Bạn đọc viết:

Ý nghĩa của việc phát ấn đền Trần rất đáng được lưu giữ

(Dân trí)- Từ đời Trần, khai ấn là nghi thức mở đầu cho một năm làm việc của bộ máy chính quyền, với hy vọng cả năm làm việc suôn sẻ, nhiều thành công. Ấn đền Trần là một biểu tượng, nét đẹp văn hóa của tỉnh Nam Định nói riêng và cả nước nói chung.

Ý nghĩa của việc phát ấn đền Trần rất đáng được lưu giữ - 1
Ấn đền Trần "lộ" trước giờ khai Ấn (Ảnh chụp lúc 15h ngày 16/2 tại UBND TP Nam Định). (Ảnh: Anh Thế)

Sau này, người dân nơi đây tiếp tục duy trì mỹ tục này để tưởng nhớ công đức của các Vua Trần, đồng thời giáo dục con cháu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm để bảo vệ non sông xã tắc.

Để duy trì nét đẹp văn hóa ấy, mỗi năm đền Trần in khoảng 10 -15 vạn ấn. Nhưng dường như số lượng ấy đã không đáp ứng được nhu cầu của người dân nên đã dẫn đến nhiều cảnh khóc dở, mếu dở vào ngày phát ấn.

Ngày nay hầu như mọi người đến đền Trần để "cướp" ấn thì đều không hiểu hết được ý nghĩa của việc phát ấn. Vậy nên cứ vào dịp 14 tháng Giêng hàng năm mọi người lại đổ xô đến đền Trần với hy vọng lấy được ấn để: cầu được ước thấy hoặc để thăng quan tiến chức.
 
Lượng du khách đổ đến đông nghịt gây ra ách tắc giao thông. Rồi cảnh người dân chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để “cướp ấn”... Đó là còn chưa kể tình trạng ấn giả và cờ bạc diễn ra tràn lan gây mất mỹ quan và tính trang nghiêm của một lễ hội lớn.

Đã có ý kiến cho rằng dừng việc phát ấn lại. Tôi không đồng ý quan điểm đó, tôi cho rằng ý nghĩa của việc phát ấn rất đáng được lưu giữ, nên chúng ta phải tìm được cách phát ấn hiệu quả nhất mà vẫn giữ được nét đẹp văn hóa ấy.

Theo tôi, để giữ được nét đẹp văn hóa và giữ được ý nghĩ của việc phát ấn, điều cần làm là:

Tôi lấy ví dụ cụ thể: tổng số dân Việt Nam năm 2010 là: 85.789.573 người.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những tỉnh thành đông dân cư nhất: 7.123.340 người.  Tôi tính mỗi năm đền Trần in được 150.000 ấn. Vậy nên số ấn mà Thành phố Hồ Chí Minh đạt được tối đa là: (150.000 x 7.123.340)/85.789.573 = 12.454 ấn.

Tính tương tự như vậy với 62 tỉnh thành còn lại.

Số ấn này sẽ phát cho những người có "công đặc biệt" với Đảng, Nhà nước hoặc những người có thành tích trong học tập và lao động. (Đối tượng: Học sinh, sinh viên, nông dân, công nhân, viên chức nhà nước). Các ban ngành có trách nhiệm tổng hợp danh sách nộp lên UBND tỉnh. 63 tỉnh thành sẽ gửi danh sách về đền Trần. Để tránh nhầm lẫn và kẻ gian lợi dụng sơ hở, khi có danh sách của những người được nhận ấn của từng tỉnh thành thì đền Trần sẽ gửi số thẻ theo danh sách. (Thẻ có thể làm từ những thanh tre nhỏ, trên đó được đánh số thứ tự từ 1 - 150.000).

Quá trình in ấn số lượng cụ thể là bao nhiêu, thì đền Trần sẽ làm tổng số thẻ bằng số ấn.

Mỗi năm sẽ có lễ trao ấn cho những người xuất sắc nhất trong năm đó. Làm như vậy thì chỉ những người xuất sắc mới nhận được ấn, và việc ban ấn diễn ra một cách trang nghiêm và thực hiện được mong ước từ bao đời Vua Trần là: bắt đầu năm mới với những người mang được cho xã hội nhiều tiếng thơm, mà đó cũng là động lực giúp mọi người cố gắng vươn lên hoàn thành tốt công việc của mình.

Đỗ Thị Dinh (Nam Định)