2 năm ngụp lặn trong khủng hoảng, BĐS Đà Nẵng bỗng dưng tăng "nóng"
(Dân trí) - Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, bất động sản Đà Nẵng bỗng dưng tăng "nóng"; tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đây chỉ là chiêu trò tạo thông tin giả của giới cò đất.
Trước Tết Nguyên đán, thị trường Đà Nẵng khá trầm lắng, giá trị nhiều sản phẩm bất động sản gần như đi ngang. Thậm chí, dòng khách sạn, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng có xu hướng giảm nhẹ, mức giảm từ 3% - 5% để kích cầu thị trường.
Tuy nhiên, sau một tuần nghỉ Tết, nhiều doanh nghiệp bất động sản, các công ty môi giới tại Đà Nẵng bắt đầu hoạt động trở lại. Bất ngờ, giá đất Đà Nẵng tăng chóng mặt, nhất là phân khúc đất nền.
Theo khảo sát của PV Báo Dân trí vào cuối tuần trước, những lô đất 100 m2, tại Hòa Xuân và Nam Hòa Xuân trước Tết có giá từ 2,4 - 2,8 tỷ đồng, thì nay đã tăng vọt lên 2,7 - 3 tỷ đồng, tùy từng vị trí.
Tương tự, tại khu đô thị Phước Lý, khu đô thị FPT Đà Nẵng, giá đất cũng tăng trên dưới 100 triệu đồng, dao động từ 1,6 - 2,3 tỷ đồng.
Trong khi đó, những lô đất ven biển, giá trị cũng tăng 20% - 30% so với trước Tết. Ví dụ, một lô đất 120 m2, ven biển thuộc Sơn Trà, tăng gần 1 tỷ đồng, từ 9 tỷ đồng lên 10 tỷ đồng, tương đương 120 triệu đồng/m2.
Theo anh M., một nhân viên môi giới bất động sản tại Đà Nẵng, sở dĩ bất động sản tăng mạnh sau Tết, bởi đang có thông tin UBND thành phố sẽ điều chỉnh giá đất tăng trong thời gian tới.
M. còn quả quyết, bảng giá đất năm 2020 không thay đổi nhiều so với giai đoạn 2015 - 2019, do đó, bảng giá đất mới năm 2021 sẽ được điều chỉnh tăng để thu hút nhà đầu mới quay trở lại thị trường sau 2 năm trầm lắng.
Tuy nhiên, sau khi có "tin đồn" về bảng giá đất mới, UBND Đà Nẵng đã bác bỏ thông tin địa phương này sẽ tăng giá đất. Theo UBND TP Đà Nẵng, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng bảng giá đất phù hợp với tình hình thực tế của thành phố.
Ông Thế Anh, Giám đốc khối kinh doanh của Công ty địa ốc S.M.O chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, đây chỉ là chiêu trò của giới cò đất nhằm thổi giá đất lên cao bất thường. Do đó, nhà đầu tư cần phải cẩn trọng trước các tin đồn đang lan truyền hiện nay.
"Ghi nhận từ thị trường cho thấy, bất động sản Đà Nẵng trong suốt năm 2020 và cả thời điểm hiện tại vẫn khá trầm lắng. Khối lượng giao dịch tương đối thấp, do đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp", ông Thế Anh cho biết.
Theo vị chuyên gia này, 2 phân khúc khách sạn và bán lẻ tại Đà Nẵng tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng, bởi không có nguồn thu từ khách du lịch quốc tế.
"Đà Nẵng là một trong những địa phương có thế mạnh về du lịch, nhất là du lịch quốc tế. Ở thời điểm này, khi không có du khách ngoại, đương nhiên thị trường sẽ "ngủ đông". Ví dụ, ở khu vực Sơn Trà trước kia có dãy phố có rất nhiều nhà hàng Hàn Quốc, tạp hóa Hàn Quốc, nhưng nay cũng phải đóng cửa. Do đó, chuyện thị trường bất động sản tăng "nóng" là không có", vị chuyên gia này nói thêm.
Nhận định về tiềm năng và triển vọng hồi phục của bất động sản Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng: Dư địa tăng trưởng của bất động sản Đà Nẵng vẫn mạnh, tuy nhiên, bao giờ hồi phục còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố dịch bệnh.
"Đà Nẵng có nhiều thế mạnh, như được thiên nhiên ưu đãi với bãi biển đẹp, hạ tầng giao thông phát triển khá đồng bộ, có sân bay quốc tế... Đây đều là những yếu tố chủ chốt, giúp thị trường Đà Nẵng tăng trưởng. Tuy nhiên, ở thời điểm này rất khó để nhận định bao giờ bất động sản Đà Nẵng hồi phục.
Trong trường hợp có vắc xin ở Việt Nam, du khách nội địa chỉ giúp thị trường tăng nhẹ, không đáng kể. Điều quan trọng là thế giới phải chống được đại dịch, từ đó khai thông ngành du lịch quốc tế", ông Đính cho biết.