10 năm “săn” nhà Hà Nội và cho thuê lại, 8x tỉnh lẻ “bỏ túi” được 2 tỷ đồng

(Dân trí) - Sau gần 10 năm đi “săn” nhà và cho thuê lại, chị T.G đã tiết kiệm được 2 tỷ đồng. Số tiền đó, chị G. tiếp tục đầu tư mua đất vùng ven.

10 năm đi thuê nhà… miễn phí

Vốn là người tỉnh lẻ xuống Hà Nội sinh sống và lập nghiệp, hơn ai hết, chị T.G (SN 1987, quê Quảng Ninh) hiểu rất rõ nhu cầu của người đi ở trọ.

Vì thế, dù vừa "chân ướt, chân ráo" ở Thủ đô, chị T.G đã nảy ra ý tưởng tìm thuê lại những căn nhà 2-3 tầng, sau đó cải tạo và cho thuê lại với giá cao hơn nhằm kiếm lời.

"Ban đầu tôi chỉ đặt ra mục tiêu là được ở trọ miễn phí, tiết kiệm một khoản tiền thuê nhà hàng tháng. Nhưng về sau tôi nhận thấy đây là lĩnh vực đầu tư có thể sinh lời cao mà số vốn ban đầu bỏ ra cũng không cần quá nhiều nên quyết định đầu tư lâu dài", chị T.G chia sẻ. 

Năm 2011, chị T.G đã tìm được một ngôi nhà 4 tầng, 8 phòng ngủ tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) với mức giá khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Sau khi tìm được mặt bằng, chị G. đầu tư thêm 9 triệu đồng để nâng cấp, sửa sang lại phòng ốc, lắp đặt thêm điều hòa, internet tốc độ cao và cho người khác thuê, đa phần là sinh viên với mức giá từ 2 đến 3 triệu đồng/ phòng/ tháng.

10 năm “săn” nhà Hà Nội và cho thuê lại, 8x tỉnh lẻ “bỏ túi” được 2 tỷ đồng - 1

Một nhà trọ được chị G. thuê lại, cải tạo rồi chia nhỏ cho các hộ gia đình và sinh viên thuê. 

Chị G. kể, thời điểm đó chị sử dụng một phòng, còn 7 phòng còn lại cho thuê, tính thêm cả chi phí gửi xe, điện nước, một tháng chị thu về hơn 20 triệu đồng. Như vậy, chỉ trong tháng đầu tiên, chị G. đã thu hồi cả vốn lẫn lãi.

Nhận thấy tiềm năng của hình thức kinh doanh này, chị G. lại tiếp tục mở rộng quy mô, tìm thêm nhiều căn nhà sau đó cải tạo và cho thuê lại. 

Với cách làm này, trong suốt 10 năm, chị G. không phải mất bất kỳ một khoản tiền đi thuê trọ, đồng thời vừa làm chủ nhà, vừa tạo ra thu nhập lên tới hàng chục triệu đồng/tháng.

"Công việc này cũng không quá vất vả, chỉ cần biết hạch toán thu chi thì vẫn có thời gian đi làm hàng ngày. Nhờ đó, trong suốt những năm qua, tôi cũng để tiết kiệm được một số tiền làm vốn", chị G. nói. 

10 năm “săn” nhà Hà Nội và cho thuê lại, 8x tỉnh lẻ “bỏ túi” được 2 tỷ đồng - 2

Một phòng trọ chị G. cho sinh viên thuê lại có giá từ 2-3 triệu đồng/ tháng.

Theo chị G., điều quan trọng của hình thức kinh doanh này là phải tìm được căn nhà có vị trí đẹp gần các trường đại học, cao đẳng. Ngoài ra, nhà càng có nhiều phòng thì lợi nhuận mang về càng cao. 

Tuy nhiên, công việc kinh doanh không phải lúc nào cũng thuận lợi. Chị G. tiết lộ, việc thuê nhà rồi cho thuê lại cũng đối mặt với nhiều rủi ro. Ví dụ như thời điểm hè, hoặc giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, sinh viên trả phòng hàng loạt, khiến doanh thu bị rơi vào tình cảnh âm vốn.

Mặt khác, nếu không quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ, việc cho thuê lại sẽ gặp phải một số vấn đề như: an ninh, trật tự hoặc người đi thuê lại tự ý hủy hoại nhà ở.

Để giảm một số thiệt hại từ việc cho thuê lại, chị G. cho biết, bản thân đã phải soạn rất kỹ các bản hợp đồng cho thuê nhà. Trong đó, có điều khoản yêu cầu người thuê lại phải đền bù nếu làm hư hỏng tài sản, nhà cửa. Hợp đồng cũng phải có công chứng để tránh những rắc rối pháp lý về sau.

Dồn hết tiền về quê đầu tư đất

Sau gần 10 năm đi “săn” nhà và cho thuê lại, chị T.G vừa được ở miễn phí, vừa tiết kiệm được 2 tỷ đồng, một khoản tiền đáng mơ ước của nhiều người.

10 năm “săn” nhà Hà Nội và cho thuê lại, 8x tỉnh lẻ “bỏ túi” được 2 tỷ đồng - 3
Đất Vân Đồn sau cơn sốt vào năm 2019 đã yên bình trở lại.

“Mô hình thuê nhà rồi cho thuê lại hiện nay đã bão hòa, nguồn cung đang có hiện tượng dư thừa, nên tôi rút vốn dần dần, chỉ giữ lại 1 nhà 4 tầng ở Trương Định và 1 nhà 5 tầng ở Tân Mai để duy trì. Thay vào đó, tôi trích một nửa số tiền tiết kiệm mua nhà, nửa còn lại đầu tư vào BĐS vùng ven”, chị G nói.

Đầu năm 2018, chị G. quyết định rót 1,4 tỷ đồng, để đầu tư vào một thửa đất 100 m2 (khoảng 14 triệu đồng/m2), có vị trí khá xa trung tâm huyện Vân Đồn.

Thời điểm này, giá đất Vân Đồn vẫn tương đối êm ả, với tốc độ tăng hàng năm khoảng 15 - 20%. Tuy nhiên đến năm 2019, thị trường BĐS Vân Đồn bỗng “sốt xình xịch” trước thông tin thành lập Đặc khu Kinh tế Vân Đồn.

Giá trị thửa đất của chị G. tăng khoảng 33%, từ 1,4 tỷ đồng lên gần 2,1 tỷ đồng, lời khoảng 700 triệu đồng. 

Dù vậy, “cơn sốt” đất ở Vân Đồn tới nhanh, và đi nhanh. Tới cuối năm 2019, giá đất Vân Đồn rơi tự do, nhiều nơi giảm từ 25% - 30%. Riêng thửa đất của chị G., dù không bị âm vốn, nhưng giá trị tăng nhẹ khoảng 5 % - 7% so với thời điểm đầu mua vào.

“Bất kỳ môi trường kinh doanh nào cũng vậy, may mắn thì có lời, không may thì bị lỗ, không ai dự đoán được. Song, đã là đất đai, để đó 5 - 10 năm nữa kiểu gì cũng tăng giá, nên tôi không quá lo lắng”, chị G. khẳng định.

Việt Vũ