Bất động sản 2020: Đất nền hạ nhiệt, nhiều nơi nóng bỏng trở nên trầm lắng

(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp địa ốc sẽ phải tiếp tục đối mặt những khó khăn từ pháp lý, nguồn cung... trong năm 2020. Ở một số phân khúc như đất nền, bất động sản nghỉ dưỡng... sẽ hạ nhiệt.

Bất động sản 2020: Đất nền hạ nhiệt, nhiều nơi nóng bỏng trở nên trầm lắng - 1
Thị trường bất động sản 2020 dự báo tiếp tục phát triển ổn định, bền vững.

Triển vọng, thách thức nào cho thị trường bất động sản năm 2020 là câu hỏi được quan tâm trước thềm năm mới.

PV Dân trí đã thực hiện một số ghi nhận từ một số chuyên gia để mang đến cho độc giả thêm những dự báo về thị trường.

Bất động sản du lịch tại nhiều địa phương chững lại, trầm lắng hơn

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng dự báo thị trường bất động sản năm 2020 sẽ không có nhiều biến động, nhu cầu về nhà ở tiếp tục gia tăng, đặc biệt đối với phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.

Nhìn chung, thị trường bất động sản 2020 sẽ tiếp tục phát triển ổn định, bền vững.

Đối với thị trường bất động sản Hà Nội, nguồn cung bất động sản nhà ở duy trì ổn định, nguồn cung mới vẫn chủ yếu ở phân khúc trung cấp, giá bất động sản tăng 1-2%.

Tại TP.HCM, nguồn cung bất động sản nhà ở giảm do không có nhiều dự án mới được phê duyệt triển khai, đặc biệt đối với phân khúc nhà ở giá thấp, giá bất động sản tăng 4-5%.

Đối với thị trường bất động sản đất nền khu vực các tỉnh miền Đông Nam Bộ, sau diễn biến từ vụ việc của Công ty Alibaba, công tác quản lý chính quyền sẽ chặt chẽ hơn, khó có dự án mới ra hàng. Nhà đầu tư và người tiêu dùng đều e ngại việc mua – bán bất động sản đất nền, dự báo nguồn cung và lượng giao dịch đất nền có thể sụt mạnh.

Với thị trường bất động sản du lịch tại một số địa phương như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Nam, Kiên Giang… dự báo thị trường tiếp tục chững lại, trầm lắng hơn so với giai đoạn 2017 – 2018.

“Đau đầu” câu chuyện pháp lý, vốn

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, năm 2020 tính thanh khoản của thị trường vẫn tiếp tục cao, giao dịch thành công 70-90%. Tuy nhiên cung vẫn thiếu hụt so với cầu.

Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam quý III/2019 thị trường bất động sản vẫn đi theo chiều hướng giảm nhất là 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Cụ thể, tại TP.HCM chỉ có 5 dự án được mở mới so với con số 20 - 30 dự án mở mới mỗi năm.

Hà Nội con số có khá hơn TP.HCM một chút nhưng nhìn chung vẫn ít. Số lượng dự án được phê duyệt đưa vào thị trường rất kém. Chính vì thiếu hụt nguồn cung như vậy nên khả năng giá bất động sản sẽ bị đẩy lên cao.

Vấn đề pháp lý sẽ vẫn là vấn đề lớn trong năm 2020. Pháp lý ở đây không chỉ ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng mà cả ở phân khúc nhà ở.

Việc sửa Luật đai đai chưa chắc đã xong trong năm 2020. Có sửa được cũng phải cuối năm, mà không biết đầu năm có trình được hay không. Khả năng dự án nhà ở trong năm 2020 tiếp tục khó khăn.

Không chỉ yếu tố pháp lý, vốn cũng là một vấn đề lớn đối với doanh nghiệp trong năm 2020. Không chỉ thắt nguồn vốn tín dụng vào bất động sản, ngay cả phát hành trái phiếu cũng sẽ theo hướng siết lại do quy định của Luật chứng khoán (sửa đổi).

Mặc dù khó vậy nhưng các nhà đầu tư vẫn sống được là do cách thức “bán nhà trên giấy”, đó là phương thức cứu vốn cho thị trường bất động sản. Suy cho cùng, vấn đề lớn nhất đối với doanh nghiệp vẫn là pháp lý.

Khan hiếm nguồn cung

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới Việt Nam cho rằng năm 2020 vẫn giữ nhịp như năm 2019, theo đó cầu vẫn sẽ rất tốt.

Tuy nhiên thị trường vẫn đối mặt với nhiều rủi ro thách thức đến từ việc nguồn cung có thể vẫn khan hiếm, vốn cũng hạn chế chặt chẽ hơn từ phía ngân hàng. Giá nhà có xu hướng tăng do khan hàng. Đây là vấn đề không ổn định cho thị trường.

Khi cầu mạnh như vậy mà cung không theo kịp thì là điều phải cảnh báo. Thành phố Hà Nội dự báo sẽ hết hàng sớm hơn TP.HCM. Còn nếu năm 2020, cung của thị trường vẫn nhiều thì sẽ một năm vẫn tốt đẹp.

Tuy nhiên, cần phải rà soát lại cung không chỉ ở hai thành phố lớn mà còn ở ở các thị trường bất động sản đang phát triển vài năm trở lại đây. Chính phủ cần phải thúc đẩy tiến trình này, nếu không tôi lo rằng 1-2 năm nữa thị trường sẽ gặp vấn đề quan trọng.

Chính chính sách đã làm hạn chế nguồn cung và làm tăng giá bất động sản. Khi đó thị trường không bình thường, cơ hội cho đối tượng nghèo, chính sách tiếp cận nhà ở ít hơn.

Nguyễn Mạnh

Bất động sản 2020: Đất nền hạ nhiệt, nhiều nơi nóng bỏng trở nên trầm lắng - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm