Xây dựng một xã hội trung thực
Một xã hội, một đất nước thực sự tốt đẹp phải được xây dựng trên nền móng của một xã hội trung thực. Chúng ta đừng mong xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh thực sự khi mà mỗi thành viên của nó không đặt vấn đề minh bạch và trung thực lên trên hết.
Khi mà trong cuộc sống hàng ngày con người lại phải ranh ma, luồn lách để tồn tại và phát triển; hiện tượng gian dối, giả tạo là phổ biến… thì ở đó, những mỹ từ văn minh, dân chủ, công bằng… chỉ là sự “giả dối” cao siêu hơn mà thôi!
Xã hội tốt đẹp thực sự phải minh bạch từ cấp cao nhất xuống đến thứ dân, phải tường minh từ pháp luật, đến các thiết chế văn hóa, tôn giáo, đạo đức của xã hội. Trong xã hội trung thực, mọi người phải bình tĩnh đón nhận cả điều tốt và thói xấu mà mình đang đối diện, thậm chí phải tôn trọng cả các quan điểm đối lập với mình vì cuộc sống vốn là như vậy.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn. |
Trong xã hội trung thực ấy, người dân “được nói và dám nói” hết những suy nghĩ, những điều tự thấy là bức xúc và không đồng tình về nhiều vấn đề trong môi trường xã hội mà họ đang sống. Bản lĩnh của nhà cầm quyền là biết lắng nghe và chấp nhận có chọn lọc những thông tin đa cực ấy để điều chỉnh chính sách và hành vi quản lý xã hội của mình.
Một thể chế minh trị là ở đó giai cấp lãnh đạo biết tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho những người “có quan điểm ngược lại” với quan điểm chính thống của giai cấp cầm quyền. Các đời vua thịnh trị trước đây đã cho thấy rõ điều đó.
Một đất nước phát triển muốn ổn định, bền vững phải trừng trị nghiêm khắc mọi sự gian dối, bất kể người đó là ai, vì gian dối chính là “bạn đồng hành” của tham nhũng. Cần “hình sự hóa” tất cả mọi gian dối, từ 1 lời nói, một lời khai hoặc 1 chữ ký của công dân. Chúng ta hãy xây dựng bằng được “nền tảng” trung thực đầu tiên này đã, trước khi bàn đến “đạo” hoặc các mỹ từ xã hội học khác.
Lê Huỳnh
LTS Dân trí - Làm điều gì cũng cần có sự bắt đầu hay khởi đầu. Theo tác giả bài viết trên đây, muốn xây dựng một xã hội văn minh, thật sự dân chủ và công bằng thì trước hết hãy xây dựng một xã hội trung thực.
Ý tưởng đề xuất ấy bắt nguồn từ việc nhận xét cuộc sống hôm nay còn nhiều sự giả dối, nói một đằng làm một nẻo hoặc thậm chí người ta chỉ cần nói đúng đường lối, chính sách nhưng khi làm thì chỉ nhằm mục đích vụ lợi cá nhân. Mà những người có thói quen gian dối như vậy lại rơi vào không ít người có chức có quyền, nhiều nhất là ở cấp trung gian, chứ người dân thường, những người lao động lại không có gì để vụ lợi và cũng không có thói quen ăn gian nói dối.
Tạo ra những thiết chế cần thiết để loại trừ mọi sự gian dối, xây dựng bằng được cơ chế quản lý dân chủ, công khai, minh bạch từ trung ương đến cơ sở chính là những việc làm cần thiết để xây dựng một xã hội trung thực.