5 lực đẩy quan trọng hút nhà đầu tư bất động sản hướng về Thường Tín
(Dân trí) - Là huyện phía Nam Hà Nội với trọng tâm phát triển công nghiệp, Thường Tín đang được quy hoạch lên quận. Đây cũng là giao điểm của cao tốc Bắc Nam - vành đai 4, là nơi đón đầu khu vực phía Nam khi sân bay thứ 2 Hà Nội được xây dựng.
Đây là lý do những thông tin liên quan đến quy hoạch, hạ tầng qua khu vực Thường Tín đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, đặc biệt là giới đầu tư.
Thường Tín lên quận vào năm 2030
Theo quy hoạch thành phố Hà Nội giai đoạn 2026-2030, Hà Nội có thêm 3 huyện lên quận gồm Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh. Để đẩy nhanh lộ trình lên quận vào năm 2030, Thường Tín đang ưu tiên xây dựng hạ tầng giao thông và khu dân cư.
Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của huyện Thường Tín, tổng vốn dự kiến bố trí cho các dự án giao thông, hạ tầng khung là 3.700 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, khi Thường Tín lên quận sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thị trường bất động sản phát triển. Giá nhà đất tại Thường Tín có cơ hội bứt phá giống như câu chuyện tăng giá tại các thị trường bất động sản khi Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm chuẩn bị lên quận như vài năm trước đây.
Trục phát triển đô thị dọc vành đai 4
Tuyến đường vành đai 4 thuộc địa phận thành phố Hà Nội có chiều dài 58,2km, đi qua 7 quận, huyện gồm: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông. Năm 2024, đường vành đai 4 - vùng Thủ đô là một trong những dự án trọng điểm quốc gia được Hà Nội tập trung triển khai.
Tại địa phận huyện Thường Tín, tuyến vành đai 4 dài khoảng 9,3 km. Hiện nay, đoạn đường này đang dần hình thành. Trên công trường, máy móc và công nhân đang rầm rộ thi công.
Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, kể từ khi tuyến đường này được thi công trên địa bàn huyện Thường Tín, giá đất tại khu vực xung quanh trục vành đai 4 đã tăng, có nơi tăng lên tới 100 triệu/m2, gấp đôi so với cách đây 5 năm. Tương lai, khi toàn tuyến vành đai 4 hình thành và được khớp nối, giá đất hai bên đường còn có thể tăng thêm.
Cao tốc bứt phá
Là cửa ngõ của phía Nam Hà Nội, Thường Tín đón trọn tuyến cao tốc huyết mạch Bắc Nam Pháp Vân - Cầu Giẽ và quốc lộ 1A đi qua. Hai tuyến đường này được xem là khớp nối quan trọng, là vòng xuyến trung chuyển Bắc Nam, kết nối phía Nam với Thủ đô và các tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Cùng với các tuyến đường này, Thường Tín đang nỗ lực, tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển hạ tầng khớp nối. Sáng 24/12/2023, Thường Tín đã cùng lúc khởi công xây dựng tổ hợp 5 dự án đường giao thông - hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất khu Quan Sở, xã Hà Hồi với tổng diện tích khoảng 6,5ha. Trước đó, gần 19km đường gom phía Đông cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi qua địa phận huyện Thường Tín cũng được khởi công.
Sân bay thứ 2 Thủ đô
Không chỉ sở hữu cao tốc, Thường Tín còn đón sân bay thứ 2 của Thủ đô sắp được xây dựng. Theo tờ trình gửi HĐND thành phố để xem xét, thông qua Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065, cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô sẽ nằm tại khu vực phía Nam của trục cao tốc Tây Bắc - quốc lộ 5B, giữa cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, quốc lộ 1A, đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, đường sắt Thống Nhất Bắc - Nam và trục giao thông kinh tế phía Nam.
Các chuyên gia đánh giá, sân bay thứ 2 của Thủ đô nằm ngay sát Thường Tín sẽ tạo động lực phát triển kinh tế cho toàn khu vực này.
Thành phố phía Nam Thủ đô hình thành
Cụ thể, theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, ngoài hai thành phố phía Tây và phía Bắc đã nghiên cứu trước đó, Hà Nội đề xuất quy hoạch thành phố phía Nam.
Đô thị phía Nam được quy hoạch theo mô hình đô thị sân bay, hình thành trung tâm đầu mối dịch vụ vận tải tổng hợp về đường không, đường sắt (đường sắt quốc gia, đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị), đường thủy (sông Hồng), đường bộ (cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, quốc lộ 1, trục phía Nam), trở thành đầu mối giao thông quan trọng của vùng phía Bắc, đô thị cửa ngõ phía Nam của Thủ đô.
Như vậy, khu Nam được quy hoạch sẽ trở thành thành phố trong Thủ đô với tên gọi thành phố phía Nam. Trong đó, Thường Tín sẽ là điểm nối giữa trung tâm Thủ đô và thành phố phía Nam, là cửa ngõ quan trọng để đi vào nội đô. Với vị trí chiến lược và huyết mạch, Thường Tín được kỳ vọng có cơ hội phát triển mạnh mẽ.
Từ một huyện ngoại thành với lợi thế phát triển 11 khu công nghiệp, Thường Tín đang ngày càng bứt phá khi trở thành trung tâm phát triển kinh tế của khu vực phía Nam. Hạ tầng phát triển sẽ kéo theo thị trường bất động sản sôi động. Đây chính là lý do bất động sản Thường Tín đang trở thành điểm đến đầu tư với tầm nhìn tăng trưởng dài hạn cho chu kỳ mới dự báo sẽ bắt đầu từ năm 2024.