Ý kiến luật sư về tình trạng “làm giá” của Honda, Yamaha
(Dân trí) - Trước tình trạng làm giá một cách “đồng bộ” trên cả nước đối với các mẫu xe máy “hot” của Honda, Yamaha, không sớm thì muộn, chiến lược bán hàng và cách quản lí các Head như hiện nay của hai hãng trên chắc chắn sẽ phải thay đổi để giữ chân người tiêu dùng.
Trao đổi với PV Dân trí về tình trạng người tiêu dùng Việt Nam mặc dù bất bình nhưng vẫn phải chấp nhận chi thêm khoản ngoài hóa đơn cho các đại lý khi mua các mẫu xe máy “hot” của Honda, Yamaha, Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay: Hiện nay giá bán của các loại xe của Honda Việt Nam, Yamaha được thể hiện chi tiết trên Website. Tuy nhiên trên thực tế nhiều dòng xe được các đại lý bán với giá cao hơn rất nhiều như báo chí đã đưa tin. Điều này đặt ra hai trường hợp:
Một là do các đại lý tự ý tăng giá để thu về phần chênh lệch, hai là Honda, Yamaha công bố mức giá không trung thực. Song, để khẳng định hai điều nói trên là rất khó khi chưa nghiên cứu các điều khoản về hợp đồng đại lý giữa các hãng với các đại lý.
Theo quy định tại điều 166 Luật Thương Mại: "Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thỏa thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hóa cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao".
Rõ ràng, các đại lý thương mại được thành lập để đại diện, nhân danh cho hãng thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa, hoặc cung ứng dịch vụ để hưởng thù lao. Như vậy, hoạt động mua bán hàng hóa của đại lý được thực hiện dưới dự giám sát và quản lý của hãng.
Đối với đại lý ủy nhiệm của Honda cũng vậy, các đại lý là các cửa hàng bán xe và dịch vụ do Honda ủy nhiệm được xây dựng nhằm cung cấp sản phẩm chính hiệu của Honda Việt Nam cũng như các dịch vụ sau bán hàng. Do đó, việc bán xe do các đại lý thực hiện phải tuân thủ theo các quy định của Honda Việt Nam kể cả về giá bán cho người tiêu dùng.
Tại khoản 2, 3 điều 171 Luật Thương Mại quy định :
"2. Trường hợp bên giao đại lý ấn định giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng thì bên đại lý được hưởng hoa hồng tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ.
3. Trường hợp bên giao đại lý không ấn định giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng mà chỉ ấn định giá giao đại lý cho bên đại lý thì bên đại lý được hưởng chênh lệch giá. Mức chênh lệch giá được xác định là mức chênh lệch giữa giá mua, giá bán, giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng so với giá do bên giao đại lý ấn định cho bên đại lý."
Theo quy định này chúng ta có thể ngầm hiểu bên giao đại lý có thể ấn định giá mua, giá bán cho khách hàng với đại lý hoặc chỉ ấn định giá giao cho đại lý. Như vậy, trong trường hợp bên giao đại lý có ấn định giá bán cho khách hàng thì đại lý phải tuân thủ theo mức giá đó, nếu bán chênh lệch là vi phạm nghĩa vụ đại lý.
Còn đối với trường hợp bên giao đại lý không ấn định giá bán mà chỉ ấn định giá giao đại lý, thì các đại lý được quyền tự đưa giá mức giá để hưởng phần chênh lệch.
Đối chiếu với trường hợp của Honda Việt Nam và Yamaha Việt Nam, thì hầu như cả hai hãng này đều công bố công khai giá bán trên website. Và người tiêu dùng sẽ hiểu rằng đó là giá bán của sản phẩm. Song, vấn đề đặt ra là liệu có phải các đại lý tự ý tăng mức giá để hưởng phần chênh lệch? Điều này chưa thể khẳng định.
Về phía hãng cần phải kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của các đại lý để đảm bảo chính xác giá của xe khi bán ra thị trường nhằm tránh những bất lợi cho người tiêu dùng. Đồng thời Honda Việt Nam và Yamaha Việt Nam cần có biện pháp giải quyết sự việc nêu trên nhằm bảo vệ uy tín cũng như thương hiệu của mình.
Vũ Văn Tiến