10 năm, mới di dời được 1 trường đại học

Chủ trương di dời các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề ra khỏi phạm vi trung tâm thành phố Hà Nội có từ giữa năm 2008 và được coi là một giải pháp quan trọng nhằm từng bước khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực nội thành.

10 năm, mới di dời được 1 trường đại học - 1

Đến nay chỉ có duy nhất Trường Đại học Y tế Công cộng đã di dời ra khỏi số 138B phố Giảng Võ (Hà Nội) khiến đường phố thông thoáng hơn. Ảnh: N.Văn

Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện nay, mới có vỏn vẹn một cơ sở giáo dục thực hiện di chuyển tới địa điểm mới.

Áp lực lớn cho giao thông

Các dữ liệu thống kê mới nhất cho thấy, trên địa bàn TP.Hà Nội hiện có đến 96 trường đại học, cao đẳng với khoảng 67.000 sinh viên, chiếm 1/3 số trường và tương đương 40% tổng số sinh viên trên địa bàn cả nước.

Chỉ riêng 4 quận lõi trung tâm cũng có đến 26 trường, trong đó tập trung nhiều nhất tại quận Đống Đa với 10 trường đại học và học viện. Mật độ tập trung dầy với số lượng lớn sinh viên tại các trường đại học trong khu vực nội thành là một trong những yếu tố gây nên tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên trên nhiều tuyến đường khu vực trung tâm thành phố, đặc biệt vào các giờ cao điểm.

Thực tế ngay từ giữa năm 2008, chủ trương quy hoạch và thực hiện di dời các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề ra khỏi phạm vi trung tâm các thành phố lớn sớm được Chính phủ chỉ đạo thực hiện tại Nghị quyết số 16 về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

Đến đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành Quyết định 130 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Bộ Xây dựng sau đó thực hiện, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (năm 2011) và Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội (năm 2016).

Với 2 bản quy hoạch này, việc phát triển các trường đào tạo đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.Hà Nội và các tỉnh Vùng Thủ đô được định hướng là phân bố, sắp xếp lại hệ thống các trường đại học và cao đẳng, khu vực nội đô khống chế khoảng 30 vạn sinh viên.

Đồng thời thực hiện di dời hoặc xây dựng cơ sở 2 cho một số trường từ nội đô ra các đô thị vệ tinh hoặc các tỉnh trong Vùng Thủ đô; quỹ đất sau khi di dời sử dụng vào mục đích công cộng phục vụ đô thị.

Bước sang giai đoạn 2010 - 2011, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.Hà Nội và Bộ Xây dựng đưa ra phương án di dời, cải tạo 23 cơ sở giáo dục. Trong đó, 12 đại học, cao đẳng được đề xuất di dời và 11 cơ sở giáo dục đại học khác được đề xuất cải tạo.

Cần có chính sách hỗ trợ di dời

Tuy nhiên sau gần 10 năm kể từ thời điểm có phương án di dời 12 trường đại học, cao đẳng ra khỏi khu vực trung tâm TP.Hà Nội, kết quả triển khai trên thực tế vẫn gần như giậm chân tại chỗ.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trên thực tế việc triển khai thực hiện vẫn còn chậm, tồn tại một số khó khăn vướng mắc, đặc biệt trong việc thực hiện di dời các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tại khu vực nội đô TP.Hà Nội.

Thực tế, báo cáo mới nhất của UBND TP.Hà Nội cũng thừa nhận về cơ bản, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp đều đang tiếp tục sử dụng cơ quan cũ.

Chỉ có riêng Trường Đại học Y tế Công cộng tại số 138B phố Giảng Võ, quận Ba Đình đã được di dời đến địa điểm mới tại quận Bắc Từ Liêm.

Trong khi đó, danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cơ quan, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế ra khỏi nội thành chưa được các bộ, ngành triển khai, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, những tồn tại, vướng mắc cũng như việc chưa kịp thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện di dời các cơ sở giáo dục, đào tạo có liên quan đến một số nguyên nhân chủ yếu như: Công tác di dời và xây dựng cơ sở mới đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn, nguồn vốn thực hiện chưa được bố trí; chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng (về cơ chế chính sách, sử dụng quỹ đất sau khi di dời, hình thức huy động nguồn lực, phối hợp các cơ quan liên quan...); các quy hoạch ngành cũng chưa hoàn thành nên chưa có cơ sở xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời các cơ sở ra khỏi khu vực nội thành.

Trong khi đó sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố với các bộ, ngành có liên quan chưa tích cực, chủ động.

Chính vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở giáo dục ra khỏi nội đô, Bộ Xây dựng kiến nghị các địa phương trong Vùng Thủ đô cần đẩy nhanh việc hoàn thành quy hoạch xây dựng, đề án phát triển các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn.

Trong đó đẩy nhanh việc xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng chỉ đạo tại Quyết định 130 của Chính phủ.

Đồng thời đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ di dời, đảm bảo tính khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện; chuẩn bị quỹ đất xây dựng nơi được di dời đến đảm bảo phù hợp với vị trí, quy mô, chức năng theo quy hoạch xây dựng được duyệt.

Hà Nội cân nhắc hướng xử lý theo cách mới

Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ TP.Hà Nội khóa XVI tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP.Hà Nội đặt nhiệm vụ trong giai đoạn 2020-2025 sẽ đẩy nhanh việc di dời trụ sở một số cơ quan, trường đại học, bệnh viện và cơ sở gây ô nhiễm. Đồng thời xây dựng cơ sở mới cho các trường đại học ngang tầm với các quốc gia phát triển.

Tại hội nghị lấy ý kiến của giới khoa học, trí thức vào dự thảo do Thành ủy Hà Nội tổ chức mới đây, theo ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Hà Nội đang cân nhắc một số phương hướng giải quyết theo cách mới.

Ví dụ sau khi các cơ sở bệnh viện, giáo dục di dời ra khỏi nội đô, cơ sở cũ tại nội đô có thể sẽ được sử dụng để xây dựng thành mô hình khách sạn bệnh viện hoặc đầu mối đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm