1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Bán phòng 100 triệu đồng/đêm, chủ Six Senses Ninh Van Bay vẫn lỗ đầm đìa

Mộc An

(Dân trí) - Six Senses Ninh Van Bay là một trong các khu nghỉ dưỡng siêu sang với những căn villa giá thuê tới hơn 100 triệu đồng/đêm. Tuy vậy, doanh nghiệp sở hữu dự án vẫn lỗ lũy kế tới hơn 700 tỷ đồng.

Với không ít người, được đặt chân và nghỉ qua đêm tại những khu nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao có lẽ là ước mơ cả đời.

Ví dụ giá cho một đêm nghỉ tại biệt thự tựa núi, view biển tại Six Senses Ninh Van Bay vào ngày 8/3 tới đây lên tới hơn 125 triệu đồng.

Bán phòng 100 triệu đồng/đêm, chủ Six Senses Ninh Van Bay vẫn lỗ đầm đìa - 1

Giá nghỉ tại một căn villa của Six Senses Ninh Van Bay vào ngày 8/3 là hơn 125 triệu đồng (Ảnh chụp màn hình).

Tuy nhiên, điều bất ngờ là dù thu "khủng" tới cả trăm triệu đồng cho một biệt thự mỗi đêm nhưng Công ty cổ phần Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay (mã: NVT), chủ sở hữu của khu nghỉ dưỡng sang chảnh bậc nhất Việt Nam, vẫn lỗ lớn.

Số liệu từ báo cáo tài chính cho thấy năm 2022 doanh thu thuần của Ninh Vân Bay đạt 337 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 17 tỷ đồng so với mức lỗ tới 62 tỷ đồng của năm trước đó, do sự phục hồi mạnh mẽ của các hoạt động du lịch trong nước và quốc tế.

Mặc dù vậy, tại thời điểm cuối năm 2022, doanh nghiệp này ghi nhận khoản lỗ lũy kế tới 742 tỷ đồng. Trong khi đó vốn điều lệ của Ninh Vân Bay là 905 tỷ đồng. Năm 2021, đơn vị này cũng ghi nhận lỗ lũy kế 704 tỷ đồng. Tại sao lại có điều này?

Doanh thu "khủng" nhưng vẫn lỗ hàng vài trăm tỷ đồng

Nhìn vào lịch sử kinh doanh của Ninh Vân Bay, năm 2017, 2015, doanh nghiệp này ghi nhận khoản lỗ ròng hàng trăm tỷ đồng. Những năm khác, doanh nghiệp có lãi, nhưng khoản này cũng chỉ khoảng vài chục tỷ đồng, khiến doanh nghiệp chật vật trong khoản lỗ lũy kế.

Câu hỏi đặt ra là năm 2017 vì sao doanh thu của Ninh Vân Bay đạt 232 tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước đó nhưng vẫn lỗ "khủng" tới 456 tỷ đồng? Lý do là chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp hơn 5 lần, từ mức 60 tỷ đồng lên 311 tỷ đồng.

Trong đó, đáng chú ý nhất là khoản lỗ từ chuyển nhượng công nợ phải thu về cho vay với Công ty cổ phần Du lịch Tân Phú lên tới 246 tỷ đồng. Nguồn cơn của sự việc đến từ việc tháng 11/2017, công ty này cần tiền để thanh toán nghĩa vụ khoản trái phiếu 230 tỷ đồng đến hạn. Lô trái phiếu trên có kỳ hạn 3 năm được Ninh Vân Bay phát hành tháng 11/2014 cho Công ty TNHH Nam Thành. Sau đó, công ty này chuyển nhượng lại toàn bộ cho Techcombank. Lãi suất trái phiếu là 12%/năm cho 2 kỳ tính lãi đầu tiên. Các kỳ tiếp theo, lãi suất là 3,5% cộng với lãi suất cơ sở của Khối ngân hàng bán buôn thuộc Techcombank.

"Bán rẻ" các khoản phải thu về cho vay

Để có nguồn tài chính, tháng 4/2017, Ninh Vân Bay thông qua việc chuyển nhượng vốn đầu tư tại dự án Emeralda Ninh Bình. Đến tháng 6 năm này, Ninh Vân Bay quyết định chuyển nhượng toàn bộ các khoản công nợ phải thu về cho vay và tiền lãi vay của Công ty cổ phần Du lịch Tân Phú. Theo đó, công ty đã thực hiện chuyển nhượng toàn bộ công nợ phải thu về cho vay và lãi vay phải thu với Công ty Tân Phú cho một đối tác với giá phí chuyển nhượng là 60 tỷ đồng và đã ghi nhận lỗ từ việc chuyển nhượng này trong năm 2017.

Hiểu một cách đơn giản, Ninh Vân Bay bán rẻ lại các khoản phải thu về cho vay và ghi nhận khoản lỗ 246 tỷ đồng cuối năm 2017 để có tiền trả nợ trái phiếu.

Ngoài khoản lỗ năm 2017, trước đó công ty này đã từng lỗ ròng 126 tỷ đồng năm 2015. Nguyên nhân là doanh thu thuần trong năm này ghi nhận 96 tỷ đồng, giảm 54% trong khi chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng vọt.

Tiền thân của Ninh Vân Bay là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tuấn Phong, được thành lập năm 2006 tại Hà Nội và hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, mua bán vật liệu xây dựng, nội thất. Năm 2009, Công ty Tuấn Phong đổi tên, tái cấu trúc và hợp nhất 2 đơn vị thành viên để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp. 2009 cũng là năm công ty khởi công dự án Six Senses Sai Gon River tại tỉnh Đồng Nai.

Cổ phiếu NVT của Ninh Vân Bay rơi vào trình trạng cảnh báo. Mới đây, công ty cho biết đang triển khai các biện pháp để khắc phục như xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, tăng cường công tác giám sát, tiết kiệm chi phí, cân nhắc đầu tư thận trọng để đảm bảo sự ổn định của dòng tiền.