1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Bất động sản Trung Quốc lún sâu vào khủng hoảng, chưa có dấu hiệu kết thúc

Nhật Linh

(Dân trí) - Gần đúng một năm sau khi vụ siết nợ trên thị trường bất động sản Trung Quốc gây ra làn sóng vỡ nợ đầu tiên với các nhà phát triển, ngành này vẫn đang chiến đấu để tồn tại.

Bất động sản Trung Quốc lún sâu vào khủng hoảng, chưa có dấu hiệu kết thúc - 1

Nhiều nhà phát triển bất động sản Trung Quốc vẫn đang loay hoay với đống nợ phải trả trong khi tình hình kinh doanh ngày càng đi xuống (Ảnh: Bloomberg).

Doanh số bán nhà tiếp tục sụt giảm trong khi chi phí đi vay leo thang, đồng nghĩa việc trả nợ cho các chủ nợ nước ngoài là điều không thể đối với nhiều nhà phát triển bất động sản ở Trung Quốc. Các cơ quan đánh giá tín nhiệm toàn cầu đang hạ mức xếp hạng đối với các trái phiếu bất động sản Trung Quốc. Trong khi đó, hàng loạt kiểm toán viên từ chức trước mùa báo cáo thu nhập chỉ vài tuần làm tăng thêm nghi ngờ về tính minh bạch tài chính của ngành này.

Chuẩn bị cho cuộc chiến "một mất, một còn"

Việc cổ phiếu Zhenro Properties Group sụt giảm đến 81% càng cho thấy những rủi ro của việc sử dụng đòn bẩy (margin) khi các công ty đang phải vật lộn để trả nợ.

Theo tờ South China Morning Post, chính ông Yu Liang, Chủ tịch của China Vanke Co. - một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất của Trung Quốc - đã kêu gọi nhân viên phải chuẩn bị cho một cuộc chiến "một mất, một còn".

"Chúng tôi đang ở trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, không còn sự lựa chọn nào khác", ông nói.

Chỉ số Bloomberg về trái phiếu rác bằng đồng USD của Trung Quốc tuần qua giảm hàng ngày cho đến ngày 17/2 khiến lợi suất lên 20%. Một thước đo cổ phiếu bất động sản Trung Quốc cũng giảm 3,4% trong tuần này, đưa mức lỗ trong hơn 12 tháng qua xuống 28%, ngay cả khi có sự hồi phục trong phiên 18/2.

Khi cuộc khủng hoảng tiền mặt của các nhà phát triển ngày càng tồi tệ hơn thì cuộc suy thoái trên thị trường nhà ở cũng trở thành một trong những lực cản lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Theo Bloomberg, nỗ lực làm giảm đầu cơ trên thị trường bất động sản là một chiến lược rủi ro. Nếu không được kiểm soát, nó có thể đe dọa đến cam kết ưu tiên ổn định kinh tế của Bắc Kinh trong năm nay. Các nhà quản lý nước này đã âm thầm điều chỉnh một số quy định để tạo ra bến đỗ mềm cho ngành bất động sản như khuyến khích sáp nhập và mua lại. Tuy nhiên, cho đến nay các quan chức nước này vẫn chưa nới lỏng bất kỳ biện pháp nào.

Ông Paul Lukaszewski, trưởng bộ phận nợ doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại abrdn Plc ở Singapore, cho rằng mặc dù chính phủ Trung Quốc đã có nhiều biện pháp hỗ trợ hơn nhưng vẫn còn hạn chế và chưa giải quyết được cuộc khủng hoảng thanh khoản

"Sự hỗn loạn và không chắc chắn của thị trường đã khiến các nhà đầu tư truyền thống rút lui", ông nói.

Con số vỡ nợ có thể sẽ còn nhiều

China Fortune Land Development Co. đã không trả nợ được khoản trái phiếu trị giá 530 triệu USD đến hạn vào ngày 28/2/2021, trở thành công ty bất động sản đầu tiên của Trung Quốc vỡ nợ kể từ khi Bắc Kinh áp quy định "3 lằn ranh đỏ". Kể từ đó đến nay, có ít nhất 11 nhà phát triển của nước này vỡ nợ, theo một báo cáo của Standard Chartered.

Con số này còn có thể sẽ còn nhiều hơn. Bởi chỉ riêng trong năm nay, các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc phải trả nợ gần 100 tỷ USD trong năm nay, ngay cả khi nguồn thu nhập bị thu hẹp. Doanh số bán nhà trong tháng 1 của 100 nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc đã giảm khoảng 40% so với năm ngoái và giảm 35% so với tháng trước đó, theo số liệu sơ bộ của China Real Estate Information Corp.

Các nhà phát triển nước này cũng đang phát hành trái phiếu trong nước để có tiền xây dựng dự án. Tuy nhiên, điều đó vẫn không đủ để trang trải cho các khoản nợ đáo hạn.

Theo China International Capital Corp, việc phát hành trái phiếu trong nước của các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc đã giảm 53% trong tháng 1 xuống mức 23 tỷ nhân dân tệ (3,6 tỷ USD). Trong khi đó, trái phiếu bằng đồng USD giảm 90% so với năm ngoái, xuống chỉ còn 1,6 tỷ USD.

Nợ ngoại bảng cũng là một vấn đề mà các nhà đầu tư lo ngại. "Thiên thần gãy cánh" Shimao Group Holding gần đây đã đề xuất hoãn trả nợ khoảng 6 tỷ nhân dân tệ cho các sản phẩm ủy thác lợi tức cao đến hạn từ tháng 1 đến tháng 8. Trái phiếu của công ty này đã giảm mạnh do lo ngại Shimao sẽ ưu tiên trả nợ cho các chủ nợ trong nước.

Dấu hỏi về minh bạch tài chính

Trong khi đó, việc từ chức của kiểm toán viên cũng gây thêm nghi ngờ về tình hình sức khỏe tài chính của các công ty bất động sản. Các kiểm toán viên của Hopson Development Holdings Ltd. và China Aoyuan Group Ltd. đã từ chức vào cuối tháng 1 vừa qua với lý do không đủ thông tin và bất đồng về các mức phí.

Một đơn vị trong nước của Shimao cũng đã thay đổi đơn vị kiểm toán, lần đầu tiên sau 27 năm. Việc không công bố kết quả kinh doanh trước thời hạn 31/3 mà sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông quy định có thể dẫn đến cổ phiếu của công ty đó bị tạm dừng giao dịch trong một thời gian dài.

"Việc thay đổi công ty kiểm toán ngay trước thềm báo cáo kết quả cuối năm đặt ra câu hỏi về chất lượng quản trị của doanh nghiệp", các chuyên gia phân tích tại S&P Global viết trong một báo cáo phát hành ngày 16/2.

Theo Bloomberg