10 "không" trong quy tắc ứng xử của người Nhật Bản
(Dân trí) - Dưới đây là một số quy tắc ứng xử quan trọng trong văn hóa của người Nhật Bản mà bạn nên nhớ trước khi ghé thăm đất nước này.
Nhật Bản được biết đến là quốc gia có nhiều phép tắc và luật lệ. Trong văn hóa ứng xử của người bản xứ có những quy tắc mà bất cứ ai trước khi tới đất nước này đều nên nắm rõ để tránh rơi vào những tình huống khó xử.
Tại Nhật Bản, việc vừa đi vừa ăn uống ở những nơi công cộng như tàu điện ngầm, đường phố được xem là hành vi thiếu lịch sự. Người bản xứ cho rằng mùi hoặc mảnh vụn của đồ ăn có thể làm phiền đến những người khác, đặc biệt nếu họ đang… đói.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa người Nhật không bao giờ ăn uống ở bên ngoài. Bạn có thể tận hưởng một buổi dã ngoại và ăn uống trong công viên, chỉ cần không vừa đi vừa ăn. Hãy mang theo túi rác vì công viên và đường phố ở Nhật Bản không có nhiều thùng rác.
Di chuyển bằng phương tiện công cộng ở Nhật Bản có thể là một trải nghiệm rất lạ so với nhiều nơi khác. Người Nhật luôn cố gắng không gây ồn ào khi đi tàu hoặc xe buýt. Nếu phải trả lời điện thoại, họ thường dùng tay che miệng và nói chuyện nhẹ nhàng, khéo léo kết thúc cuộc trò chuyện nhanh gọn nhất có thể. Việc sử dụng Facetime hoặc các ứng dụng trò chuyện video khác ở nơi công cộng có thể khiến người xung quanh cảm thấy khó chịu.
Bạn nên luôn đặt điện thoại ở chế độ im lặng để không phát ra tiếng ồn nếu phải sử dụng, còn nếu muốn xem video hay nghe nhạc thì hãy nhớ sử dụng tai nghe. Bật nhạc ồn ào trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc khi đi bộ ở nơi công cộng ở Nhật Bản bị coi là thô lỗ.
Người Nhật Bản có một quy tắc "ngầm" mà tất cả mọi người đều tuân theo, đó là "không đi giàu trong nhà". Nhà ở đây bao gồm cả nhà riêng, đền thờ và các quán trà có chiếu tatami. Điều này là để tránh bám bụi bẩn hoặc làm hỏng sàn nhà.
Ngoài ra, một số nơi cũng có quy tắc này nhưng khá khó nhận biết. Ví dụ, khi mua sắm quần áo ở Nhật Bản, bạn nên tháo giày trước khi bước vào phòng thay đồ nhằm giữ vệ sinh cho những vị khách đến sau.
Hoa anh đào (sakura) là biểu tượng của đất nước Nhật Bản. Người Nhật Bản đặc biệt tự hào về loài hoa này nói riêng và thiên nhiên hoang sơ của đất nước nói chung. Anh đào Nhật Bản chỉ nở trong một thời gian ngắn mỗi năm, thường vào khoảng tháng 3. Trong dịp này, người dân thường tụ tập ở những công viên, ngồi dưới tán cây anh đào, ăn uống, hàn huyên và thưởng hoa.
Người Nhật cũng có những quy tắc "bất di bất dịch" đó là không trèo lên cây, hái hoa hoặc rung cành để chụp ảnh. Nếu bạn ngắt cánh hoa thì nó sẽ không thể rơi xuống theo đúng tự nhiên và phá vỡ vẻ đẹp tiềm ẩn của những bông hoa tuyệt vời này nên mọi người sẽ nghĩ bạn là một người thiếu văn hóa.
Người dân Nhật Bản rất thích sự ngăn nắp và trật tự. Điều này thể hiện ở văn hóa xếp hàng, được xem là một nét đẹp trong văn hóa của người dân xứ Phù Tang. Dù ở trước cửa hàng, bến xe buýt, ga tàu, thang máy hay bất cứ đâu, bạn đều có thể thấy từ người già đến trẻ nhỏ tự ý thức xếp thành hàng ngay ngắn.
Việc chen hàng, lấn chỗ là một trong những cử chỉ thô lỗ tại đây. Ngoài ra, hãy lưu ý xem bạn đang chiếm bao nhiêu chỗ trong khi xếp hàng, đặc biệt là nếu bạn có hành lý cồng kềnh. Khi đi thang cuốn, người Nhật cũng có thói quen đứng về một bên, để dành phần còn lại cho những người có việc cần kíp muốn di chuyển thanh chóng.
Nhật Bản là một quốc gia thường có rất nhiều phấn hoa trong không khí vào mùa xuân. Tuy nhiên, việc xì mũi ở nơi công cộng vẫn bị coi là vô lễ. Ai cũng từng trải qua và hiểu nỗi khổ trong mùa dị ứng, nhưng tất cả đều lặng lẽ vượt qua mà không cần đưa khăn giấy lên xì mũi.
Tất nhiên, lau mũi là hành động có thể chấp nhận được, miễn không gây ra tiếng động. Nếu chẳng may bị cảm cúm hay bệnh về mũi khi ở Nhật Bản, bạn có thể đeo khẩu trang che miệng và mũi. Điều này có thể giúp giảm bớt việc hắt hơi, xì mũi đồng thời tránh lây lan cho những người xung quanh.
Một điều cấm kỵ ở Nhật Bản mà hiếm người nước ngoài nào nhận ra đó là hành động chọc đũa thẳng đứng vào cơm. Biểu tượng này tượng trưng cho cái chết và đám tang trong văn hóa Nhật Bản, vì vậy hãy cố gắng tránh chọc đũa vào bát cơm khi ăn.
Trên bàn ăn của người Nhật luôn có sự xuất hiện của những chiếc giá đỡ đũa, vì vậy hãy đặt đũa lên đó nếu cần. Ngoài ra việc di chuyển đồ ăn, bát đũa trong khi ăn cũng là nên tránh trong bữa ăn của người bản xứ.
Khi ngồi vào bàn ăn với người Nhật, bạn đừng tự rót nước, rượu cho riêng mình. Người Nhật thường tìm cơ hội rót đồ uống cho nhau, theo đó, hãy đổ đầy ly của những người xung quanh và họ cũng sẽ đáp lại bằng cách rót đồ uống cho bạn. Khi được rót, hãy nhớ cầm ly bằng hai tay, một tay đặt ở phía dưới.
Đây một trong những phép lịch sự tối thiếu trong văn hóa ứng xử của người Nhật Bản. Đặc biệt, nếu nâng ly cùng mọi người, đừng quên nói "kampai", nó giống như khi bạn nói "dzô" ở Việt Nam.
Onsen là hình thức tắm suối nước nóng đặc trưng trong văn hóa Nhật Bản hình thành từ nghìn đời xưa. Thói quen tắm suối nước nóng đã trở thành một nét văn hóa riêng biệt của người Nhật. Từ người dân đến du khách nước ngoài đều vô cùng thích thú với loại hình thư giãn này.
Có một quy tắc quan trọng nhất trong Onsen đó là tắm và làm sạch cơ thể hoàn toàn trước khi bước vào bồn tắm hay suối khoáng nóng. Quy tắc này để đảm bảo vệ sinh cho những người khác và cũng là cho chính bạn.
Chỉ tay vào người hoặc vật bị xem là hành động thô lỗ ở Nhật Bản. Nếu muốn biểu đạt sự thu hút vào một điều gì đó, thay vì dùng ngón tay để chỉ, người Nhật sẽ sử dụng cả bàn tay để nhẹ nhàng hướng tới những gì họ đang muốn nói tới.
Khi để cập đến chính mình, người Nhật sẽ dùng ngón trỏ chạm vào mũi của mình. Việc dùng đũa để chỉ trỏ cũng bị đánh giá là thô lỗ.
Dù có rất nhiều quy tắc và luật lệ nhưng người Nhật cũng vô cùng thân thiện đối với khách du lịch. Chỉ cần bạn thể hiện sự tôn trọng với bản thân họ và đất nước của họ.