Ý thức bảo quản sách công và của công

"Bên cạnh, phần đông học sinh, sinh viên có ý thức giữ gìn, bảo quản tốt các loại sách, báo của thư viện nhà trường, các thư viện công cộng nói chung. thì vẫn còn không ít bạn trẻ, sinh viên ý thức giữ gìn, bảo quản, nâng niu sách báo, tài liệu chưa cao."

Ý thức bảo quản sách công và của công  - 1
Những ai đã từng mất công tìm được đúng tài liệu mình cần nhưng khi giở ra lại bị xé mất thì mới thấy hết sự tiếc nuối
Mỗi ngày, có hàng vạn lượt sinh viên, học sinh, các bạn trẻ tìm đến các thư viện công cộng để đọc sách, báo, tìm tòi, tra cứu tài liệu phục vụ cho công việc học tập, nghiên cứu.

Thư viện nào cũng  có biển ghi qui định, yêu cầu cụ thể đối với người mượn sách, tài liệu.  Nếu làm mất, hoặc hư hỏng thì phải bồi thường.

Bên cạnh, phần đông học sinh, sinh viên có ý thức giữ gìn, bảo quản tốt các loại sách, báo của thư viện nhà trường, các thư viện công cộng nói chung. thì vẫn còn không ít bạn trẻ, sinh viên ý thức giữ gìn, bảo quản, nâng niu sách báo, tài liệu chưa cao.

Nên mới có tình trạng sinh viên, học sinh cố tình cắt, xé đi một số trang, hình ảnh quan trọng trong nhiều tài liệu, cuốn sách, để thỏa mãn mục đích riêng.

Họ thường trả sách, tài liệu nhân lúc có đông người đến trả, mượn sách nên cán bộ thư viện không có thời gian để kiểm tra kỹ nội dung, phần ở bên trong, phát hiện ra những chỗ người mượn sách đã cắt, xé.

Từ thời sinh viên cho đến giờ, anh bạn tôi có thói quen hay đến các thư viện mượn sách, tài liệu cần thiết để về nhà đọc. Khi đọc vào bên trong, từng giật mình thấy có một số trang, tranh ảnh trong nhiều sách, tài liệu "không cánh mà bay mất", anh bạn tôi rất bức xúc, đem điều này giãi bày với cán bộ thư viện.

Nhiều anh, chị thư viện thừa nhận có tình trạng "rút ruột" bên trong sách, tài liệu, nhưng khả năng phát hiện, xử lý "thủ phạm" thì rất khó.

Thiếu đi một trang, một ảnh thôi, tài liệu, quyển sách đó mất đi sự nguyên vẹn, đứt đoạn về nội dung, vấn đề nào đó. Những cuốn sách, tài liệu hay, quí, bổ ích thì đâu chỉ có một hoặc ít người đọc mà hàng vạn người cần đến nó. Không thể chấp nhận tình trạng, một số sinh viên, học sinh vô ý thức, cố tình cắt, xé  sách, báo, tài liệu ở bên trong.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Thiết nghĩ, cán bộ thư viện cần tăng cường công tác tuyên truyền, hình thành ý thức bảo quản, giữ gìn tốt các loại sách, báo, tài liệu... ở mọi đối tượng sinh viên, học sinh. Đồng thời có biện pháp kiểm tra kỹ lưỡng sách, tài liệu, nhất là những quyển sách có giá trị, khi sinh viên, học sinh lên trả sách, tài liệu.   

Tình trạng học sinh phổ thông, kể cả sinh viên lâu nay viết, khắc, vẽ những nội dung bậy bạ, thể hiện bạo lực, khiêu dâm, những chữ thô tục.... lên bàn, ghế, tường, cổng, ngõ, sách vở... dường như trường học nào cũng có, thậm chí nhiều vô kể.

Bàn ghế đóng mới chuyển vào lớp, chỉ sau một thời gian ngắn thôi, đã mang trên mình đầy "thương tích", bầm đen chín đỏ....

Trên tường vôi trắng, hoặc sơn màu đẹp là thế, chẳng mấy chốc bị làm bẩn bằng những dòng chữ, hình vẽ mà những người lớn chợt đọc chợt nhìn đã thấy xấu hổ và lạnh tóc gáy, huống chi là các em cùng trang lứa.

Ảnh chân dung nhà bác học, nhà văn... được minh họa nhiều trong sách giáo khoa, nhưng nhiều em, nào có để cho yên. Người thì bôi bẩn. Người thì cào cấu, đến rách nát. Người thì thêm râu, thêm lông mày, từ hiền lành, nho nhã bỗng thành hung dữ...

Các em thích là vẽ, là viết một cách vô ý thức. Vở ghi chép càng lên lớp lớn lại càng lôi thôi, cẩu thả, nhàu nát như cái bánh xèo, một vở ghi năm, bảy môn, đằng sau, mặt trước đầy lời lẽ yêu đương đắm đuối...

Các nhà trường phổ thông, kể cả đại học, cao đẳng, lâu nay, rất "đau đầu" trước tình trạng học sinh, sinh viên không có ý thức bảo quản, giữ gìn tài sản, của công, cứ  thay nhau "tàn phá" không thương tiếc cơ sở vất chất, bàn ghế, quạt điện, các thiết bị dạy và học...

Nhiều nhà trường vẫn thường xuyên nhắc nhở, "đe" các em về những việc làm vô ý thức đó, nhưng chưa có chuyển biến bao nhiêu. Vì vậy, các nhà trường hằng năm phải bỏ ra một khoản kinh phí không nhỏ để sửa chữa, thay thế, làm, mua mới cơ sở vất chất,  thiết bị dạy học do chính các em phá hỏng.

Báo chí gần đây có phản ảnh về tình trạng phá hoại, vẽ viết bậy trên tường, vách nhiều di tích, đền chùa ở thủ đô Hà Nội.

Qua quan sát của tôi, không riêng gì Hà Nội, nhiều di tích, đền chùa ở các địa phương khác cũng chịu chung số phận. Thanh thiếu niên là đối tượng chính gây ra vấn nạn này. Ghi những lời, hoặc vẽ hình ảnh... bậy bạ, làm mất giảm đi tính mỹ quan của công trình.

Cha ông ta ngày trước, khi xây dựng lên những công trình văn hóa đó, đâu có ngờ rằng một số con cháu sau này lại vô ý thức đến vậy?

Còn nạn dán, in chằng chịt, đủ thứ quảng cáo, rao vặt: bán thuốc, dạy thêm, dạy kèm, khoan cắt bê tông, bán nhà... trên những cột điện, vách tường nơi công trình công cộng , nhà dân thuộc hai bên đường lớn nhỏ... tồn tại khắp trong Nam ngoài Bắc, đi đâu cũng thấy. Mỗi ngày càng nhiều, làm nhếch nhác, mất mỹ quan đường phố hơn, ai nhìn vào cũng thấy chướng, gai mắt.

Chính quyền nhiều thành phố, thị xã từng ra quân rậm rộ, cho dọn dẹp, xóa bỏ, quét sơn lên những chỗ nhếch nhác ấy. Sau một thời gian, mọi chuyện đâu lại vào đấy. Có người bảo cứ căn cứ vào địa chỉ, số điện thoại ghi trên đó mà truy ra, xử lý cho nghiêm, là dẹp được.

Nói thì dễ nhưng làm cho được không dễ. Cần có những biện pháp đồng bộ và thường xuyên. Cái căn bản ở chỗ: xây dựng, hình thành cho được ở mọi người, nhất là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, thói quen có ý thức văn hóa, lối sống văn minh mà trước hết là biểu hiện thành ý thức trách nhiệm, biết tự giác gìn giữ, bảo quản tài sản công cộng, trường học. Đừng tưởng đây là chỉ những chuyện nhỏ...

Đỗ Tấn Ngọc

Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - Sơn Tịnh - Quảng Ngãi 

LTS Dân trí - Biết trân trọng, giữ gìn cẩn thận những cuốn sách ở thư viện cũng như có ý thức bảo vệ những công trình văn hóa nói chung chính là sự thể hiện ý thức công dân của một đất nước vốn có truyền thống văn hiến như nước ta.

Điều rất đáng tiếc là thế hệ trẻ ngày nay chưa thể hiện đúng mức ý thức đó mà ngược lại rất coi thường những cuốn sách có giá trị cũng như những công trình văn hóa nói chung, sẵn sàng làm những việc vi phạm nếp sống văn minh như tự tiện xé một vài trang sách của thư viện, hay tự khắc tên mình vào cổng, lên tường các di tích lịch sử, vẽ bậy lên mặt bàn học, v.v.

Đấy là những hành động thiếu ý thức bảo vệ của công cần lên án mạnh mẽ và có biện pháp xử lý nghiêm khắc.

Tình trạng đáng tiếc nói trên một lần nữa cho thấy những lỗ hổng đáng quan ngại của nền giáo dục chúng ta, kể cả giáo dục của nhà trường, của mỗi gia đình cũng như các đoàn thể xã hội đối với thế hệ trẻ.

Đúng như lời cảnh báo của tác giả bài viết trên đây: không thể xem những hành động phản văn hóa như vậy của giới trẻ là những chuyện nhỏ!