Bất động sản xanh có sức thanh khoản cao gấp 2 lần so với dự án thường

Việt Vũ

(Dân trí) - Năm 2020, những sản phẩm bất động sản trong các khu đô thị thông minh, khu đô thị xanh có sức thanh khoản cao gấp 2 lần so với các dự án thông thường.

Phát triển một đô thị thông minh không đơn giản

Trước những tác động xấu của quá trình biến đổi khí hậu, hầu hết, các quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nhật hay Hàn Quốc đã chi hàng chục tỷ USD, để nghiên cứu và xây dựng các đô thị xanh, đô thị thông minh, tạo ra các không gian đáng sống cho người dân.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để phát triển một đô thị thông minh không hề đơn giản. Ngay cả các quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng các đô thị thông minh như Hàn Quốc và Mỹ còn gặp thất bại ở một số dự án.

Bất động sản xanh có sức thanh khoản cao gấp 2 lần so với dự án thường - 1

BĐS xanh có sức thanh khoản cao gấp 2 lần so với dự án thường. Trong ảnh là KĐT Ecopark

Minh chứng cho sự thất bại rõ nét nhất chính là dự án phát triển thành phố mới Songdo, Incheon (Hàn Quốc). Theo kế hoạch, thành phố mới Songdo sẽ được xây dựng theo mô hình đô thị thông minh, mục tiêu trở thành một trung tâm tài chính - kinh tế của cả châu Á. Thế nhưng, chỉ sau vài năm ngắn ngủi, chủ đầu tư dự án đã phải rút lui, buộc Chính phủ Hàn Quốc mua lại duy trì.

Trong khi đó, kể từ những năm 2000, Việt Nam đã bắt đầu triển khai các dự án khu đô thị thông minh. Cho tới nay, xu hướng phát triển khu đô thị xanh, thông minh đã đạt được nhiều thành công và ngày càng thu hút một lượng lớn cư dân tới sinh sống, như khu đô thị Ecopark ở phía Bắc và Phú Mỹ Hưng ở phía Nam.

Số liệu từ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho thấy, năm 2020, những sản phẩm bất động sản trong các khu đô thị thông minh có sức thanh khoản cao gấp 2 lần so với các dự án thông thường.

Trong buổi tọa đàm "Kiến tạo khu đô thị thông minh và đáng sống”, diễn ra tại Hà Nội mới đây, KTS Đỗ Việt Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam khẳng định, ngày càng nhiều người lựa chọn mua nhà tại các dự án khu đô thị xanh, thông minh, cho dù giá bán cao vượt trội.

Ngược lại, các sản phẩm nhỏ lẻ dần vắng bóng và không còn sức hút như dự án lớn được ứng dụng giải pháp thông minh.

Theo ông Chiến, trước đây, việc xây dựng các đô thị thông minh tại Việt Nam còn gặp phải nhiều trở ngại, nhất là từ hai phía: Nhà quản lý và các doanh nghiệp bất động sản. Nhiều chủ đầu tư dù mong muốn phát triển các dự án khu đô thị xanh, song phải loay hoay trong việc bắt đầu từ đâu và bắt đầu bằng cách như thế nào, hoặc gặp khó khăn trong việc xác định tiêu chí và đo lường hiệu quả của dự án.

Tuy nhiên, vài năm gần đây nhiều chính sách đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển các khu đô thị xanh, thông minh.

Trong đó, Văn kiện 13 của Đảng đang gửi lấy ý kiến nhân dân, có một phần quan trọng là chiến lược phát triển đô thị Việt Nam trong thời gian tới.

Cụ thể, đường hướng, chiến lược sắp tới là phát triển đô thị Việt Nam ứng dụng công nghệ mới. Dần dần Việt Nam cũng sẽ hình thành hệ thống các đô thị thông minh tập trung vào 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Khu đô thị thông minh là một xu hướng tất yếu của toàn cầu

Ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng Giám đốc enCity cũng cho rằng khu đô thị xanh, thông minh là xu hướng phát triển tất yếu.

Thực tế đã cho thấy, nhiều dự án xây dựng đã lâu, nơi hạ tầng đã xong nhưng không có người ở, hiệu quả sử dụng đất sụt giảm, hình thành nên những khu đô thị bỏ hoang, phí phạm nguồn lực xã hội. 

Hay khi quy hoạch bị phá vỡ, dân số gia tăng vượt quá sức tải của hạ tầng, gây ra các hệ quả cho xã hội như tắc đường, ngập lụt và thiếu tiện ích xã hội. Nhiều người mua nhà hiện tại hướng đến chất lượng cuộc sống, sống xanh... chính vì thế khi các dự án không đáp ứng được điều này, thì không thể hấp dẫn người dân. 

“Tuy vậy việc phát triển các khu đô thị thông minh, đô thị xanh không đơn giản. Đây là một bài toán khó của nhiều quốc gia trên cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam”, Ông Dũng nhận định.

Bất động sản xanh có sức thanh khoản cao gấp 2 lần so với dự án thường - 2

Xe điện phục vụ người dân trong khu đô thị xanh Ecopark, phía Đông Hà Nội

Theo ông Dũng, có 6 thách thức cho đối với việc phát triển một khu đô thị mới, như: Thu hút cư dân và xây dựng một cộng đồng sống tốt, thu hẹp khoảng cách với thành phố trung tâm, đa dạng hoạt động kinh tế.

Ngoài ra, phải sự linh hoạt với các biến động của thị trường, xây dựng mô hình vận hành và cuối cùng là gia tăng giá trị đất đai theo thời gian.

Ông Pablo Acedillo, chuyên gia cao cấp về Quy hoạch và Hạ tầng enCity cũng cho rằng, khu đô thị thông minh là một hệ sinh thái mang lại môi trường sống chất lượng cao cho người dân.

“Vì sao phải ứng dụng mô hình khu đô thị thông minh? Bởi đây là xu hướng toàn cầu, khám phá về công nghệ để đưa ra những trải nghiệm mới cho người dân. Nhà đầu tư có thể đón đầu xu thế này thì khu đô thị thông minh chính là đích đến” - vị chuyên gia của enCity đặt ra câu hỏi và khẳng định.

Hiện nay, ở Việt Nam, Hà Nội đang là nơi thí điểm nhiều khu đô thị thông minh như ở khu vực phía Bắc sông Hồng, tương tự TP.HCM là phát triển thành phố trong thành phố ở khu vực phía Đông, miền Trung là Đà Nẵng. Đây là những thành phố tiên phong đi đầu. Trong tương lai, những khu vực này được kỳ vọng sẽ tạo nên những thành phố xanh, đô thị thông minh, đáng sống cho người dân.