Bài 8:
Xử lý vi phạm pháp luật đê điều ở Ninh Bình: Trách nhiệm vẫn chưa thuộc về ai?
(Dân trí) - Hàng loạt vụ vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn tỉnh Ninh Bình diễn ra nhiều năm nay, UBND tỉnh nhiều lần chỉ đạo dẹp bỏ, sẽ truy trách nhiệm người đứng đầu. Tuy nhiên, đến nay các vụ vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại, trách nhiệm người liên quan vẫn chưa thuộc về ai?.
Như báo Dân trí đã phản ánh, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều ở Ninh Bình thời gian qua đã trở thành “điểm nóng”, gây nhức nhối. Hàng loạt các vụ vi phạm ngang nhiên tồn tại nhiều năm qua, thách thức cơ quan chức năng nhưng không bị dẹp bỏ gây bức xúc trong dư luận.
Sau khi báo Dân trí phản ánh, UBND tỉnh Ninh Bình nhiều lần có văn bản chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp, các Sở ngành có liên quan vào cuộc dẹp bỏ các vụ vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn. Cụ thể, ngày 10/5/2017 UBND tỉnh Ninh Bình có Văn bản 128/UBND-VP3, đến ngày 1/9/2017 lại tiếp tục có Văn bản 306/UBND-VP3 về việc tăng cường xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn tỉnh.
Sau chỉ đạo của UBND tỉnh, từ tháng 5/2017 đến nay Sở NN&PTNT Ninh Bình cũng đã có nhiều văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố về triển khai thực hiện và báo cáo kết quả xử lý các vi phạm trên địa bàn như: Văn bản 548/SNN-TL ngày 25/5/2017; Văn bản 712/SNN-TL ngày 27/6/2017; Văn bản 762/SNN-TL… mới đây nhất là Văn bản số 1591/SNN-TL ngày 19/12/2017.
Sở NN&PTNT Ninh Bình đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi thành lập các đoàn kiểm tra xuống cùng với UBND các huyện, thành phố để phối hợp bàn kế hoạch triển khai thực hiện, xử lý các vi phạm còn tồn tại trên địa bàn xong trước ngày 30/10/2017, không để phát sinh vi phạm mới hoặc tái vi phạm.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cũng chỉ đạo Chi cục Thủy lợi đôn đốc các Hạt Quản lý đê tăng cường kiểm tra, rà soát, ngăn chặn vi phạm, đôn đốc các địa phương kịp thời gửi báo cáo hàng tháng để tổng hợp kết quả, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo và đề nghị các huyện, thành phố triển khai thực hiện: Báo cáo số 102/BC-SNN ngày 6/6/2017; Báo cáo số 161/BC-SNN ngày 28/7/2017…; Báo cáo số 243/BC-SNN ngày 29/10/2017.
Sở NN&PTNT Ninh Bình cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định 19/2017/QĐ-UBND ngày 3/8/2017 về quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh.
Đối với UBND các huyện, thành phố cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn có biện pháp ngăn chặn, xử lý các vi phạm; Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức nhiều hội nghị có thành phần các đơn vị, cá nhân có vi phạm để yêu cầu giải tỏa các hạng mục vi phạm; Tổng hợp kết quả thực hiện hàng tháng gửi về Sở NN&PTNT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Báo cáo mới nhất của Sở NN&PTNT Ninh Bình cho thấy, trong tổng số gần 100 vụ vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn toàn tỉnh, sau khi vào cuộc các địa phương mới chỉ xử lý được 25 vụ, vẫn còn tồn tại 69 vụ. Những vụ còn tồn tại đều là những vi phạm “khủng”, gây nhức nhối vì đối tượng vi phạm còn tồn tại chủ yếu là các doanh nghiệp lớn có tên tuổi trên địa bàn. Những doanh nghiệp này tìm cách né tránh khi có đoàn chức năng về kiểm tra xử lý, bất hợp tác và viện nhiều lý do gây khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật.
Ghi nhận của PV Dân trí, những vụ vi phạm pháp luật đê điều còn tồn tại ở Ninh Bình hiện nay vẫn đang ngang nhiên hoạt động, như chưa hề có bất cứ động thái kiểm tra, xử lý nào của cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương. Tại huyện Gia Viễn, một số bãi tập kết cát trái phép, vi phạm Luật Đê điều và Phòng chống thiên tai vẫn ngang nhiên tồn tại dọc theo đê tả sông Hoàng Long.
Dọc theo đê hữu sông Đáy đoạn qua thành phố Ninh Bình, huyện Yên Khánh, hàng loạt vụ vi phạm vẫn “án binh bất động”, chính quyền địa phương không thể đụng vào các vi phạm này do các vi phạm “khủng” đều là của các “ông lớn”. Báo cáo của các địa phương cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp có vi phạm đã bất hợp tác trong việc xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc không xử lý dứt điểm các vụ vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn khiến dư luận hoài nghi về năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tại Ninh Bình. Trong đó, nhiều huyện các vụ vi phạm vẫn còn “nhan nhản”, ngang nhiên tồn tại một cách bất hợp pháp, thách thức luật pháp.
Trước đó, UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo cương quyết, sẽ truy trách nhiệm người đứng đầu các địa phương và Sở ngành có liên quan nếu như không xử lý dứt điểm các vụ vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn. Công văn 128/UBND-VP3 và 306/UBND-VP3 của UBND tỉnh chỉ đạo đều nói sẽ truy trách nhiệm người đứng đầu: Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu không xử lý dứt điểm và đúng hạn các vụ vi phạm đê điều trên địa bàn.
Văn bản chỉ đạo do ông Đinh Chung Phụng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình ký nêu rõ: “UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc các Sở NN&PTNT; Thủ trưởng các Sở, ngành chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nội dung trên và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều”.
Đến nay, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn chưa được xử lý dứt điểm, trách nhiệm vẫn chưa thuộc về ai theo như chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Thái Bá