Bất động sản cho thuê gặp khó: Xuất hiện cuộc tháo chạy khỏi “đất vàng”

(Dân trí) - Giới thuê mặt bằng “tháo chạy” khỏi những khu "đất vàng" vì Covid-19; Giá nhà tăng, lợi nhuận doanh nghiệp địa ốc vẫn teo tóp... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Hàng loạt mặt bằng treo biển cho thuê tại TPHCM

Giới thuê mặt bằng “tháo chạy” khỏi những khu "đất vàng" vì Covid-19

Nhiều doanh nghiệp, người dân đang kinh doanh trên đường Phan Xích Long cũng đã trả mặt bằng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong khi trước đây, đường Phan Xích Long được coi là vị trí “vàng” và sầm uất nhất quận Phú Nhuận. Đây là điểm đến của hàng loạt thương hiệu lớn về ẩm thực, đồ uống, dịch vụ, giải trí…

Theo ghi nhận của Dân trí, chỉ trong vòng vài trăm mét đã có hàng chục mặt bằng treo biển cho thuê. Thậm chí, có đoạn đường chỉ hơn 20m đã có đến 3 mặt bằng treo biển cho thuê. Khi các mặt bằng chưa có chủ mới thì đây là điểm đậu xe lý tưởng của giới xe ôm công nghệ.

Tuy nhiên, việc kiếm khách thuê trong mùa dịch Covid-19 là điều không dễ dàng.

Giá nhà tăng, lợi nhuận doanh nghiệp địa ốc vẫn teo tóp: Điều gì xảy ra?

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, khó khăn đối với doanh nghiệp bất động sản từ năm 2018. Trong 2 năm 2018-2019, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, quy mô thị trường và nguồn cung giảm mạnh, hàng loạt doanh nghiệp giảm doanh thu và lợi nhuận, giá nhà tăng, đông đảo người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư ngày càng khó tạo lập nhà ở.

Bất động sản cho thuê gặp khó: Xuất hiện cuộc tháo chạy khỏi “đất vàng” - 1

Doanh nghiệp BĐS gặp khó.

Ông Châu cho biết: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình nêu trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Cùng với đó, nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, điều này dẫn đến việc đùn đẩy giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước, chưa đảm bảo một quy trình liên thông, đồng bộ.

“Những điều này, nếu không được giải quyết kịp thời sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, làm giảm nguồn thu ngân sách”, ông Lê Hoàng Châu nói.

Lợi nhuận nghìn tỷ, đại gia bất động sản vẫn “cay đắng” với dòng tiền âm

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) cho thấy đại gia bất động sản này tiếp tục có dòng tiền thuần hoạt động kinh doanh âm trong năm vừa qua.

Bất động sản cho thuê gặp khó: Xuất hiện cuộc tháo chạy khỏi “đất vàng” - 2

Tình trạng này đã diễn ra ở Đất Xanh từ năm 2016 đến nay vẫn chưa được cải thiện.

Cụ thể, lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động kinh doanh năm 2019 là -1.645 tỷ đồng, chủ yếu do tăng các khoản phải thu và tăng hàng tồn kho.

Trong khi kết quả kinh doanh có mức tăng trưởng 25% về doanh thu thuần (đạt 5.813 tỷ đồng) và 9,5% về lợi nhuận sau thuế (đạt 1.886 tỷ đồng), các khoản mục phải thu và hàng tồn kho của doanh nghiệp này cũng tăng mạnh.

Cho làm căn hộ 25m2: Không phải doanh nghiệp nào cũng hào hứng

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VIDEC cho rằng, việc hợp thức hóa căn hộ diện tích 25m2 giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc mở rộng phân khúc, đa dạng hoá khách hàng.

Mặc dù vậy, nói với Dân trí, ông Dũng cho rằng, không phải doanh nghiệp nào cũng mặn mà, hào hứng. “Tuỳ từng doanh nghiệp với các vị trí dự án cụ thể sẽ tính toán việc có nên xây căn hộ với diện tích này không”, ông Dũng nói.

Bất động sản cho thuê gặp khó: Xuất hiện cuộc tháo chạy khỏi “đất vàng” - 3
Việc cho phép diện tích căn hộ tối thiểu 25m2 nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Theo quan sát của ông Dũng, căn hộ diện tích bé 25m2 chỉ phù hợp với dự án nằm trong vùng lõi trung tâm, các khu công nghiệp, khu lao động thu nhập thấp...

Còn ở các khu khác sẽ khá “kén" khách hàng bởi đối với một gia đình thông thường với hai vợ chồng cùng con cái khi sống trong một căn hộ diện tích siêu bé như vậy sẽ gặp nhiều bất tiện. Thay vì mua căn hộ quá bé, họ sẽ phấn đấu mua căn hộ diện tích lớn hơn bằng các hình thức khác nhau.

Chủ khách sạn Sheraton Đà Nẵng báo lỗ hàng trăm tỷ đồng

Công ty CP Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương (mã CK: BDP) với vốn điều lệ 250 tỷ đồng là chủ sở hữu, vận hành khách sạn có quy mô rất lớn tại Đà Nẵng - Sheraton Grand Danang Resort.

Bất động sản cho thuê gặp khó: Xuất hiện cuộc tháo chạy khỏi “đất vàng” - 4
Công ty CP Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương (UpCom: BDP) là chủ một trong những khách sạn có quy mô lớn nhất tại TP. Đà Nẵng mang thương hiệu Sheraton Grand Danang Resort.

Khách sạn Sheraton Grand Danang Resort chính thức khai trương vào ngày 25/2/2018. Trong BCTC quý 4/2019 được công bố, kết quả kinh doanh của BDP không mấy sáng sủa.

Cụ thể, doanh thu thuần quý 4/2019 công ty này đạt gần 90 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Tuy nhiên do giá vốn hàng bán tăng mạnh khiến lãi gộp chỉ đạt 20,6 tỷ đồng. Cùng với đó là các khoản tăng về chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng, kết quả BDP báo lỗ 30,8 tỷ đồng trong quý 4/2019.

Tính chung cả năm 2019, doanh thu công ty đạt 382 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2018. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn lỗ 143,5 tỷ đồng. Trước đó, năm 2018 công ty này cũng báo lỗ 178,4 tỷ đồng.

 Nguyễn Khánh (Tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm