Bãi Dài - Cam Ranh: Thủ phủ du lịch mới
(Dân trí) - Nhắc tới du lịch Khánh Hòa, thành phố Nha Trang không còn là cái tên duy nhất. Bãi Dài – Cam Ranh đã bước đầu xác lập vị thế mới của mình, với tư cách trung tâm du lịch cao cấp của quốc gia…
Trong diện mạo khác
Bãi Dài – Cam Ranh, Vân Đồn hay Ninh Thuận từng có điểm chung: sở hữu nhiều chục km bãi biển, đảo và cảnh quan tự nhiên đẹp mê hồn nhưng ngành du lịch phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Trong quá khứ, Bãi Dài hoang vắng bên lề Nha Trang tấp nập, Vân Đồn là một vùng di sản hoàn toàn “say ngủ”, còn Ninh Thuận tụt hậu rất xa về du lịch so với “người anh em” Đà Lạt, Khánh Hòa.
Thời điểm hiện tại, cả 3 vùng đất đều có diện mạo khác. Vân Đồn vươn mình, hứa hẹn sánh vai tương xứng Vịnh Hạ Long; Ninh Thuận tỏa sáng với hàng chục dự án lớn đã và sẽ triển khai xây dựng. Trong khi đó, Bãi Dài – Cam Ranh đang “hái quả ngọt” từ định hướng chiến lược của các thế hệ lãnh đạo và tận dụng tốt “cơ hội vàng” của cuộc tái cơ cấu du lịch tại trung tâm Nha Trang.
Có hai quyết sách mang tính quyết định, đặt nền móng cho con đường phát triển du lịch theo hướng cao cấp, có chọn lọc tại Bãi Dài – Cam Ranh.
Năm 2003, Bắc bán đảo Cam Ranh được Chính phủ phê duyệt quy hoạch với định hướng phát triển thành một khu du lịch chất lượng cao, dịch vụ vận tải hàng không, các trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị cao cấp quốc gia và quốc tế.
Sau đó 1 năm, tỉnh Khánh Hòa phê duyệt quy hoạch chung Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh giai đoạn 1, có tổng diện tích quy hoạch lên tới 2.150 ha. Quy hoạch chung gồm có khu biệt thự cao cấp (111 ha), khu du lịch nghỉ mát sinh thái (859 ha); khu trung tâm văn hóa thương mại, khu hội nghị quốc gia và quốc tế, khu dịch vụ chung cho toàn khu du lịch (97,7 ha)…
Cùng với định hướng chiến lược, các thế hệ lãnh đạo Khánh Hòa tập trung đẩy mạnh cơ sở hạ tầng nhằm mở rộng không gian du lịch, đón sóng đầu tư và xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn. Đại lộ Nguyễn Tất Thành dài 35km kết nối Cam Lâm – Cam Ranh ở hướng Nam, đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng dài 25 km về hướng Bắc. Chưa kể sân bay quốc tế Cam Ranh được nâng cấp với Nhà ga quốc tế Cam Ranh đã đi vào hoạt động năm 2018, đường băng số 2 hoàn thành hơn 90% tiến độ.
Đề án tái cơ cấu du lịch nhằm giải tỏa sức chứa tại Nha Trang – nơi tập trung chủ yếu du khách đến Khánh Hòa dẫn đến quá tải buồng phòng, giao thông, khan hiếm quỹ đất hướng biển – mang nhiều ý nghĩa. Trong đó, cơ cấu về không gian phát triển du lịch tạo động lực phát triển cho các vùng cận Nha Trang là Bãi Dài, Ninh Hòa, Nam Vân Phong và Bắc Vân Phong. Cộng hưởng cơ sở hạ tầng đã được xây dựng, Bãi Dài trở thành vùng đất đáng giá cho các nhà đầu tư.
Vùng đất của những resort 5 sao
Trên thực tế, Vingroup, Eurowindow Holding, Novaland, Crystal Bay… cùng nhiều doanh nghiệp khác đã rót vốn vào Bãi Dài với những dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế. Đặc biệt là Bãi Dài có quỹ đất sạch khoảng 5000ha, thuận lợi xây dựng hạ tầng du lịch đồng bộ, đa dạng dịch vụ từ lưu trú đến vui chơi, giải trí và mua sắm – vốn rất thiếu tại Nha Trang.
Thống kê của Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cho thấy, Bãi Dài hiện có 45 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đã đăng ký khoảng 30.000 tỉ đồng. Dự kiến sẽ có 10 dự án trên khu vực đưa vào khai thác chính thức trong năm 2019, bên cạnh 7 resort đang hoạt động như Cam Ranh Riviera Beach Resort & Spa, Vinpearl Long Beach Villas, The Anam, Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Duyên Hà…
Trong số đó, Cam Ranh Riviera Beach Resort & Spa do Tập đoàn Crystal Bay đầu tư nổi lên là điểm đến ưa thích của hàng triệu du khách quốc tế, cung cấp 66 phòng khu Bungalow, 14 phòng hạng villa hạng villa và 242 phòng (khu tòa nhà 10 tầng) cùng dịch vụ vui chơi – giải trí phong phú. Đây là resort 5 sao đầu tiên chính thức hoạt động tại Bãi Dài và luôn đạt công suất buồng phòng trên 90%.
Sau thành công của Cam Ranh Riviera Beach Resort & Spa, Crystal Bay triển khai xây dựng dự án thứ hai tại Bãi Dài. Có tổng vốn khoảng 1400 tỉ đồng, SunBay Cam Ranh Resort & Spa của Crystal Bay sẽ cung cấp cho du khách 206 phòng biệt thự, 272 phòng khách sạn và 1 công viên nước cùng các tiện ích vui chơi, giải trí và mua sắm khác.
Cả hai dự án trên đều nằm trong chiến lược mua lại và tái khởi động dự án chậm tiến độ của các nhà đầu tư khác ở Khánh Hòa, Ninh Thuận. Chiến lược này của Crystal Bay đã chứng minh hiệu quả thực tế. Cam Ranh Riviera Beach Resort & Spa hồi sinh từ dự án Khu nghỉ mát Tâm Hương với hơn 600 tỉ đồng đầu tư, trong khi SunBay Cam Ranh Resort & Spa dự kiến chính thức khai thác từ cuối năm 2019 có tiền thân là dự án Nam Hùng Cam Ranh.
Mặt khác, trên cơ sở dòng khách quốc tế lớn và hệ sinh thái khép kín sẵn có, với chiến lược “Một hành trình - nhiều điểm đến”, Crystal Bay còn tiên phong đầu tư các dự án mới tại Ninh Thuận, Vân Đồn.
Những chiến lược này của Crystal Bay đang góp phần mạnh mẽ thay đổi diện mạo du lịch của các vùng đất. Tại Bãi Dài, với sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp khác cùng chính quyền địa phương, một trung tâm du lịch cao cấp mới quy mô quốc gia đã thực sự hình thành và sẽ trở nên nhộn nhịp trong tương lai gần.