Khủng hoảng nợ của bất động sản Trung Quốc lan sang cả doanh nghiệp mạnh

Nhật Linh

(Dân trí) - Các vấn đề trên thị trường bất động sản Trung Quốc đang lan rộng sang cả những doanh nghiệp bất động sản có sức khỏe tài chính lành mạnh nhất ở nước này.

Doanh nghiệp lành mạnh nhất cũng vỡ nợ

Theo một báo cáo mới đây, Shimao Group - một trong những nhà phát triển bất động sản mạnh nhất của Trung Quốc - cũng đã tuyên bố vỡ nợ. Đây là dấu hiệu cho thấy ngành bất động sản Trung Quốc đang nợ nần chồng chất sẽ còn gánh chịu nhiều đau đớn hơn nữa.

Cổ phiếu của Tập đoàn Shimao đã nhanh chóng "bốc hơi" 17% sau khi Reuters cho biết nhà phát triển này không thể thanh toán được khoản vay tín chấp. Một công ty con của Shimao cho biết họ đang đàm phán để giải quyết khoản thanh toán này.

Khủng hoảng nợ của bất động sản Trung Quốc lan sang cả doanh nghiệp mạnh - 1

Cuộc khủng hoảng nợ trên thị trường bất động sản Trung Quốc lan sang cả những doanh nghiệp có tài chính lành mạnh như Shimao (Ảnh: Getty).

Theo một bức thư của China Credit Trust, Shimao đã bỏ lỡ khoản thanh toán trị giá 645 triệu nhân dân tệ (101 triệu USD).

Ngành bất động sản khổng lồ của Trung Quốc đang chịu nhiều áp lực khi trong 2 năm qua Bắc Kinh tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào nợ của các nhà phát triển bất động sản. Trong những tháng gần đây, một số nhà phát triển khác cũng đã bắt đầu báo cáo về những vấn đề tài chính, trong đó nổi bật nhất là các vấn đề của Shimao.

"Lý do khiến thị trường lo ngại về trường hợp này hơn so với các nhà phát triển khác bởi Shimao được coi là một tên tuổi tương đối lành mạnh", Gary Ng, nhà kinh tế về châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis nói.

Theo ông, Shimao đã đáp ứng cả 3 yêu cầu mà Bắc Kinh đưa ra đối với ngưỡng nợ trong chính sách "ba lằn ranh đỏ" gồm nợ trên dòng tiền, nợ trên tài sản và nợ trên vốn.

Ông Ng. cho rằng, những khó khăn của Shimao phản ánh áp lực lớn hơn đối với việc chuyển đổi kinh doanh trong môi trường hiện tại.

Khủng hoảng nợ của bất động sản Trung Quốc lan sang cả doanh nghiệp mạnh - 2

Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc liên tiếp tuyên bố vỡ nợ trái phiếu trong năm qua (Nguồn: CNBC).

Tương tự Shimao, một nhà phát triển nhỏ hơn là Guangzhou R&F Properties hôm đầu tuần cũng tiết lộ rằng họ không đủ tiền để mua lại trái phiếu. Lý do là do không bán được tài sản.

Theo nhà phân tích độc quyền của Natixis, tâm lý của thị trường đối với các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc ngày càng trở nên tiêu cực. Trước khi vụ việc của Evergrande bị phanh phui hồi tháng 6, chỉ có 15% nhà phát triển bất động sản nước này được đánh giá là tiêu cực. Nhưng vào tháng 12/2021, con số này đã tăng lên 35% khi Evergrande không thanh toán đúng hạn cho các trái chủ và nhiều nhà phát triển khác bắt đầu tuyên bố gặp khó khăn về tài chính.

Khả năng vỡ nợ nhiều hơn

Ông Ng cũng cho biết, dữ liệu về các khoản vay tín chấp cho thấy các công ty bất động sản Trung Quốc đang gặp khó khăn hơn về tài chính. Mặc dù tổng vốn trong danh mục ủy thác của Trung Quốc đã tăng lên nhưng thị phần của bất động sản lại giảm từ mức 15% trong năm 2019 xuống còn 12% trong tháng 9/2021.

"Trong tương lai, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu nhiều vụ vỡ nợ trái phiếu, khoản vay và các sản phẩm khác xảy ra", ông nói. Theo ông, cách khả dĩ nhất để giảm bớt lo ngại của nhà đầu tư đối với lĩnh vực này là nhà nước rót vốn.

Theo ước tính của Nomura, ngay trong quý I này, các nhà phát triển Trung Quốc sẽ phải đối mặt với khoản thanh toán trái phiếu bằng USD đáo hạn trị giá 19,8 tỷ USD và 18,5 tỷ USD trong quý II. Số tiền trong quý I này gần gấp đôi với mức con số 10,2 tỷ USD trong quý IV vừa qua.

Trong một động thái liên quan, nhằm ngăn chặn các vụ vỡ nợ hàng loạt trên thị trường bất động sản, nguồn tin của Bloomberg cho biết, Trung Quốc đã kêu gọi các ngân hàng đẩy mạnh cho vay bất động sản ngay trong quý I và nới lỏng hạn chế nợ đối với các nhà phát triển bất động sản.

Theo đó, các khoản vay của các doanh nghiệp bất động sản lớn được sử dụng để mua bán và sáp nhập sẽ không còn được tính vào chỉ số "ba lằn ranh đỏ".