Xúc phạm gọi người khác là đồ "chó, lợn", cẩn thận phải hầu toà!

(Dân trí) - Khi bị người khác xúc phạm, như gọi bạn là "chó, lợn", bạn hoàn toàn có quyền kiện người đó ra tòa hoặc chọn cách giải quyết theo con đường thủ tục hành chính tại cơ quan công an cấp xã, phường.

Trong một cuộc tranh luận gần đây với đồng nghiệp, chúng tôi không thống nhất được quan điểm và có căng thẳng với nhau. Đồng nghiệp đã gọi tôi là “con chó”, rồi “con lợn”.

Tôi đã rất kiềm chế để mâu thuẫn không đến đỉnh điểm nhưng tôi không thể tha thứ cho việc bị xúc phạm là chó với lợn.

Tôi được biết, ở nước ngoài tình huống này người kia sẽ bị phạt, còn tại nước ta thì có quy định này không thưa luật sư?

Và hình thức khởi kiện sẽ như thế nào?

Bạn đọc V.L (Hà Nội)

Trả lời:

Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư Hà Nội- Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX) cho biết, các quy tắc xử sự, giao tiếp giữa người dân với nhau được lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi. Trong xã hội Việt Nam đều xác định rằng gọi, ví ai là “con chó”, rồi “con lợn” là hành động xúc phạm người khác.

Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín theo khoản 1 điều 34 Bộ luật dân sự năm 2015 ghi nhận: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, xử lý trách nhiệm của người có hành vi xúc phạm bạn có thể lựa chọn khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án có thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyển xử phạt vi phạm hành chính với người đó.

Với lựa chọn Tòa án giải quyết:

Căn cứ pháp lý theo khoản 2 Điều 34 Bộ luật dân sự quy định:  Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Trình tự, thời gian: Bạn sẽ làm đơn đến tòa án nơi người đó cư trú hoặc lựa chọn tòa nơi bạn cư trú, nơi xảy ra vụ việc để giải quyết. Bạn cần nộp kèm theo đơn các tài liệu ghi âm ghi hình thể hiện người bạn kia đã có lời nói xúc phạm bạn. Thời gian giải quyết vụ án dân sự trên theo luật định là 04 tháng.

Kết quả: Nếu bạn có bằng chứng ghi nhận sự việc đúng như bạn trình bày thì phán quyết của tòa án sẽ có lợi cho bạn. Theo đó khả năng bản án sẽ xác định người có hành vi vi phạm phải xin lỗi bạn, bồi thường các tổn thất, thiệt hại tinh thần, vật chất đã gây ra cho bạn.

Lựa chọn con đường hành chính:

Căn cứ pháp lý: điểm a, khoản 1 điều  5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi sau đây: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”;

Trình tự, thời gian: Bạn có thể gửi đơn thư, kèm bằng chứng đến cơ quan công an cấp xã, phường để cơ quan này xem xét thụ lý giải quyết theo thủ tục hành chính. Cơ quan công an sẽ giải quyết vụ việc theo quy định tại luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Kết quả: Cơ quan công an sẽ xem xét đánh giá các tài liệu trong vụ việc, có thể yêu cầu người có hành vi vi phạm đến làm việc, thực hiện giải trình. Khi có đủ cơ sở xác định hành vi vi phạm cơ quan công an sẽ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định nêu trên.

Thông thường thông qua hoạt động làm việc giữa người vi phạm và cơ quan công an người bạn sẽ nhận ra những hành vi sai trái của mình sau đó sẽ xin lỗi bạn. Thời gian giải quyết trong vụ việc này thường khoảng 1 tháng.

Bạn lựa chọn con đường Tòa án thì các quyền, lợi ích hợp pháp của bạn sẽ được bảo vệ toàn diện hơn nhưng sẽ mất nhiều thời gian công sức. Còn con đường giải quyết theo thủ tục hành chính thì thời gian nhanh nhưng có một số quyền như quyền được xin lỗi, bồi thường thiệt hại sẽ không giải quyết được. Do vậy căn cứ nhu cầu thực sự của bạn thân trong sự việc để bạn lựa chọn cách giải quyết phù hợp với mình.

Xin cảm ơn Luật sư!

Ngọc Hân (thực hiện)