Dạy con nên người:
Xin chữ
(Dân trí) - Ngày trước, tục cho chữ, xin chữ khá phổ biến.
Người cho chữ là những bậc túc nho, khoa bảng danh giá hoặc được kính trọng, tôn vinh. Người xin chữ thường là người quí trọng văn hoá, đi xin chữ là để lưu giữ một kỷ niệm, lấy cái tài cái đức của người cho chữ để giáo dục người thân, con cháu mai hậu. Truyện ngắn Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân ai từng học hết bậc phổ thông trung học đều biết là một trường hợp cho chữ, xin chữ như thế.
Nhưng từ phong tục ấy, không ít người muốn làm ra vẻ cũng quen biết rộng, cũng hiểu chữ nghĩa, lấy tiền bạc hoặc cầu xin để được chữ của người tài cao học rộng mang về loè thiên hạ. Giai thoại về cô Tư Hồng, một "me Tây" nổi tiếng Hà Thành xin chữ cụ Tam Nguyên Yên Đổ cho bức hoành phi treo ở ngôi nhà mới xây, bị cụ cho ba chữ "Vọng Tây Lầu" thâm thuý, thuộc trường hợp này.
Lại có chuyện không ít ông nghè, ông cống mù dốt nhưng được mũ áo vua ban kiếm ăn quanh bằng cách cho chữ đám thọ, đám hiếu, nhà mới, chùa mới để kiếm ăn. Truyện ngắn Xin chữ cụ Nghè của Nguyễn Công Hoan kể về một ông có việc tang, muốn đổi mới các câu phúng đã quá nhàm chán như kiểu "Thiên thu vĩnh biệt", "Qui lai tiên cảnh" đầy rẫy ở các cửa hàng đồ tang của Hà Nội bấy giờ, ông biện lễ to, tới nằn nì xin cụ Nghè cho chữ. Sau một hồi làm cao, vờ vắt óc suy nghĩ, cụ cho bốn chữ "Hạc giá tiêu du" (cưỡng hạc về cõi tiên) ai cũng biết, cũng thuộc. Người cho chữ cười ha hả mãn nguyện, người xin chữ méo mặt cười theo.
Chuyện xưa là thế, còn chuyện nay. Cứ đến dịp kỷ niệm năm tròn ngày truyền thống này nọ, từ cơ quan, xí nghiệp, tỉnh, huyện và cả những nơi vốn đã danh giá đều đổ xô đi xin chữ. Thường là thư khen. Nếu không thư khen thì vài dòng bút tích trong sổ vàng truyền thống. Quí nhất là ảnh, nếu có được tấm ảnh một đồng chí lãnh đạo đang thăm cơ sở, bắt tay thủ trưởng hoặc cầm trên tay một sản phẩm của đơn vị thì còn hơn cả cho chữ. Lại có đồng chí lãnh đạo thích cho chữ, thích có tên trên báo. Chỉ khổ các thư ký, các cán bộ văn phòng gò lưng ra sáng tác thư khen với những: "nhiệt liệt chào mừng", "nhiệt liệt biểu dương" "chúc các đồng chí phát huy thành tích" v. v... v.v...
Không rõ những chuyện xưa thời nay ấy được xếp vào loại nào trong số những chuyện xin chữ, cho chữ vừa kể.
Vũ Duy Thông