Xin cho con đi học mầm non: Chuyện nghe mà thấy… xót

(Dân trí) - “Lâu nay, báo chí và dư luận đang quan tâm đến việc nhiều phụ huynh xếp hàng đăng ký tận cả đêm, để xin cho con được học trường mầm non. Đây có lẽ là chuyện riêng có của Việt Nam?! Và không biết Bộ chủ quản nghĩ gì về sự việc này…”.

Sinh thời Bác Hồ có nói: “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn biết ngủ, biết học hành là ngoan”. Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam chúng ta đã tham gia và ký kết cũng nêu rất rõ về quyền trẻ em, trong đó có quyền được học hành đầy đủ… Thực hiện quyền thiêng liêng cho con trẻ và chiến lược đào tạo con người ngay từ khi còn chập chững vào đời. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách lớn như: đầu tư lớn kinh phí để xây trường mở lớp, đào tạo giáo viên sư phạm không phải đóng học phí..vv..vv ..
Xin cho con đi học mầm non: Chuyện nghe mà thấy… xót - 1
Các cháu trường mầm non Chi Khê (huyện Con Cuông, Nghệ An) hát mừng trường đạt chuẩn quốc gia.
 
Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mang nhiều năm nay cứ chuẩn bị vào năm học mới là xẩy ra hiện tượng phụ huynh của học sinh lớp 1 và mầm non chen nhau suốt cả ngày, cả đêm để nộp đơn cho con được đi học?. Trong khi có hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn giáo viên ra trường không có việc làm, không ít giáo viên phải chuyển nghề, làm nhiều việc trái khoáy để kiếm sống. Nếu nói thiếu trường ư? Chưa hẳn. Bởi Nhà nước có thể thiếu vốn để mở nhà máy, khu công nghiệp lớn, nhưng không để thiếu đất, thiếu vốn xây trường mở lớp.
 
Vả lại chúng ta đang thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục, không ít người có đủ vốn, đủ khả năng huy động vốn và giáo viên cùng mở trường. Hàng năm cứ vào dịp cuối năm học trước, chuẩn bị cho năm học sau, các trường tổ chức cho giáo viên về tận từng thôn bản, khối phố thống kê nắm số lượng nguồn học sinh cho năm học mới. Công tác dân số và gia đình lâu nay thực hiện rất chắc kế hoạch giao ban nắm chắc dân số từng tháng.
 
Tại Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có 1 Phó chủ tịch văn xã và có 1-2 cán bộ văn hoá tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền về công tác giáo dục. Thế nhưng rất tiếc là hiện tượng này không chấm dứt được, việc thiếu trường, thiếu lớp năm nào cũng xẩy ra?!

Bên cạnh việc xếp hàng, chờ tận nửa đêm để nạp đơn cho con học mầm non, lâu nay báo chí đã phản ảnh nhiều đến việc tiêu cực đằng sau nó. Không ít người đã tốn tiền triệu, thậm chí hàng chục triệu đút lót cho con được vào học. Người giàu thì làm được, còn công nhân, viên chức nhà nước bình thường, hay người lao động lấy đâu ra để làm “tiêu cực”? Họ phải hy sinh thời gian, vì tương lai con cháu dù phải chờ đến nửa đêm chứ suốt ngày, suốt tháng cũng phải chờ, miễn sao con em được đi học.

Chúng ta đang tiến hành phổ cập giáo dục bậc học mầm non, để việc phổ cập hoàn thành. Và, để không còn hiện tượng này chúng tôi thiết tha đề nghị cấp uỷ, chính quyền tại các Thành phố cần nghiêm túc nhìn lại công tác quy hoạch trường lớp của mình. Phòng giáo dục phải chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân thế nào, khi để xẩy ra sự việc đáng tiếc này?
 
Tất cả phải được đem lên bàn nghị sự tại các cuộc tiếp xúc cử tri và các cuộc họp của Hội đồng nhân dân các cấp. Bộ giáo dục- Đào tạo hãy khoan vỗ tay tổng kết năm học 2010 - 2011, mà dành thời gian, kinh phí cho con trẻ kịp đến trường của năm học mới …
 
Phùng Văn Mùi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm