Bất động sản công nghiệp đỡ nóng, đất nền lao dốc, nghỉ dưỡng vẫn trầy trật
(Dân trí) - Theo báo cáo công bố của một số tổ chức nghiên cứu thị trường bất động sản, hầu hết phân khúc bất động sản đều gặp khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4.
Bất động sản nghỉ dưỡng còn khó dài dài
Nếu những tháng cuối năm 2020 và quý I năm nay ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan cho việc khôi phục thị trường bất động sản thì với làn sóng Covid-19 thứ 4 bất ngờ bùng phát mạnh mẽ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước vừa qua, thị trường bất động sản lại tiếp tục khó khăn, ảm đạm.
Cụ thể, với lĩnh vực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, báo cáo vừa công bố của Savills dự báo 6 tháng cuối năm, ảnh hưởng kéo dài từ 3 đợt dịch trước đó khiến phân khúc này vẫn chịu những ảnh hưởng nặng nề cho dù tình hình dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả.
Trong khi đó, thị trường bán lẻ, các trung tâm thương mại, siêu thị truyền thống cũng sẽ gặp khó khăn lớn khi phải cạnh tranh với những phương pháp bán hàng trực tuyến, các nền tảng công nghệ tiên tiến.
Về bất động sản cao ốc văn phòng, chuyên gia Savills nhận định đây là phân khúc nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong nhiều năm nay. Khi thị trường hồi phục, với nguồn cung hạn chế về phân khúc hạng A, hạng B tại các tỉnh thành như TPHCM, Hà Nội, thị trường hiện nay không có nhiều tòa nhà sẵn sàng để bán cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Riêng về thị trường bất động sản công nghiệp, TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam cho biết, sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước dành cho Việt Nam vẫn hiện hữu. Tuy nhiên, thị trường vẫn sẽ gặp hạn chế về vấn đề đi lại, giới hạn các chuyến bay, khiến cho việc đầu tư vào bất động sản công nghiệp Việt Nam có những hạn chế nhất định, không như kỳ vọng của thị trường.
"Trước đây, chúng ta kì vọng rằng bất động sản công nghiệp là điểm nóng của thị trường, với điều kiện kinh tế bình thường. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, sự bùng phát trở lại của Covid-19 tại Việt Nam cũng như các vấn đề thông quan đã trở thành một trở ngại khiến các nhà đầu tư cân nhắc khi muốn đầu tư vào bất động sản công nghiệp Việt Nam", ông Khương nhận định.
Ngoài ra, theo vị này, sự phát triển của phân khúc này còn phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng, cũng như tốc độ giải ngân của các nhóm chính sách công, đây chính là yếu tố then chốt giúp bất động sản công nghiệp Việt Nam đạt được thuận lợi, giúp các nhà đầu tư quyết định đầu tư vào khu công nghiệp.
Đất nền giảm mạnh, căn hộ ra sao?
Trong khi đó, đất nền - phân khúc được cho là cực "nóng" hồi đầu năm nay cũng hạ nhiệt. Theo báo cáo của Batdongsan.com.vn, so với tháng 4, mức quan tâm tháng 5 giảm 19% chung cho toàn thị trường.
Đây cũng là mức giảm của thị trường Hà Nội và TPHCM. Các tỉnh/thành có mức độ quan tâm giảm sâu nhất là Bắc Giang (49%), Bắc Ninh và Hà Nam (46%), Vĩnh Phúc (38%), Đà Nẵng (36%), Quảng Nam (35%).
Cũng theo thống kê, tại TPHCM, lượng quan tâm tìm kiếm đất nền giảm 18% trong khi sản phẩm đất nền dự án giảm đến 29% chỉ trong vòng một tháng. Xu hướng tìm kiếm đất nền giảm mạnh ở các khu vực vùng ven như TP Thủ Đức, quận Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn và Cần Giờ.
Không chỉ TPHCM, nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam cũng cùng "số phận" khi loại hình đất nền gần như đều có nhu cầu tìm mua đi xuống.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, áp lực của thị trường trong bối cảnh các ngành kinh tế khác tiếp tục khó khăn, nguồn cung chính thống tại thị trường sơ cấp không nhiều nên dù tỷ lệ hấp thụ của thị trường thấp, giá đất nền vẫn sẽ khó giảm.
Tuy nhiên, khác với các năm trước đây, ông Quốc Anh cho rằng giới đầu tư bất động sản thận trọng và suy tính dài hạn hơn trong bài toán tài chính. Họ gần như ít chấp nhận khoản lỗ lớn và lộ trình tài chính rõ ràng nên sẽ không bán tháo với giá quá thấp. Trong trường hợp thị trường hạ nhiệt, giao dịch giảm thì giới đầu tư cũng chỉ chấp nhận ra hàng với tầm giá ít nhất bằng giá mua vào, nếu có thì cũng chỉ giảm nhẹ. Do đó, giá thị trường sẽ tiếp tục đi ngang, ít nhất là trong 2 quý tới đây.
Theo nhận định của ông Sử Ngọc Khương, trong kịch bản thị trường hồi phục, bất động sản nhà ở sẽ là thị trường sôi động nhất vì nhu cầu thực về nhà ở vẫn là nhu cầu bức thiết của người dân. Song, mức độ hấp thụ của thị trường sẽ không cao bằng những năm trước đây vì người dân mua nhà để ở thường phải sử dụng một phần vốn vay ngân hàng như là vốn chủ sở hữu.
"Với tình hình hiện tại, khi nhiều người bị hạn chế về thu nhập, mất việc hoặc giảm lương, không có nhiều nguồn tích lũy, sức mua trên thị trường sẽ khiêm tốn hơn so với các năm trước, chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà ở có giá trị vừa phải tại các đô thị lớn trên toàn quốc", ông Khương nói.
Như một lời khuyên dành cho các nhà đầu tư cá nhân trong nửa cuối năm nay, ông Sử Ngọc Khương đưa ra một số điểm cần lưu ý: "Mỗi nhà đầu tư có nhu cầu khác nhau, kì vọng khác nhau, điều kiện tài chính khác nhau, nhưng đây vẫn là thời điểm tốt để các nhà đầu tư tham gia vào thị trường. Tuy nhiên, vấn đề pháp lý, năng lực tài chính, cân đối quản trị rủi ro trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn vẫn là những yếu tố cần được cân nhắc khi quyết định đầu tư".