Bất động sản Bình Dương: Dọn "tổ" cho “đại bàng” đến đầu tư

Quế Sơn

(Dân trí) - Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là 4 tỉnh miền Đông Nam Bộ cần xây dựng “tổ” lớn để đón “đại bàng” đến đầu tư không chỉ trong lĩnh vực bất động sản.

Cần tạo ra sức bật

Phát biểu tại một hội thảo mới đây, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, theo định hướng đến năm 2021-2025, nơi đây sẽ tiếp tục xây dựng trở thành đô thị văn minh hiện đại, thành một trung tâm hàng đầu của cả nước và khu vực, trong đó chắc chắn có liên quan đến lĩnh vực bất động sản.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Bình Dương cũng xác định luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Nhờ vậy, tỉnh này đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, an sinh xã hội.

“Đặc biệt là các hoạt động về bất động sản, xây dựng nhà ở có nhiều khởi sắc. Đối với lĩnh vực bất động sản còn nhiều vấn đề để tỉnh Bình Dương tiếp tục quan tâm. Tỉnh luôn lắng nghe những đóng góp của các chuyên gia bất động sản để định hướng tốt hơn trong tương lai…”, ông Trúc chia sẻ.

Bất động sản Bình Dương: Dọn tổ cho “đại bàng” đến đầu tư - 1
Bình Dương có đủ điều kiện để phát triển thành một đô thị văn minh hiện đại

PGS.TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam) cho rằng, tỉnh Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bình Dương là nơi kết nối toàn cầu chứ không chỉ riêng gì ở trong nước.

Tuy nhiên, từ trước đến nay tính kết nối của tỉnh chỉ ở mức bình thường nên cần phát huy lợi thế này hơn trong tương lai; đồng thời, cần có cơ chế chính sách để tỉnh Bình Dương phát triển hơn nữa. Đây là thời điểm cần tạo ra sức mạnh, sức bật cho tỉnh Bình Dương phát triển xứng tầm.

Cũng theo ông Thiên, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế trên thế giới và trong nước. Vì vậy cần phải có thời gian dài để phục hồi lại được như trước. Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức và cơ hội để tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới khi đã khống chế thành công dịch bệnh.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là 4 tỉnh miền Đông Nam Bộ gồm: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cần xây dựng “tổ” lớn để đón “đại bàng” đến đầu tư không chỉ trong lĩnh vực bất động sản.

Theo ông Thiên, tỉnh Bình Dương cần tính đến việc xây dựng đô thị ngầm chứ không chỉ phát triển đô thị trên mặt đất, đồng thời tạo một không gian mở để đón các nhà đầu tư đến, nhất là các nhà đầu tư bất động sản đô thị, bất động sản công nghiệp.

“Chúng ta đang hội nhập tốt để đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước… Trong lĩnh vực bất động sản, Bình Dương là một ví dụ điển hình trong việc thu hút các nhà đầu tư. Bình Dương cần quan tâm hơn về kết nối hạ tầng, cơ chế chính sách để thúc đẩy sự phát triển hơn nữa”, ông Thiên cho hay.

Bất động sản Bình Dương: Dọn tổ cho “đại bàng” đến đầu tư - 2
Thị trường bất động sản cần phải lựa chọn nhà đầu tư để phát triển bền vững

Cần chọn đúng nhà đầu tư

Ông Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch HĐQT một tập đoàn bất động sản cho rằng, khi Bình Dương mở rộng và phát triển thì rất nhiều chuyên gia sẽ đến địa phương này làm việc.

Theo thống kê, toàn tỉnh Bình Dương hiện có khoảng 50.000 chuyên gia, kỹ sư nước ngoài và gần 1 triệu công nhân kỹ thuật cao, kỹ sư trong nước. Mỗi năm nguồn lực này tăng từ 20-25%, trong đó đội ngũ kỹ sư, chuyên gia có nguồn thu nhập cao nên đòi hỏi về chất lượng không gian sống sẽ khắt khe. Vì thế, Bình Dương là địa phương có nhiều tiềm năng và sẽ có nhiều dự án đầu tư trong tương lai.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, tầm nhìn quy hoạch của địa phương quyết định thu hút các nhà đầu tư. Hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài họ không đến đầu tư đơn lẻ, họ đến đầu tư cùng với các nhà đầu tư khác đi cùng (teamwork). Do đó, đây không chỉ là cơ hội để các địa phương mời gọi nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, mà còn là cơ hội để các nhà đầu tư ở những lĩnh vực khác đầu tư vào.

Vấn đề trách nhiệm của quản lý của địa phương, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng cho rằng, địa phương cần công bố công khai thông tin các dự án đủ điều kiện hoặc không đủ điều kiện để người dân biết.