Bạn đọc viết:
Xử phạt người điều khiển phương tiện không chính chủ là thách đố người dân
(Dân trí) - Nghị định 71/2012/NĐ - CP vừa được Chính phủ ban hành để sửa đổi, bổ sung một số điều, nhưng sau hơn 20 ngày thực hiện Nghị định đã bị dư luận phản ứng với phần quy định xử phạt chủ sở hữu phương tiện “không chuyển quyền sở hữu theo quy định”.
Nội dung quy định tại nghị định 71 sẽ tạo điều kiện cho CSGT can thiệp quá nhiều vào lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của mình, ảnh hưởng trực tiếp đến các quan hệ dân sự thông thường và quyền tự do của công dân. Bởi theo quy định tại Điều 53 Luật Giao thông đường bộ, xe cơ giới đủ điều kiện tham gia giao thông là xe đảm bảo các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật, vệ sinh môi trường, xe có đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Cũng theo quy định tại Điều 58 Luật Giao thông đường bộ, khi tham gia giao thông người lái xe chỉ việc mang theo các giấy tờ sau: “Đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhân kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới và giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (nếu có) là đủ”. Như vậy, có thể thấy khái niệm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là khác nhau, đồng thời cần khẳng định rằng khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông chỉ cần tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Một người hoàn toàn có quyền điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi có đủ các giấy tờ như đã nói ở trên, chứ họ không có trách nhiệm phải chứng minh xe mình đang điều khiển phải là “xe chính chủ”. Trong xã hội hiện đại, việc người dân không đi xe chính chủ là chuyện bình thường, vì có rất nhiều trường hợp không phải gia đình nhà nào cũng có mỗi người 1 chiếc xe, hoặc có người ra nước ngoài làm ăn sinh sống để lại xe cho người thân sử dụng, hoặc mượn xe của anh em, bạn bè để sử dụng tạm thời. Vì vậy, việc Nghị định 71 quy định xử phạt đối với “ xe chính chủ”, khi người đó chỉ là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là không đúng thẩm quyền.
Hơn nữa, Nghị định 71 không quy định rõ những căn cứ để xác định chiếc xe một người đang sử dụng là xe mượn, hay xe mà họ là người sở hữu nhưng chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ. Vì vậy, bắt người dân phải chứng minh chiếc xe đang đi là xe mượn hay xe mua nhưng chưa sang tên đổi chủ là vô lý. Việc xác định là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, chứ không phải của người điều khiển phương tiện giao thông. Hơn nữa, việc xác định “xe chính chủ” thường chỉ thực hiện trong bối cảnh có tranh chấp quyền sở hữu. Còn việc lưu thông chiếc xe chưa sang tên đổi chủ không ảnh hưởng gì đến trật tự giao thông (trích lời của TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luât - Bộ Tư Pháp).
Đối với phương tiện tham gia giao thông được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ thì cần thiết phải quản lý theo chủ sở hữu. Tuy nhiên, việc quản lý theo chủ sở hữu cần đảm bảo hợp tình, hợp lý, tránh gây phiền hà cho người dân, chứ không phải chỉ xử phạt là xong. Điều này đòi hỏi Nhà nước phải đưa ra những biện pháp cụ thể, giao cho một cơ quan chuyên trách quản lý tình trạng xe trao đổi mua bán nhiều lần nhưng không làm thủ tục sang tên đổi chủ, chứ không thể giao cho lực lượng CSGT xử phạt người dân.
Thu Trang