Bài 6:

Xử lý vi phạm pháp luật đê điều ở Ninh Bình: “Con voi chui lọt lỗ kim”?

(Dân trí) - Tổng số gần 100 vụ vi phạm pháp luật đê điều, quá “hạn chót” UBND tỉnh giao gần hai tháng nhưng các địa phương chỉ xử lý được 25 vụ. Các vi phạm tồn tại đều là những công trình “khủng” của các “ông lớn” khiến dư luận hoài nghi có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” trong xử lý vi phạm luật đê điều tại Ninh Bình?.

Quá “hạn chót” vi phạm luật đê điều vẫn còn… nhan nhản

Liên quan đến loạt bài “nhức nhối” tình trạng vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn tỉnh Ninh Bình mà báo Dân trí đã phản ánh trong 5 kỳ báo, ngày 26/12/2017 PV Dân trí đã có buổi làm việc với lãnh đạo Chi cục Thủy lợi Ninh Bình để cập nhập kết quả xử lý các vụ vi phạm cũng như trao đổi thông tin những vấn đề có liên quan.

Báo cáo mới nhất của Sở NN&PTNT Ninh Bình về việc xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn cho thấy, tính đến ngày 25/12/2017 trên địa bàn tỉnh có tổng số 94 vụ vi phạm, trong đó đã xử lý được 25 vụ, hiện còn tồn tại 69 vụ.


Quá hạn chót UBND tỉnh Ninh Bình giao, đến nay các vụ vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn vẫn còn nhan nhãn.

Quá "hạn chót" UBND tỉnh Ninh Bình giao, đến nay các vụ vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn vẫn còn "nhan nhãn".

“Đối tượng vi phạm còn tồn tại là các hộ dân và doanh nghiệp có hoạt động, sản xuất kinh doanh liên quan đến hành lang bảo vệ đê và hành lang thoát lũ. Nội dung vi phạm chủ yếu là: Tập kết, kinh doanh vật liệu, xây nhà xưởng, trạm cân, làm nhà tạm, công trình phụ, san lấp tôn cao, mở rộng mặt bãi phía ngoài đê… khi chưa được cấp phép hoặc thực hiện không đúng quyết định cấp phép của UBND tỉnh, văn bản thỏa thuận của Bộ NN&PTNT” - Văn bản 320/BC-SNN của Sở NN&PTNT Ninh Bình ngày 25/12/2017 nêu rõ.

Được biết, tổng số 94 vụ vi phạm pháp luật đê điều tại Ninh Bình có 59 vụ là các hộ gia đình, 35 vụ là các doanh nghiệp. Xử lý dứt điểm được 25 vụ, trong đó 23 hộ gia đình và 2 doanh nghiệp. Cụ thể: huyện Kim Sơn 1 vụ; Yên Khánh 7 vụ; Yên Mô 6 vụ; thành phố Ninh Bình 2 vụ; Gia Viễn 5 vụ; Nho Quan 4 vụ. Hiện còn 69 vụ, có 36 hộ gia đình vi phạm và 33 doanh nghiệp, trong đó nhiều nhất là huyện Yên Khánh 32 vụ; Gia Viễn 17 vụ; Hoa Lư 7 vụ, thành phố Ninh Bình 5 vụ…

Như vậy, sau nhiều tháng ra quân xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn theo chỉ đạo tại Công văn 128/UBND-VP3 ngày 10/5/2017 và Văn bản 306/UBND-VP3 ngày 1/9/2017 về việc tăng cường xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình đến nay, các địa phương vẫn chưa thực hiện nghiêm theo chỉ đạo.


Nhiều công trình khủng vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đê điều của các ông lớn tại Ninh Bình vẫn chưa bị xử lý, dẹp bỏ.

Nhiều công trình "khủng" vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đê điều của các "ông lớn" tại Ninh Bình vẫn chưa bị xử lý, dẹp bỏ.

Theo đó, tuy không có vụ vi phạm mới phát sinh nhưng các vụ vi phạm nghiêm trọng vẫn chưa bị xử lý, dẹp bỏ. Chính quyền địa phương các huyện, thành phố chỉ xử lý được các vi phạm nhỏ lẻ của các hộ gia đình. Ngược lại, những công trình vi phạm Luật Đê điều và Phòng chống thiên tai nghiêm trọng, xây dựng “khủng” trong hành lang đê và hành lang thoát lũ của các doanh nghiệp vẫn chưa được kiên quyết xử lý, dẹp bỏ.

Điều này khiến dư luận hoài nghi về quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều tại Ninh Bình, phải chăng có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”, vì đến nay hầu hết các công trình sai phạm của các “ông lớn” trên địa bàn như: Tập đoàn Vissai Ninh Bình, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, Nhà máy xi măng The Vissai, Công ty CP Thaigruop (Tập đoàn Xuân Thành); Công ty TNHH Thiên Trường An; Nhà máy Đạm Ninh Bình… chính quyền địa phương các cấp đều không thể “đụng vào”, khiến các doanh nghiệp này dù vi phạm nhưng vẫn “nhởn nhơ” ngoài vòng pháp luật.

Địa phương “trây ì”, doanh nghiệp… bất hợp tác

Sở NN&PTNT Ninh Bình cho hay, công tác xử lý, giải tỏa các vi phạm ở các địa phương chưa đạt yêu cầu, số vụ vi phạm đã giải tỏa triệt để còn ít (các vụ vi phạm đã giải tỏa chủ yếu ở các hộ gia đình), nhiều vụ vi phạm còn tồn tại vẫn chưa được xử lý hoặc xử lý chưa dứt điểm.


Hầu hết chính quyền các huyện, thành phố tại Ninh Bình không thể đụng vào ông lớn nên không thể xử lý được các vi phạm pháp luật đê điều.

Hầu hết chính quyền các huyện, thành phố tại Ninh Bình không thể đụng vào "ông lớn" nên không thể xử lý được các vi phạm pháp luật đê điều.

“UBND các huyện, thành phố cơ bản mới tổ chức các hội nghị, thành lập đoàn kiểm tra, ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giải quyết, xử lý vi phạm; chưa triển khai kế hoạch và tổ chức cưỡng chế giải tỏa vi phạm. Các vi phạm lớn (chủ yếu là doanh nghiệp) chưa thực hiện giải tỏa, nhiều đơn vị vi phạm không hợp tác với các cơ quan chức năng để xử lý; giải tỏa vi phạm; một số vụ vi phạm nhỏ lẻ như xây dựng lều lán tạm, công trình phụ, tập kết vật liệu được tháo dỡ, giải tỏa xong vẫn chưa dứt điểm” – Sở NN&PTNT Ninh Bình nêu rõ.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lâm Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Ninh Bình thừa nhận tình trạng vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn thời gian qua là “điểm nóng”. UBND tỉnh liên tục chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố vào cuộc xử lý dứt điểm các vi phạm. Sở NN&PTNT đến nay đã có rất nhiều văn bản đề nghị các huyện, thành phố triển khai xử lý, giải tỏa vi phạm theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đồng thời báo cáo kết quả xử lý.

Về những vi phạm pháp luật đê điều còn tồn tại, ông Tuấn cho hay, hầu hết các vi phạm này đều là của các doanh nghiệp và là các vi phạm lâu năm. Việc xử lý những vi phạm này cơ bản trước hết vẫn phải là các địa phương làm trước. Phải cương quyết xử lý, cưỡng chế theo quy định, vụ nào cực kỳ khó và phức tạp xây dựng kế hoạch, phương án cưỡng chế sau đó mới báo cáo cấp cao hơn được.


Không xử lý được các công trình khủng của các ông lớn, dư luận hoài nghi có chuyện con voi chui lọt lỗ kim trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật về đê điều tại Ninh Bình.

Không xử lý được các công trình "khủng" của các "ông lớn", dư luận hoài nghi có chuyện "con voi chui lọt lỗ kim" trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật về đê điều tại Ninh Bình.

“Đến nay vẫn chưa có huyện nào xây dựng kế hoạch, phương án cưỡng chế bất cứ vụ vi phạm nào. Các địa phương vẫn chưa quyết liệt trong việc xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn” – ông Tuấn nói.

Đề cập đến vấn đề đến nay chưa xử lý dứt điểm được các vi phạm, có Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh chưa, ông Tuấn cho hay cũng chưa nắm được về việc này. Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Ninh Bình chia sẻ thêm, các địa phương xử lý không quyết liệt các vụ vi phạm là một phần, phần còn lại các doanh nghiệp cũng bất hợp tác nên rất khó xử lý. Hầu hết khi cơ quan chức năng đến các doanh nghiệp đều né tránh, cho người không có thẩm quyền ra tiếp, không phối hợp…

Thời gian tới Sở NN&PTNT Ninh Bình tiếp tục đề nghị các huyện, thành phố tăng cường xử lý dứt điểm các vị vi phạm pháp luật đê điều còn tồn tại trên địa bàn. Xây dựng kết hoạch cưỡng chế cụ thể đối với từng vụ vi phạm và tổ chức cưỡng chế, giải tỏa vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các vụ vi phạm vượt thẩm quyền, các huyện, thành phố rà soát, báo cáo và đề nghị UBND tỉnh yêu cầu các tổ chức có vi phạm tạm dừng hoạt động hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.


Đến nay, chưa có lãnh đạo địa phương nào phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc không xử lý dứt điểm vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình.

Đến nay, chưa có lãnh đạo địa phương nào phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc không xử lý dứt điểm vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Thái Bá