Bất động sản gặp khó, “ông lớn” ngành xây dựng Coteccons đặt kế hoạch đi lùi

(Dân trí) - Chủ tịch Coteccons - ông Nguyễn Bá Dương cho biết, năm 2018 là một năm đầy khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản do chính sách về quản lý đất công ngày càng được thắt chặt, gây ảnh hưởng lớn đến việc cấp phép và phê duyệt dự án mới...

ctc.jpg
Ngay cả khi hoàn thành mục tiêu đặt ra, Coteccons vẫn sẽ có 2 năm liên tiếp chịu cảnh sa sút về lợi nhuận.

Công ty CP xây dựng Coteccons (Mã chứng khoán: CTD) vừa công bố tài liệu ĐHCĐ thường niên năm 2019. Theo đó, “ông lớn” ngành xây dựng đã đặt ra kế hoạch kinh doanh thụt lùi cho năm nay.

Cụ thể, Coteccons đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 27.000 tỷ đồng, giảm hơn 1.500 tỷ đồng so với doanh thu năm trước (tương đương 5,5%); lợi nhuận hợp nhất 1.300 tỷ đồng, giảm 210 tỷ đồng (tương đương 14%).

Như vậy ngay cả khi hoàn thành mục tiêu đặt ra, Coteccons vẫn sẽ có 2 năm liên tiếp chịu cảnh sa sút về lợi nhuận.

Trước đó, báo cáo tài chính năm 2018 công bố cho thấy lợi nhuận của Coteccons bắt đầu sụt giảm sau nhiều năm liền tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, lợi nhuận Coteccons giảm hơn 10%, xuống mức 1.500 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu là do biên lợi nhuận gộp của Coteccons ngày càng thấp trong khi doanh thu đang tăng chậm lại và giá vốn tăng cao.

Trong báo cáo thường niên, Chủ tịch Coteccons - ông Nguyễn Bá Dương đã lên tiếng lý giải về khó khăn của công ty.

Ông này cho biết, năm 2018 là một năm đầy khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản do chính sách về quản lý đất công ngày càng được thắt chặt, gây ảnh hưởng lớn đến việc cấp phép và phê duyệt dự án mới.

Bên cạnh đó chủ đầu tư còn đứng trước nhiều thách thức khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản. Vì vậy đa số công ty xây lắp rơi vào tình trạng thiếu nguồn công việc, không thể hoàn thành sản xuất kinh doanh.

Theo ông Bá Dương, là một doanh nghiệp xây dựng, Coteccons cũng không ngoại lệ. Ông chủ của nhà thầu lớn này thừa nhận “dù công ty vẫn hoàn thành kế hoạch đặt ra nhưng tốc độ tăng trưởng không bằng những năm trước đó”.

Điều đáng lưu ý, với bản kế hoạch mới được công bố của Coteccons thì có thể thấy “ông lớn” ngành xây dựng dự đoán khó khăn sẽ vẫn còn tiếp diễn, cả doanh thu lẫn lợi nhuận không những khó cải thiện mà còn đi xuống.

Đứng trước triển vọng kinh doanh không mấy sáng sủa, cổ phiếu Coteccons cũng ảm đạm trong một năm trở lại đây. Chốt phiên ngày 29/3, cổ phiếu CTD còn ở mức 143 nghìn đồng/cp.

HSC từng đưa ra báo cáo đánh giá Coteccons hiện nay chỉ có 2 động lực tích cực, thứ nhất là triển vọng sáp nhập với các công ty liên quan và thứ hai là sự lấn sân sang các dự án phát triển bất động sản thương mại và cơ sở hạ tầng.

Trong tờ trình Đại hội Cổ đông sắp tới, Coteccons cũng đã đưa phương án hoán đổi cổ phiếu để sở hữu 100% cổ phần Ricons. Sau khi thực hiện hoán đổi cổ phiếu, Coteccons sẽ sở hữu 100% Ricons và chuyển đổi Ricons từ Công ty Cổ phần thành Công ty TNHH một thành viên.

Kế hoạch này từng được Conteccons đưa ra từ năm trước nhưng đã dời lại sang năm nay. Theo Coteccons, việc sở hữu Ricons sẽ giúp Coteccons tạo lợi thế cạnh tranh về quy mô, tăng năng lực triển khai các dự án lớn và đặc biệt lớn, thúc đẩy việc tăng doanh thu và lợi nhuận công ty.

Nguyễn Mạnh

banner_chan-bai.gif