8 tháng đầu năm, thu thuế chuyển nhượng bất động sản hơn 26.800 tỷ đồng
(Dân trí) - Số thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản 8 tháng đầu năm đạt 26.860 tỷ đồng, tăng hơn 13.200 tỷ đồng. Trung bình giá chuyển nhượng khai cao hơn gần 3 lần so với khung giá đất địa phương đưa ra.
Số liệu trên được nêu ra trong báo cáo gửi Quốc hội thực hiện Nghị quyết 62 về chất vấn tại kỳ họp 3 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Cụ thể, lũy kế 8 tháng đầu năm nay, số thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế và quà tặng là bất động sản đạt hơn 26.860 tỷ đồng, tăng hơn 13.200 tỷ đồng, tức 96,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, tính đến ngày 6/9/2022, trên toàn quốc, lượng hồ sơ khai giá chuyển nhượng cao hơn giá UBND chiếm 72%, trung bình một bộ hồ sơ khai giá cao hơn gần 3 lần so với giá UBND.
Đối với nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về thuế liên quan đến kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, Bộ này cho biết đang tăng cường quản lý, chống thất thu thuế, bảo đảm nguồn thu ngân sách nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, quyền lợi chính đáng của người dân và sự phát triển của thị trường bất động sản.
Dù vậy, việc thu thuế chuyển nhượng bất động sản, theo ông Hồ Đức Phớc, còn nhiều bất cập.
Thứ nhất, các quy định về quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế. Tuy nhiên để quản lý thuế một cách có hiệu quả đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, ngoài quy định về quản lý thuế cần có quy định đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và công tác phối hợp của các cơ quan ban ngành có liên quan phải được tăng cường.
Ý thức tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế của người dân chưa cao.
Ngoài ra, theo quy định pháp luật về thuế, người nộp thuế kê khai, nộp thuế không đúng với giá thực tế chuyển nhượng thì cơ quan thuế có quyền ấn định thuế.
Tuy nhiên cơ quan thuế không có chức năng điều tra nên việc thu thập thông tin làm căn cứ ấn định thuế gặp nhiều khó khăn.
Thực tế hiện nay, Bộ Tài chính cho biết việc ấn định thuế được thực hiện có hiệu quả chỉ trong trường hợp cơ quan có liên quan (Công an điều tra, Thanh tra kiểm tra…) thu thập đủ chứng cứ chứng minh giao dịch mua bán thực tế, phát hiện kết luận hành vi gian lận, trốn thuế thì căn cứ để cơ quan thuế ấn định thuế mới hoàn toàn vững chắc.
Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cũng nhận được báo cáo của một số cơ quan thuế địa phương báo cáo việc đã chuyển hồ sơ qua cơ quan cảnh sát điều tra nhưng cơ quan điều tra chuyển lại cơ quan thuế để xử lý hành chính vì không đủ căn cứ xác định hành vi trốn thuế.
Một hạn chế nữa được Bộ Tài chính nêu là quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất chậm, dẫn đến áp lực về thời gian trả kết quả xác định nghĩa vụ tài chính về đất.
Công tác thu thập thông tin để triển khai công tác hậu kiểm của cơ quan thuế cũng còn nhiều khó khăn do người nộp thuế mở nhiều tài khoản ngân hàng, các ngân hàng có phản hồi thông tin xác minh chậm nên việc xác minh giá chuyển nhượng gặp nhiều khó khăn.
Bộ Tài chính cho biết đã đề nghị các địa phương xây dựng hệ số điều chỉnh, dữ liệu bất động sản; bộ tiêu chí rủi ro với chuyển nhượng bất động sản để minh bạch, chống thất thu thuế.