Xuân về vọng mãi hào khí Trà Lân

(Dân trí) - Nằm về phía Tây Bắc Thị trấn Con Cuông, Cách trung tâm thị trấn 2Km. Thành cổ Trà Lân trước thuộc làng Trầm Hương, nay là thôn Tân Hoà Xã Bồng Khê (Con Cuông Nghệ An). Thành Trà Lân là một trong 85 dấu vết thành cổ của vùng núi Tây Nam xứ Nghệ.

“Trong Đại cáo Bình Ngô, Nguyễn Trãi có viết: "Trận Bồ Đằng sấm vang chớp dật, miền Trà Lân trúc chẻ tro bay." Trà Lân đã đi vào lịch sử dân tộc. 600 năm sau dẫu bị mưa nắng thời gian phá hủy, thành Trà Lân chỉ còn lại dấu tích, nhưng hào khí Trà Lân vẫn còn vang, đọng mãi trong lòng dân Con Cuông nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung”.

Trà Lân ghi lại chiến công hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, dưới thời Lê Lợi -Nguyễn Trãi. Lịch sử ghi lại rằng: vào năm 1406, nước ta bị quân Minh xâm lược, khoảng đầu năm 1407, sau khi áp đặt xong bộ máy cai trị, bọn xâm lược nhà Minh xoá tên nước Việt Nam ta. Chúng xem nước ta lúc bấy giờ như một quận của Trung Hoa; Chúng đặt tên là quận Giao Chỉ.
 
Lúc này vùng Mật Châu (huyện Con Cuông ngày nay) bị chúng đổi tên thành Trà Lung, sau đó đổi thành Trà Long, Trà Lân. Chúng sai Tri Phủ Trà lân, tập trung bắt phu, bắt lính, vơ vét tài nguyên, của cải để xây hệ thống thành lũy vững chắc, đồn ải kiên cố, nhằm trấn giữ toàn bộ khu vực miền Tây Nghệ An, khống chế đường thượng đạo từ Bắc vào Nam, từ rừng xuống biển. Thành Trà Lân từ đó được xây dựng vững chắc, để phục vụ cho âm mưu xâm lược lâu dài nước ta. Chỉ huy thành lúc đó do tên nguỵ quân Cầm Bành với quân số hơn 1.000 lính chiến tinh nhuệ.
 
Ngoài thành Trà Lân, chúng bố trí nhiều đồn, lũy nhỏ để làm nhiệm vụ bảo vệ từ xa, giữ yên thành Trà Lân. Qua nghiên cứu dấu tích để lại thấy rằng: Thành Trà Lân án ngự dưới chân dãy núi của động Đào Nguyên với nhiều đỉnh núi cao 168m trở lên, mặt thành hướng ra sông Lam; Phía Đông và Bắc của thành có lũy đắp cao từ 15-20 thước; Thành xây dựng theo hình chữ V, lưng tựa vào núi, Chu vi của thành rộng hơn 400m. Trên thành có lũy đắp khá kiên cố, trên lũy người ta trồng tre gai để bảo vệ thành vững chắc, ngoài lũy có hào sâu bảo vệ, hào đào sâu 5-6 thước.
 
Khi Lê Lợi và Nguyễn Trãi dấy binh khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Minh, giữa năm 1421, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn tiến vào Nghệ An. Tháng 10 năm 1421, Lê Lợi cho quân bao vây đánh thành Trà Lân. Đồng bào các dân tộc Con Cuông, cử chọn các trai làng mạnh khỏe gia nhập nghĩa quân đánh giặc; Dân làng ủng hộ Voi, Ngựa, lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược và cùng hợp lực với nghĩa quân, xông lên diệt giặc. Sử sách ghi lại lực lượng nghĩa quân có trên 5.000 quân trai trẻ, lại có tướng tài chỉ huy, quân ta thế mạnh như chẻ tre với chiến thuật vừa tấn công quân sự, kết hợp bao vây, kêu gọi dụ hàng.
 
Suốt hơn 2 tháng quân địch bị vây hãm, rơi vào thế khó khăn, khốn quẫn. Tướng giặc Cầm Bành tuyệt vọng phải mở cửa thành sụp lạy đầu hàng, dâng nạp thành cho nghĩa quân Lam Sơn. Chiến thắng Trà Lân vang dội, tạo thế và lực và sự mở đường cho cho cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi hoàn toàn. Vùng Trà Lân sau này là nơi chiêu mộ tướng tài, luyện tập binh sỹ bổ sung cho nghĩa quân Lam Sơn Ngày một đông. Vùng Khe Đóng xã Thạch Ngàn, còn để lại nhiều dấu tích là nơi luyện Voi đánh giặc của nghĩa quân Lê Lợi.

Sáu trăm năm sau do mưa rừng, lũ núi cùng nắng bụi, thời gian, Thành Trà Lân chỉ còn lại dấu tích của thành quách; nơi đây gạch ngói, gốm sứ còn ngổn ngang. Đào sâu xuống dưới lớp thổ nhưỡng ta thấy nhiều lớp gạch ngói, gốm sứ, với nhiều kiểu của nhiều thời đại khác nhau. Mặc dù đã được khoanh vùng bảo vệ, nhưng do khó khăn về kinh phí, nên dấu tích thành có nguy cơ bị xâm hại, bởi đất đá bồi lấp và cả con người tàn phá.
 
Cùng với Bia Ma Nhai, hang ông Trạng, Thành Trà Lân không những là di tích lịch sử hào hùng của dân tộc, mà còn là là một danh lam thắng cảnh của núi sông hùng vĩ, hữu tình và nên thơ: Sơn trùng trùng, Thủy dung dung / Mặt nước biếc bóng lồng chân đá biếc. Mà hơn 600 năm nay vẫn còn đọng mãi câu thơ của ông trạng Phùng Khắc Khoan, khi bị lưu đày ở nơi đây và khẳng định nơi đây, ngày xưa vọng hồn sông núi nước Nam, một hào khí Trà Lân vang động đất trời. Hào khí đó đang được đảng bộ nhân dân đồng bào các dân tộc Con Cuông, gắng sức, đồng lòng xây dựng, để Con Cuông thành trung tâm kinh tế - Văn hóa của vùng Tây Nam Xứ Nghệ. Để hào khí Trà Lân vang, đọng mãi ngày xuân, cùng dân tộc bước vào thời kỳ hội nhập, phát triển.

Phùng Văn Mùi