Bất động sản Hồng Kông khủng hoảng, nhà đầu tư mất trắng 1,5 triệu USD

(Dân trí) - 1,5 triệu USD là tổng số tiền mà 19 khách hàng tại Hồng Kông đã phải “ném tiền qua cửa sổ” khi lỡ đặt cọc mua nhà vào thời điểm giá bất động sản chạm đỉnh vào năm 2018.

Bất động sản Hồng Kông khủng hoảng, nhà đầu tư mất trắng 1,5 triệu USD - 1

Theo South China Morning Post, đến nay đã có 19 người mua hủy bỏ các giao dịch mua nhà dù đã đặt cọc từ trước, chấp nhận “vứt” đi 11,83 triệu đôla Hồng Kông, tương đương 1,53 triệu USD. Các hợp đồng mua nhà này được ký kết hồi tháng 6 năm 2018, thời điểm đỉnh cao của thị trường bất động sản Hồng Kông.

Có 9 căn hộ thuộc dự án Solaria của K Wah International tại quận Tai Po. Trước đó, có 10 trường hợp khác bị mất cọc do người mua từ bỏ hợp đồng tính đến ngày 29/4.

Tính từ đầu năm nay, đã có hơn 100 trường hợp bỏ cọc mua nhà.

Nền kinh tế Hồng Kông đang lao dốc nghiêm trọng kể từ thời kỳ đỉnh cao tháng 6/2018. Thương chiến Mỹ - Trung kéo dài 2 năm, các cuộc biểu tình chống chính phủ và sự bùng phát của dịch cúm Covid-19 đã đẩy nền kinh tế Hồng Kông rơi vào suy thoái trong 2 quý qua.

Quốc hội Trung Quốc ngày 22/5 đã bàn về dự thảo luật an ninh liên quan đặc khu kinh tế Hồng Kông. Nếu được thông qua, dự luật này sẽ cho phép Trung Quốc trực tiếp kích hoạt luật an ninh vốn bị phản đối ở Hong Kong lâu nay, không cần cơ quan lập pháp của Hồng Kông phê chuẩn.

Động thái này đã làm gia tăng thêm sự hỗn loạn của các cuộc biểu tình, dấy lên lo ngại về sự ổn định của thị trường bất động sản Hồng Kông trong thời gian tới đây.

Chỉ số Centa-City Leading Index, chỉ số giá theo thời gian của Centaline cho các ngôi nhà đã qua sử dụng, giảm khoảng 5% từ tháng 6/2018 đến nay. Từ tháng 6/2019, chỉ số này đã giảm khoảng 6,8%.

Bất động sản Hồng Kông khủng hoảng, nhà đầu tư mất trắng 1,5 triệu USD - 2
Dự án Solaria tại quận Tai Po. Ảnh: SCMP.

Theo ông Ray Au- Giám đốc bán hàng cấp cao của Công ty bất động sản Centaline Property, nhu cầu mua nhà ở Hong Kong giảm rất mạnh so với hai năm trước. Người mua gặp một số vấn đề với các khoản thế chấp và tiền mặt.

“Một vài người mua cảm thấy bi quan về triển vọng thị trường, trong khi số khác có cuộc sống thay đổi vì tình trạng thất nghiệp gia tăng ở Hồng Kông”, ông nói thêm.

Hầu như mọi dự án nhà đất đều ghi nhận trường hợp khách bỏ cọc. Tuy nhiên, tỷ lệ phần trăm khách hủy hợp đồng thường thấp so với tổng số căn hộ bán ra của dự án. 19 trường hợp bỏ cọc tại Solaria là con số khá lớn và bất thường.

Theo ông Thomas Lo, Giám đốc tài sản tại Century 21 Deluxe Home, những trường hợp hủy mua và mất cọc như vậy là phổ biến khi có sự thay đổi đột ngột trong tâm lý thị trường và với các loại tài sản có thời gian giải quyết lâu dài.

Các trường hợp bỏ cọc gần đây xảy ra sau khi chính quyền Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông.

Ông Willy Liu, Giám đốc điều hành Ricacorp Properties cho biết điều đó có thể khiến người mua lo lắng và quyết định rút vốn khỏi thị trường Hồng Kông. Ông Liu nhấn mạnh:“Thị trường chứng khoán đã giảm hôm 22/5, làm giảm niềm tin của người mua. Các cuộc biểu tình cũng sẽ tác động xấu đến giao dịch nhà đất”.

Hương Vũ

Theo SCMP