Xuất bản sách giáo khoa

(Dân trí) - Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về những vấn đề bất cập trong in ấn và xuất bản sách giáo khoa tại Nhà xuất bản Giáo dục.

Thủ tướng yêu cầu phải làm rõ những nội dung liên quan đến sự độc quyền trong xuất bản sách giáo khoa. Độc quyền sách giáo khoa gây lãng phí, tiêu cực, bất công, đồng thời là một trong những nguyên nhân làm suy giảm chất lượng giáo dục.

Nhà xuất bản Giáo dục, được Bộ GD&ĐT cho phép độc quyền in ấn, xuất bản sách giáo khoa. Có lẽ cả cấp trên và cấp dưới ít biết tới sự lãng phí, vì lãng phí đó trút xuống trên đầu hàng triệu học sinh.

Bởi vì, sách không sợ ế, có kém thì khách hàng cũng phải mua. Sản xuất sách và con em cả nước chấp hành nghiêm chỉnh việc giải quyết đầu ra thì cứ mạnh tay mà làm. Cha mẹ các em mua đủ các loại sách theo chương trình mà Bộ GD&ĐT đề ra, giá do Nhà xuất bản Giáo dục áp đặt.

Sự phối hợp nhịp nhàng giữa ngành chủ quản với đơn vị sản xuất hàng hóa độc quyền này kéo dài hàng chục năm, thách thức cả những bộ óc thông minh và những trái tim vị tha nhất.

Nhà xuất bản Giáo dục chẳng sợ lỗ vì không có đối thủ cạnh tranh, được ưu đãi miễn thuế. Các đơn vị xuất bản khác xin được tham gia, với đề xuất giảm 20% giá in ấn cũng không được chấp thuận, vô lý như vậy nhưng không ai giải quyết.

Nhà xuất bản Giáo dục luôn biết tâm lý của phụ huynh, mua sách cho con là trên hết, giá nào cũng mua, nhịn ăn cũng phải mua, nên bán loại hàng này là siêu lợi nhận. Cơ quan chủ quản nắm rõ số lượng học sinh hàng năm, nên đã sản xuất là tiêu thụ hết, kinh doanh kiểu này thì không giàu mới lạ.

Sách dù có giá bất hợp lý, chất lượng in ấn, mẫu mã có kém thẩm mỹ, thậm chí phản cảm thì học sinh vẫn không có sự lựa chọn nào khác. Hàng triệu bản sách liên quan đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, phí tổn của nhân dân và lợi nhận mang lại cho Nhà nước có song hành? Đó chính là vấn đề trọng tâm của việc thanh tra mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải làm rõ.

Nhân dân cả nước đang chờ đợi Thanh tra Chính phủ và các cơ quan hữu quan nhanh chóng làm rõ các vấn đề tồn tại của doanh nghiệp độc quyền này. Dư luận cũng mong chờ Chính phủ xem xét cho phép các đơn vị khác tham gia, thì chất lượng sách giáo khoa sẽ được nâng lên, giá thành giảm xuống.

Sự tự do tham gia kinh doanh có kiểm soát chặt chẽ về nội dung không chỉ làm thay đổi chất lượng sách mà còn làm lành mạnh hóa xã hội. Đến cửa của ngôi nhà chung WTO rồi mà còn nuông chiều doanh nghiệp con cưng của Nhà nước, cho phép độc diễn trên sân khấu kinh doanh thì quả thật đây là điều khó có thể chấp nhận được.

Lê Chân Nhân