Bất động sản thời Covid-19: Giá tăng, dòng vốn chảy vào thị trường giảm

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Báo cáo vừa công bố của Bộ Xây dựng cho thấy giá bán nhà ở trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019. Trong khi đó, dư nợ tín dụng và FDI chảy vào BĐS đều giảm.

Giá bất động sản biến động ra sao thời điểm dịch Covid-19 được kiểm soát?

Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý II/2020. Báo cáo cho thấy, trong kỳ này có 29.674 giao dịch bất động sản thành công.

Trong đó, tại Hà Nội có 1.354 giao dịch thành công, tại TP. HCM có 3.958 giao dịch thành công, đều tăng so với quý trước.

Qua thống kê cho thấy, số lượng nhà ở hoàn thành, đủ điều kiện bán trong quý II/2020 hạn chế, nhiều địa phương trên cả nước nguồn cung nhà ở có xu hướng giảm so với quý trước và cùng kỳ năm 2019.

Riêng tại Hà Nội có 16 dự án, với tổng số 7.408 căn nhà, giảm 21,3% so với quý I/2020. Tại TP.HCM có 8 dự án, với tổng số 3.958 căn nhà, giảm 40%.

Bất động sản thời Covid-19: Giá tăng, dòng vốn chảy vào thị trường giảm - 1

Giá bất động sản phân khúc căn hộ để bán và bất động sản công nghiệp đều tăng.

Đáng lưu ý theo thống kê của Bộ Xây dựng, giá bán nhà ở trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019.

Trong đó tại Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,16% so với quý trước (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,27%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,51%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,77%). Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,01%.

Tại TP.HCM giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25% so với quý trước(trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 0,04%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,64%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,94%). Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,15%.

Đối với bất động sản công nghiệp, Bộ Xây dựng cho biết mặc dù đại dịch Covid-19 gây ra những khó khăn tạm thời cho các doanh nghiệp, tuy nhiên bất động sản công nghiệp nói chung vẫn thu hút khách thuê, giá thuê bất động sản công nghiệp tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Còn đối với phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng mới mở bán rất ít, giá bất động sản du lịch vẫn không thay đổi so với năm 2019; Đối với thị trường mặt bằng bán lẻ do ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh, khó khăn trong kinh doanh, nhiều mặt bằng bị trả lại hoặc các bên có sự đàm phán, điều chỉnh giảm khoảng 30-50% so với giá thuê trước đây, số mặt bằng trống tăng dần.

Dòng vốn tín dụng, FDI vào bất động sản đều giảm

Dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng cho biết tnh đến 31/3/2020 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 526.396 tỷ đồng, giảm 0,87% so với hết tháng 2/2020, tăng 0,87% so với 31/12/2019.

Như vậy theo Bộ Xây dựng, từ cuối năm 2019 và trong 6 tháng đầu năm 2020, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản có xu hướng giảm.

Theo số liệu thống kê, bình quân dư nợ tín dụng trong 5 năm gần đây khoảng 7,3% (trong ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế). Tuy nhiên, tỷ trọng dư nợ tín dụng bất động sản giảm dần trong 5 năm trở lại đây, từ 8,05% xuống còn 6,47% trong năm 2019 và giảm còn 6,3% trong quý I/2020.

Còn về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết đại dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới và trong nước, theo đó các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn.

Vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục giảm trong 6 tháng đầu năm, chỉ bằng 95,1% so với cùng kỳ, song mức độ giảm đang cải thiện dần so với các tháng trước đó.

Đối với nguồn vốn FDI thì trong nhiều năm trở lại, lĩnh vực bất động sản luôn đứng thứ 2 về thu hút nguồn vốn đầu tư FDI (chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo). Tuy nhiên, theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì vốn đăng ký đầu tư trong lĩnh vực bất động sản chỉ đứng thứ 4 với tổng vốn đăng ký gần 850 triệu USD, chiếm khoảng 11% tổng nguồn vốn FDI đăng ký mới.