu rằng, giá trị cổ phải đi đôi với công năng sử dụng hiệu quả trong không gian nhà. Song, để chủ nhà nhận thức được điều này là không hề dễ.

Tuy nhiên, anh Thắng đã làm được. Nhiều đại gia đã nhờ anh thiết kế những ngôi nhà gỗ giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng. "Trước khi bắt tay làm, gia chủ còn yêu cầu tôi phải dẫn đi tham quan một số công trình do chính tay mình làm, họ tin tưởng rồi mới ký hợp đồng", Thắng kể 

Thắng cho hay, để thành công không chỉ cần sự yêu nghề. Anh đã trải qua rất nhiều khó khăn, mà khó nhất là chứng minh cho chủ nhà thấy giới trẻ hoàn toàn có thể làm được kiến trúc cổ, và làm rất tốt. Thắng đã biết cách khai thác thế mạnh của công nghệ 3D, kỹ thuật số để hiện thực hoá công trình cho chủ nhà xem trước.

Anh tâm đắc nhất khi thiết kế ngôi nhà 5 gian bằng gỗ Cẩm sừng, hoàn thiện cách đây hơn một năm. Thắng nhận thiết kế toàn bộ ngôi nhà, bao gồm cả nội thất, cả phần hoa văn, khắc chạm. Chỉ tính riêng tiền gỗ, chủ nhân đã chi ra gần 8 tỷ đồng. Đây là công trình rất khó, áp lực công việc cao, nếu sai sót sẽ phải đền bù số tiền không nhỏ.

Biệt phủ gỗ 3D chục tỷ đồng: Nhà hoài cổ nét lạ của đại gia Việt - 4

Các nét chạm khắc trên trần nhà cũng mang phong cách mới cùng với chiếc đèn leb được thiết kế rất tinh tế

Biệt phủ gỗ 3D chục tỷ đồng: Nhà hoài cổ nét lạ của đại gia Việt - 5

Một trong những công trình được bài trí hài hòa giữa không gian cây xanh và điểm nhấn là lầu bát giác

Biệt phủ gỗ 3D chục tỷ đồng: Nhà hoài cổ nét lạ của đại gia Việt - 6

Những nét chạm khắc lạ theo phong cách mới

"Ngôi nhà nhìn tổng thể là theo kiến trúc cổ, nhưng khi bước vào thì thấy toàn bộ bên trong theo một lối kiến trúc riêng, rất có hồn", ông Hoà - một nghệ nhân gạo cội ở xã Chàng Sơn, Thạch Thất, nơi có truyền thống làm nhà gỗ nổi tiếng cả nước, nhận xét.

Thắng chia sẻ thêm, ngôi nhà được làm bằng gỗ có giá trị kinh tế rất cao nên việc khắc chạm hoa văn theo đúng bản vẽ phải nhờ đến các thợ đục chạm có tay nghề cao ở Chàng Sơn, Hương Ngải,... tuyệt đối không sử dụng công nghệ CNC vì đục bằng tay, hoa văn sẽ có hồn hơn.

Ông Hoà nhớ lại, trước khi làm ngôi nhà bằng gỗ Cẩm sừng này, Thắng cho ông xem bản thiết kế 3D, ông đã không hài lòng. Ông nhận xét Thắng đã đi quá xa giá trị truyền thống của ngôi nhà gỗ, điều đó là không nên, vì không còn giữ lại nét cổ kính của ngôi nhà Bắc Bộ xưa. Ông Hòa khẳng định với bản vẽ này, Thắng khó có thể thuyết phục được chủ nhà.

Biệt phủ gỗ 3D chục tỷ đồng: Nhà hoài cổ nét lạ của đại gia Việt - 7

Chàng trai trẻ sẵn sàng chia sẻ những tâm huyết cũng như kinh nghiệm cho những ai muốn tiếp nối nghề nhà gỗ truyền thống

Tuy nhiên, Thắng vẫn thuyết phục chủ nhân ngôi nhà với bản vẽ đó và bắt tay vào xây dựng.  Khi nhà hoàn thiện, anh mời ông Hoà đến tham quan. Ông thực sự ngỡ ngàng về ngôi nhà thực được xây lên từ bản vẽ mà ông đã xem trước đó.

"Ngôi nhà vẫn giữ nguyên được nét cổ kính, nhưng một số chi tiết thiết kế khác đi một chút như cửa bức bàn được hạ thấp hơn để tiện cho việc đi lại của gia chủ. Các hoa văn trên gỗ vừa mang phong cách cổ, nhưng lại pha một chút hiện đại. Các nét đục không bị rối như nét đục truyền thống" , ông Hoà cho hay. 

Trước những thành công mà Thắng gặt hái được, ông Hòa cảm thấy rất vui mừng khi lớp trẻ đã biết sáng tạo dựa trên nền tảng giá trị truyền thống, nhờ đó ngôi nhà trở nên đẹp hơn rất nhiều. Điều quan trọng là ngôi nhà đã được nâng cấp phục vụ cho cuộc sống tiện nghi, hiện đại mà vẫn lưu giữ được những giá trị văn hóa tinh hoa hàng trăm năm.

Theo: Tuấn Linh

Vietnamnet 

banner_chan-bai.gif