Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn "loay hoay" tìm cơ hội phục hồi
(Dân trí) - Chính sách visa mới có hiệu lực cùng loạt giải pháp gỡ vướng được Chính phủ ban hành đang tạo thêm động lực cho ngành du lịch phục hồi. Tuy nhiên, thị trường khai thác bất động sản nghỉ dưỡng hiện chưa thể "lội ngược dòng" trong thời gian ngắn.
Loay hoay tìm cơ hội
Dù đã giữa quý III/2023, ngành du lịch cũng như thị trường khai thác bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa phục hồi như kỳ vọng.
Các thủ phủ du lịch nổi tiếng như Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long… chứng kiến cảnh nhiều nhà mặt phố đóng cửa, treo biển cho thuê… dẫu đang mùa cao điểm du lịch.
Nhiều chủ sở hữu cơ sở kinh doanh du lịch đã phải tháo vốn hoặc chuyển hướng sản xuất, kinh doanh. Còn với những đơn vị vận hành chuyên nghiệp, tình hình khai thác cho thuê bất động sản nghỉ dưỡng cũng gặp khó khăn không kém.
Xu hướng du lịch sau đại dịch đã có nhiều thay đổi, cộng thêm tình hình kinh tế khó khăn cục bộ tại nhiều ngành nghề, khiến người dân siết chặt chi tiêu. Các đơn vị vận hành bất động sản nghỉ dưỡng buộc phải thích nghi bằng cách đưa ra các gói ưu đãi nghỉ dưỡng trọn gói, gia tăng thêm các ưu đãi cho khách đoàn đông.
Thậm chí, theo quan sát thị trường, nhiều khu nghỉ dưỡng đã "chiều" du khách hơn như miễn phí, hỗ trợ dịch vụ check-in sớm, check-out muộn… Điều này chưa từng được chứng kiến vào năm 2019, thời điểm du lịch chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Tại nhiều địa phương, loạt các lễ hội lớn được tổ chức như Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023, Lễ hội Festival biển Nha Trang, Carnival Hạ Long 2023… nhằm quảng bá điểm đến và thu hút du khách. Tuy nhiên, các biện pháp kích cầu này vẫn cần thời gian "ngấm" và sự bổ trợ của nhiều lực đẩy cầu du lịch khác.
Xét trên góc độ kinh tế vĩ mô, bức tranh toàn cảnh kinh tế thế giới từ đầu năm tới nay vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các cuộc xung đột quốc tế kéo dài, lạm phát toàn cầu dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Ngân hàng trung ương nhiều quốc gia vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt đã tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tiêu dùng. Điều này khiến lượng khách quốc tế quay trở lại Việt Nam chưa đạt kỳ vọng, đồng thời, mức chi tiêu du lịch cũng thấp hơn trước.
Du lịch nghỉ dưỡng thường là nhóm cuối cùng hồi phục sau những đợt suy thoái. Theo các chuyên gia, thị trường hiện có nhiều tín hiệu lạc quan cho thấy đà phục hồi du lịch nhanh hơn trong thời gian tới.
Kỳ vọng phục hồi
Dù chưa thực sự sôi động như thời hoàng kim - năm 2019, ngành du lịch nghỉ dưỡng vẫn là một trong những thế mạnh của Việt Nam, với lợi thế về điều kiện tự nhiên sở hữu cảnh quan thiên nhiên đa dạng và đường bờ biển dài. Phân khúc khai thác bất động sản nghỉ dưỡng sẽ được hưởng lợi từ sức nóng của du lịch.
Dữ liệu báo cáo mới công bố đầu tháng 8 của HSBC cho thấy sự hồi phục dần của dòng khách quốc tế, ghi nhận 1 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam trong tháng 7, tăng 6,5% so với tháng trước. Du khách từ Trung Quốc đại lục đến Việt Nam dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới khi các chuyến bay được phục hồi.
Sự linh hoạt và dễ dàng hơn trong các quy trình cấp visa cũng là động lực để du lịch đón được nhiều thị trường khách tiềm năng hơn như Ấn Độ, châu Âu. Các chuyên gia nhận định, những thay đổi trong chính sách nới lỏng thị thực bắt đầu được triển khai từ 15/8 chưa tạo ngay kết quả trong thời gian ngắn, nhưng hứa hẹn sẽ tác động tích cực tới ngành du lịch, đưa thị trường khai thác bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2024.
Những chính sách mới của Chính phủ về du lịch, gỡ khó thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, cũng đang tác động tích cực tới ngành "công nghiệp xanh" tại Việt Nam nói chung và thị trường khai thác du lịch nghỉ dưỡng nói riêng.
Cụ thể các quyết sách quan trọng được ban hành để tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản, bao gồm Nghị quyết số 33/NQ-CP về các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Nghị định 10/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai, trong đó có đề cập đến việc cấp chứng nhận sở hữu cho một số loại hình bất động sản như condotel, officetel… Ngoài ra, loạt động thái khác như sửa Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư… cũng được tiến hành. Tổ công tác gỡ khó cho thị trường cũng đã được thành lập.
Sự quyết tâm của Chính phủ cùng những quy định mới này được kỳ vọng sẽ giúp dần khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng, tiếp sức đà tăng trưởng cho phân khúc này thời gian tới.
Dù còn tồn tại một số yếu tố ảnh hưởng của kinh tế vĩ mô thế giới, hay các cuộc xung đột quốc tế hiện nay, năm 2024 hứa hẹn sẽ lạc quan hơn cho du lịch cũng như kinh doanh, khai thác bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam.