Xin hãy lắng nghe tiếng nói của người dân!

Cuộc tiếp xúc cử tri của tổ đại biểu HĐND huyện diễn ra ở một địa bàn thuần nông chuyên canh lúa ở miền Trung. Địa phương có khoảng 3.000 dân, nổi tiếng về truyền thống yêu nước, hiếu học và cần cù lao động.

Chúng tôi nhận thấy, những băn khoăn, trăn trở, nguyện vọng của bà con cũng phản ánh được những vấn đề chung của đất nước, rất cần được đại biểu HĐND các cấp quan tâm và đề đạt, đấu tranh giải quyết để góp phần nâng cao đời sống người dân. Chúng tôi xin phản ánh lại theo vấn đề để mọi người tiện theo dõi.

Vấn đề thứ nhất là cần xem lại cung cách quản lý của người cán bộ. Khi người nông dân mất mùa, lúa chết rét, thì không thấy bóng cán bộ xã, huyện ở đâu để động viên dân, cùng dân giải quyết khó khăn. May nhờ sự nỗ lực của người dân và cán bộ thôn nên đã mua thêm giống, gieo thêm mạ, nhờ đó được mùa. Khi lúa bị chết rét nhiều, huyện hứa sẽ hỗ trợ nông dân tiền mua lúa giống, song đến nay đã vào một vụ mới mà tiền hỗ trợ vẫn không thấy. Xin đại biểu trả lời rõ ràng, số tiền hỗ trợ ấy có hay không có?

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Chúng tôi nghe nói để lấy được tiền hỗ trợ lúa giống thì phải có hoá đơn đỏ. Người nông dân chúng tôi chạy vạy, vay mượn, mua chỗ này vài cân, chỗ khác vài cân thóc thì lấy đâu ra hoá đơn đỏ? Làm thế khác nào làm khó cho chúng tôi?

 

Vấn đề thứ hai là nạn ô nhiễm môi trường, xả rác lung tung. Người dân ở các khu vực tập trung cứ đem rác thải bỏ vào đồng ruộng, chất đống bên cạnh đường quốc lộ, đồng ruộng trở thành bãi rác thải với đủ thứ bẩn thỉu và nguy hiểm. Có những bà con giẫm phải mảnh chai, ống kim tiêm từ những thứ rác ấy, bị nhiễm trùng không làm mùa được, tình cảnh rất đáng thương. Mương máng bị rác lấp hết, nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống bà con. Đề nghị đại biểu và các cấp lãnh đạo nghiên cứu phương hướng giải quyết.

Vấn đề thứ ba là việc ngành điện tự ý cắt điện một cách hết sức tuỳ tiện. Vào dịp mùa màng, nhiều ngày điện cắt từ 6 giờ sáng đến 9 giờ đêm, nhiều khi đột ngột cắt rồi có, không hề thông báo trước. Máy bơm mỗi lần cắt điện như thế phải đổ 100 thùng nước mồi mới chạy tiếp được, người đi lấy nước vô cùng vất vả. Bà con đi làm đồng về, không có điện để nấu cơm nên đành nuốt tạm bát mì tôm rồi tiếp tục đi làm. Đại biểu thấy xong mùa thì từ cán bộ đến dân chỉ còn da bọc xương do quá vất vả. Đề nghị đại biểu có ý kiến với ngành điện. Ngành bưu điện cũng cần xem lại thái độ phục vụ. Bà con đăng kí lắp điện thoại phải chờ rất lâu, đến khi điện thoại trục trặc thì nhân viên bưu điện không chịu đến sửa cho dân, nếu có đến thì cửa quyền, hách dịch làm người dân rất bất bình.

Vấn đề thứ tư là việc giải quyết chế độ chính sách quá chậm trễ. Hồ sơ khen thưởng, thương bệnh binh…tồn đọng nhiều năm này qua năm khác, có nhiều hồ sơ tồn đọng 3,4 năm không giải quyết, hiện xã đang tồn đọng hơn 200 bộ hồ sơ, cấp trên không có sự trả lời cụ thể khiến người dân thắc mắc. Hiện nhân viên y tế thôn bản không có chế độ gì để hoạt động, chỉ là lập ra cho có.

Vấn đề thứ năm là học sinh ý thức ngày càng kém. Dẫn chứng là gần đây một học sinh THPT đã vác dao vào trường chém bạn đứt lìa bàn tay. Sự việc ấy cho thấy giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội có vấn đề.

Vấn đề thứ sáu là cần xem lại vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không nên để cho tư thương mặc sức thao túng như hiện nay khiến cho người nghèo càng nghèo thêm, tư thương tha hồ làm giàu bất chính…

Vấn đề thứ bảy là nhiều dự án đã triển khai, khảo sát, đã hứa với dân nhưng từ năm này đến năm khác không thực hiện như dự án nước sạch. Một số dự án đang thi công thì cần xem lại chất lượng thi công: người dân thấy công nhân làm việc qua loa, tắc trách, người giám sát hầu như không làm việc, rất thiếu trách nhiệm. Một vị cán bộ thôn bức xúc: “Khi dự án làm đường liên huyện đi qua địa bàn, với sự vận động của cán bộ và ý thức cộng đồng cao, tất cả những nhà dân có con đường chạy qua đã nhất trí không đòi tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Người dân đã chịu hi sinh như vậy, nên những vấn đề thiết yếu trong cuộc sống rất mong được cấp trên lưu ý giải quyết”. 

Sỡ dĩ vị cán bộ ấy bức xúc bởi vì những vấn đề này không hề mới, được nêu đi nêu lại qua nhiều lần tiếp xúc đại biểu Quốc hội, HĐND và các đại biểu đã hứa, đã đề đạt, song hầu như thực trạng vẫn cứ giẫm chân tại chỗ. Ngoài ra, nhiều vấn đề khác mà người dân đã nêu ra tại buổi tiếp xúc đại biểu quốc hội kì trước nên không nêu lại trong lần này như: vấn đề chế độ chất độc da cam, thanh niên xung phong, vấn đề chống tham nhũng, lãng phí, chính sách xoá đói giảm nghèo, qui hoạch đất đai…

Chỉ một địa phương trên ba ngàn dân mà có bấy nhiêu trăn trở, nguyện vọng thì trên phạm vi cả nước những việc cần làm ngay chồng chất đến thế nào. Xin ghi lại những đề xuất của người dân để những người có trách nhiệm quan tâm và có những biện pháp tháo gỡ. Nhớ lại cách đây sáu thế kỉ trong bài biểu trả lời vua Lê Thái Tông hỏi về lễ nhạc, Nguyễn Trãi viết: “Cúi xin bệ hạ rủ lòng thương yêu và chăn nuôi muôn dân…Sao cho trong thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu…”. Tư tưởng ấy đến nay vẫn còn ý nghĩa, và người cán bộ cách mạng phải có trách nhiệm, phải làm hết sức mình để “sao cho trong thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu”. Xin hãy lắng nghe tiếng nói của người dân! 

Trọng Nghĩa

LTS Dân trí - Trong một cuộc tiếp xúc cử tri của Hội đồng nhân dân huyện tại một xã chỉ có 3000 dân mà đã có bảy vấn đề bức xúc được nêu lên để kiến nghị với cấp trên quan tâm giải quyết.

Xem ra những kiến nghị của dân không phải những vấn đề cao xa mà toàn là những điều rất “sát sườn” với đời sống người dân như việc hỗ trợ giống má khi chẳng may gặp thiên tai (lúa bị chết rét nhiều, phải cấy lại); việc cắt điện bất thường gây khó dễ cho sản xuất và đời sống của người dân;  việc quản lý thị trường chưa tốt, để cho tư thương ép giá đối với người nông dân; nhiều dự án trở thành “dự án treo”, kể cả dự án nước sạch; việc giải quyết chế độ độ, chính sách quá chậm trễ, chỉ một xã mà tồn đọng đến 200 bộ hồ sơ không được cấp trên xem xét trả lời,v.v.

Đúng là kiến nghị của  một xã thôi nhưng đã đại diện cho nhiều vùng nông thôn khác. Lắng nghe và giải quyết kịp thời những kiến nghị ấy chính là góp phần tháo gỡ những khó khăn đối với người nông dân và nông thôn hiện nay. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm